Thời tiết TPHCM buổi sáng nay mát mẻ, nhiều cán bộ, người dân có mặt tại Hội trường Thống Nhất chờ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong không khí yên lặng, trang nghiêm.
Phía bên trong, chính giữa Hội trường, bên trên là cờ Tổ quốc, phía dưới là băng đen với dòng chữ: "Vô cùng thương tiếc đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam" và di ảnh Tổng Bí thư.
Từ 6h sáng, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi - Trưởng Ban tổ chức Lễ viếng và Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất, TPHCM - đã có mặt kiểm tra, chỉ đạo công tác chuẩn bị.
Đúng 7 giờ, Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính thức bắt đầu. Đoàn Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh do Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên làm Trưởng đoàn viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trước di ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhiều cán bộ, những người trẻ tuổi mắt ngấn lệ tiếc thương.
Viết vào sổ tang bày tỏ niềm thương tiếc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ:
"Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất đi là một tổn thất rất lớn lao đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam, một mất mát lớn lao không gì bù đắp được với gia đình, người thân.
"Chúng tôi luôn nhớ mãi hình ảnh một con người vô cùng giản dị, khiêm nhường, nghị lực phi thường; một nhân cách lớn, một cán bộ đảng viên mẫu mực, kiên trung, bất khuất, một nhà lãnh đạo đức độ, tài năng, quả cảm; một tấm gương tiêu biểu trong học tập, rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách bác Bác Hồ kính yêu. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, suốt đời vì nước, vì dân, tận tụy, tận tâm, tận lực, tận hiến.
"Xin kính cẩn nghiêng mình, tri ân những công lao to lớn mà Đồng chí đã cống hiến và để lại cho đời. Nguyện học tập, noi gương Đồng chí và các bậc tiền nhân, thề tiếp nối truyền thống một cách xứng đáng, đoàn kết hơn nữa, nỗ lực hơn nữa, quyết tâm nhiều hơn nữa, phấn đấu xây dựng TPHCM "Rực rỡ tên vàng" như Đồng chí hằng mong ước, chỉ dạy, góp phần cùng cả nước, vì cả nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ngày càng văn minh, hạnh phúc, cường thịnh. Xin gửi tới gia quyến đồng chí Nguyễn Phú Trọng lời chia buồn sâu sắc nhất".
Ông Trương Trọng Nghĩa - Đại biểu Quốc hội khóa XV xúc động bày tỏ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người rất lịch thiệp, gần gũi với nhân dân, các đại biểu Quốc hội.
"Trong suốt thời gian Tổng Bí thư lãnh đạo 3 nhiệm kỳ vừa rồi, Tổng Bí thư đã ủng hộ hoạt động của Quốc hội rất cao, tạo điều kiện cho các đại biểu có thể góp phần xây dựng luật pháp cũng như quyết định các việc trọng đại của đất nước. Đối với TPHCM, với những Nghị quyết như Nghị quyết 54, Tổng Bí thư rất quan tâm và hết sức ủng hộ để tạo điều kiện cho TPHCM đóng góp cho cả nước với tư thế là "đầu tầu" kinh tế của cả nước, tạo điều kiện để TPHCM sáng tạo, đổi mới, qua đó góp phần vào xây dựng công cuộc đổi mới của đất nước ta. Sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sự mất mát rất lớn của người dân TPHCM và cả nước", ông Trương Trọng Nghĩa chia sẻ.
Bên ngoài Hội trường Thống Nhất, mặc dù 7h mới chính thức diễn ra Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhưng từ sáng sớm nay (25/7), nhiều người đã có mặt với mong muốn được viếng Tổng Bí thư.
Có mặt từ 5h sáng tại Dinh Độc lập, bà Lê Thị Kim Liên (sinh năm 1957), cựu thanh niên xung phong không giấu được sự xúc động.
Bà chia sẻ: "Sau khi nghe thông báo có tổ chức Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Hội trường Thống Nhất, tôi đi từ Lâm Đồng xuống đây chỉ mong muốn được thắp cây nhang để tri ân người lãnh đạo hết lòng vì nhân dân và đất nước. Chúng tôi rất quý trọng và yêu thương Bác. Khi nghe tin bác Trọng ra đi, lòng tôi quặn thắt. Bác là một người có tài, có đức, lại nhân hậu, luôn lo cho đất nước, cho nhân dân. Dù Bác đã ra đi nhưng trong trái tim tôi lúc nào cũng nhớ về Bác".
Bà Trần Thị Thôi, Khối trí thức, Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến TPHCM nghẹn ngào: "Từ lúc nghe tin bác Trọng ra đi, tôi vô cùng thương tiếc và đau xót bởi những việc làm của Tổng Bí thư cho đất nước, cho nhân dân là vô cùng lớn lao. Chúng tôi luôn kỳ vọng các thế hệ lãnh đạo sau noi gương bác Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lãnh đạo đất nước phát triển như kỳ vọng của Bác Hồ và các vị tiền nhân".
