Nguy cơ từ môi trường lao động
Từ vi sinh vật:
Hàng ngày, CBYT phải đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng từ người bệnh mà họ trực tiếp phục vụ. Nguy cơ nhiễm lao do đối thoại trực tiếp mà không dùng khẩu trang là có thật. Nhiễm lao do hít từ không khí là đáng quan tâm. Nghiên cứu mẫu không khí lấy từ phòng khám, phòng cấp cứu, khoa lây… cho thấy không khí ở những nơi này đều bị ô nhiễm.
Nguy cơ lây nhiễm siêu vi rất hay gặp trong các cơ sở y tế. Theo một thống kê mới đây của Bộ Y tế Mỹ thì tỉ lệ lây nhiễm virút viêm gan B là 23%, so với viêm gan C là 1,8% và HIV là 0,1%. Các đối tượng dễ bị lây nhiễm là CBYT công tác tại các khoa có bệnh nhân bị nhiễm các loại virút kể trên hoặc các khoa huyết học, nhân viên phòng xét nghiệm, các nhân viên giải phẫu bệnh, phẫu thuật viên.
Nguy cơ lây nhiễm siêu vi cao ở các khoa huyết học, phòng xét nghiệm, giải phẫu bệnh
Từ các thiết bị chẩn đoán và điều trị dùng trong cơ sở y tế:
Theo một điều tra ở Nga, bức xạ ion đứng đầu trong số các yếu tố vật lý ảnh hưởng đến sức khỏe CBYT. Các đối tượng nguy cơ cao là bác sĩ, kỹ thuật viên khoa chẩn đoán hình ảnh. Các rối loạn chức năng thường ở hệ thần kinh và tim mạch. Một số tác giả nghiên cứu đã nhận thấy rằng những người tiếp xúc từ 85 - 95% thời gian trong ngày với mức siêu âm tần số cao dễ bị tổn thương ở mạch máu ngoại vi và thần kinh.
Từ các hóa chất:
Nhân viên phòng mổ thường xuyen hít phải chất gây mê, được xem là có ảnh hưởng bất lợi lên chức năng sinh sản của cả nam lẫn nữ. Nhân viên phòng ướp xác phục vụ việc học giải phẫu cho sinh viên, luôn tiếp xúc với chất formol, là chất gây mẫn cảm cao và có khả năng gây ung thư. Nhân viên phòng xét nghiệm thì tiếp xúc với rất nhiều hóa chất dùng trong việc thử các phản ứng sinh hóa và huyết học. Họ còn phải tiếp xúc với các hóa chất công nghiệp dùng cọ rửa và bảo quản dụng cụ.
Nhân viên phòng mổ thường xuyên hít phải chất gây mê, ảnh hưởng bất lợi lên chức năng sinh sản của cả nam lẫn nữ
Các rối loạn do tư thế làm việc:
Rối loạn hệ thống cơ xương khớp: do tư thế làm việc bất lợi và do phải nâng, nhấc, vận chuyển và giữ bệnh nhân. Một tỉ lệ khá cao (80%) CBYT than phiền về đau mỏi cơ xương. Từ lưng, thắt lưng đến bả vai, đầu gối cổ.
Tư thế làm việc: đứng hoặc ngồi quá lâu cũng là nguyên nhân dẫn đến những bệnh lý như: trĩ, giãn tĩnh mạch chân. Các phẫu thuật viên, đặc biệt là vi phẫu, phải mổ có khi hàng nhiều giờ liền.
Stress trong lao động
CBYT làm việc trong các phòng cấp cứu, hồi sức phải chịu một áp lực khá lớn về mặt tinh thần vì phải liên tục lao động để giành giật mạng sống người bệnh khỏi tay tử thần. Trong trường hợp này, họ phải đặt tính mạng, sự an toàn của người bệnh lên trên bản thân mình. Nếu chẳng may thất bại, cái chết của bệnh nhân và yêu cầu khẩn trương của công việc là những stress đối với họ. Ngoài ra sự không cảm thông của thân nhân người bệnh, đôi khi là xúc phạm về thể chất và tinh thần càng làm tăng thêm stress. Một số thử nghiệm về thần kinh - hành vi được tiến hành cho thấy khả năng nhớ của nhóm CBYT ở khối hồi sức - cấp cứu sau ca làm việc giảm rõ rệt.
Các CBYT làm việc trong các khoa có bệnh nhân nhiễm HIV, virút viêm gan, các trung tâm cai nghiện ma túy luôn phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm rất cao. CBYT ở khoa, bệnh viện tâm thần, trung tâm cai nghiện luôn có nguy cơ bị hành hung vì sự thay đổi tâm lý ở các đối tượng này là khó đoán trước. Tất cả những điều này tạo nên stress cho CBYT.
Sự tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ cho sức khỏe là thường xuyên trong ngành Y tế. Tuy nhiên do đặc thù của công việc, nên khó loại trừ được nguồn tác hại trong công việc vì CBYT luôn luôn tiếp xúc với bệnh nhân. Ngoài biện pháp CBYT tự đề phòng thì cũng cần có sự quan tâm của xã hội.