Vitamin A không chỉ tác dụng tốt đối với mắt
Khi nhắc tới vitamin A, chúng ta thường nghĩ đến nhóm thức ăn giàu caroten và có màu vàng, đỏ như cà rốt, đu đủ... Như vậy, các bậc phụ huynh có thể nghĩ rằng nếu cho trẻ ăn nhiều cà rốt hoặc đu đủ thì đã bổ sung vitamin A thì không cần uống thêm vitamin A liều cao nữa. Suy nghĩ này là chưa đúng. Ngay cả ở dân số có thói quen ăn nhiều rau củ, vẫn có thể có tỉ lệ thiếu vitamin A cao. Đồng thời, ngoài tác dụng trên mắt, thì vitamin A có tầm quan trọng nhiều hơn nữa đối với cơ thể.
Đối với mắt, vitamin A rất cần thiết cho chức năng nhìn của mắt, đặc biệt là về đêm, nhưng vitamin A còn đóng vai trò không nhỏ trong duy trì hệ biểu mô (tạo các màng quan trọng ở các hệ cơ quan); tăng miễn dịch, chống lại nhiễm khuẩn; tác dụng trong quá trình sản xuất hồng cầu tạo máu và duy trì chức năng tế bào trong quá trình tăng trưởng, đảm bảo trẻ tăng trưởng khỏe mạnh, bình thường...
Khi cơ thể bị thiếu vitamin A, trẻ không những bị ảnh hưởng ở thị lực, gây quáng gà (không nhìn tốt khi bị thiếu ánh sáng), gây khô mắt dẫn tới mù lòa... mà còn ảnh hưởng lan tỏa tới các bộ phận khác trong cơ thể, gây ra những hệ lụy bệnh tật khác. Trẻ thiếu vitamin A sẽ dễ bị các bệnh nhiễm khuẩn hơn, đặc biệt là các bệnh phổ biến như tiêu chảy, bệnh sởi và các bệnh lý nhiễm khuẩn đường hô hấp. Thiếu vitamin A cũng gây tình trạng bệnh kéo dài hơn, nặng hơn và nhiều biến chứng hơn, so với trẻ khỏe mạnh không bị thiếu hụt vi chất này. Thiếu vitamin A có thể gây tăng nguy cơ bệnh tật và tử vong, đặc biệt là trẻ em.
Trẻ em uống vitamin A mỗi 6 tháng tại trạm y tế xã/phường.
Cần đưa trẻ đi bổ sung vitamin A đúng lịch
Tình trạng thiếu hụt vitamin A là một trong những mối quan tâm lớn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đối với sức khỏe chung của trẻ em toàn cầu, đặc biệt là ở những nước đang phát triển và chưa phát triển. Mối quan tâm này đủ lớn, để WHO, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và các hệ thống y tế của hơn 100 quốc gia trong nhóm nguy cơ cao tiến hành chương trình y tế cộng đồng, bổ sung vitamin A liều cao, mỗi 6 tháng một lần cho trẻ nhỏ ở các nước, để có thể chống lại và giảm thiểu gánh nặng hệ lụy sức khỏe từ tình trạng thiếu hụt vitamin A này.
Thống kê cho thấy, từ khi chương trình bổ sung vitamin A được tiến hành, đã làm giảm 24% tỉ lệ tử vong nói chung ở trẻ dưới 5 tuổi; giảm các yếu tố thúc đẩy mù lòa, giảm tần suất bệnh, tử vong do bệnh sởi và tiêu chảy ở trẻ.
Tại Việt Nam, cách đây 30 năm đã rơi vào tình trạng bị ảnh hưởng của thiếu hụt vitamin A rất trầm trọng. Ở những năm 1980, mỗi năm có hơn 5.000 trẻ bị mù lòa do thiếu hụt vitamin A, và tỉ lệ tổn thương giác mạc do thiếu vitamin A ở trẻ trước tuổi đi học cao gấp 7 lần so với ngưỡng cho phép của WHO.
Từ khi áp dụng bổ sung vitamin A mỗi năm 2 lần ở Việt Nam, chưa một trường hợp ngộ độc nào được ghi nhận và cũng không còn nghe thấy trường hợp nào bị mù lòa do thiếu vitamin A.
Vì vậy, việc bổ sung vitamin A liều cao, 1 lần duy nhất mỗi 6 tháng cho trẻ em từ 6 tháng đến 60 tháng là cần thiết, không chỉ là một quyết định cá nhân, mà còn là một chiến lược sức khỏe toàn cộng đồng.
Một số bà mẹ có thể nghĩ đến việc kiểm tra nồng độ vitamin A trong cơ thể trẻ trước khi cần cho uống vitamin A. Tuy nhiên, nên lưu ý rằng, mặc dù chúng ta có thể thử máu đo hàm lượng vitamin A trong máu, nhưng giá trị này lại không phản ánh được đúng chính xác tình trạng dự trữ vitamin A ở gan trong cơ thể. Khi có dấu hiệu bất thường về hàm lượng vitamin A trong máu, thì cơ thể đã bị thiếu hụt vitamin A trầm trọng và có thể đã có hậu quả xảy ra rồi. Vì vậy, việc kiểm tra máu ở trẻ em trước khi bổ sung vitamin A không được khuyến cáo.
Trẻ dưới 12 tháng tuổi: 100.000 đơn vị vitamin A mỗi 6 tháng.
Trẻ từ 12 - 36 tháng: 200.000 đơn vị vitamin A mỗi 6 tháng.
Trẻ từ 36-60 tháng: Khuyến cáo liều lượng tùy theo vùng miền.