Cũng có mặt từ lúc trời chưa sáng ở cổng Hội trường Thống Nhất, ông Ông Huỳnh Thanh Phong - Chánh Phối sư, Phó Trưởng Ban Thường trực Hội thánh Cao Đài Tiên Thiên, Tổng Thư ký các Hội thánh Cao Đài - cho hay, ông đại diện cho chức sắc và người dân Hội Thánh Cao Đài dâng hương tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
"Người dân đạo Cao Đài chúng tôi xem Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một tấm gương sáng. Chúng tôi tự hào về những thành quả lãnh đạo cũng như cống hiến của Tổng Bí thư đối với đất nước, dân tộc", ông Huỳnh Thanh Phong chia sẻ.
Hòa chung dòng người đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, vợ chồng ông Nguyễn Tống Đôn (79 tuổi, ngụ phường Thạnh Lộc, Quận 12, TPHCM) dậy từ 5h sáng bắt xe taxi đến Dinh Độc lập.
Ông Đôn cho biết, ông quê ở huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, tham gia quân ngũ năm 1965, tại Đại đội 5, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 266, Sư đoàn 304. Ông từng chiến đấu tại miền Đông Nam Bộ trong thời kỳ chống Mỹ.
"Khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, vợ chồng tôi rất xúc động và tiếc thương. Bác Trọng là một lãnh đạo rất giản dị, gần gũi với nhân dân, đặc biệt là rất kiên quyết và tận tụy trong công tác phòng chống tham nhũng, góp phần mang lại quyền lợi và ấm no cho nhân dân. Chính những điều ấy đã làm cho nhân dân rất khâm phục bác. Bác Trọng mất đi là một tổn thất lớn với dân tộc Việt Nam. Tôi mong bác sẽ yên giấc ngàn thu. Ở quãng đời còn lại, tôi sẽ cố gắng học tập và phấn đấu xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", ông Đôn nói.
Trước Hội trường Thống Nhất (TPHCM), nhiều người là cựu tù chính trị, cựu chiến binh Trường Sơn đến từ sớm xếp hàng vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bà Nguyễn Thị Bình, cựu chiến binh Trường Sơn (68 tuổi, ngụ tại Quận 3, TPHCM) đến viếng cùng với những người đồng đội của mình.
"Khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất, tôi cứ khóc mãi vì thương cảm. Bác Tổng Bí thư đã dành cả cuộc đời của mình vì đất nước, nhân dân, làm việc không ngơi nghỉ để phục vụ đất nước. Chúng tôi đã trải qua một thời gian khổ ở Trường Sơn nên cảm thấy vô cùng kính trọng, khâm phục bác Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bác đã lãnh đạo đất nước đi qua những giai đoạn khó khăn, giải quyết nhiều vấn đề mang lại lợi ích cho nhân dân", bà Nguyễn Thị Bình xúc động.
Trong khi đó, bà Phạm Lê Tâm (SN 1952, thành viên Ban Liên lạc Cựu tù chính trị và tù binh quận Phú Nhuận) chia sẻ bà cảm thấy đây là nỗi mất mát rất lớn của đất nước và nhân dân: "Tôi đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để bày tỏ lòng thương tiếc của mình, tiễn biệt một tấm gương sáng về một người hết lòng vì sự nghiệp của đất nước".
Trong hàng dài người chờ đợi, nhiều học sinh, thanh niên nghiêm túc chờ được vào viếng Tổng Bí thư. Cùng đoàn học sinh đến viếng Tổng Bí thư, em Phạm Gia Hân, học sinh lớp 8.1 Trường THCS Hậu Giang, Quận 6, TPHCM cho biết, em còn nhỏ và chưa có dịp được gặp Tổng Bí thư ngoài đời nhưng qua những câu chuyện em được đọc, được nghe kể, em rất xúc động.
Em ngân nga đọc: "Nếu là chim hãy là bồ câu trắng, nếu là hoa hãy là đóa hướng dương, nếu là đá hãy là đá hoa cương, nếu là người hãy là người cộng sản".
Tại Nhà văn hóa Thanh Niên, Thành Đoàn TPHCM dành một không gian trang trọng để trưng bày những hình ảnh về cuộc đời, sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong mỗi bức ảnh có ghi những câu nói, lời dặn dò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chăm chú ngắm nhìn những hình ảnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, anh Cao Trần Khánh Hưng thành viên Câu lạc bộ Lý luận, Thành Đoàn TPHCM chia sẻ: "Để có thể tiếp bước những tư tưởng, bài học lớn mà bác Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại, chúng em sẽ cố gắng hết sức trong học tập, phát triển bản thân, cống hiến hết mình để góp phần xây dựng đất nước".
Nguyễn Thị Phương Thảo, sinh viên năm 2 Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, là tình nguyện viên đội hình công tác quốc tế thanh niên, Thành Đoàn TPHCM cho biết, khi được xem những hình ảnh về cuộc đời hoạt động của bác Tổng Bí thư, bản thân càng khâm phục về sự đóng góp to lớn của Tổng Bí thư đối với đất nước, nhân dân.
"Bác không chỉ tận tụy với công việc mà còn rất gần gũi, thân thuộc. Những lời nói của bác Nguyễn Phú Trọng được trích dẫn trong từng bức hình tại khu vực trưng bày như là lời cặn dặn để em nỗ lực hết mình để góp phần vào những hoạt động có ích, mang nhiều ý nghĩa của thanh niên TPHCM", Phương Thảo chia sẻ.