Cần bỏ ngay những thói quen ăn uống này

23-06-2020 14:32 | Dinh dưỡng
google news

SKĐS -

Những thói quen ăn uống không đúng cách gây ra nhiều hậu quả cho sức khỏe, dẫn đến sức đề kháng bị suy giảm, nguy cơ mắc bệnh cao, khi mắc bệnh sẽ bị nặng hơn, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy mọi người cần phải bỏ ngay các thói quen ăn uống sai lầm sau đây để ngăn chặn những tổn hại không đáng có cho sức khỏe của mình, nhất là trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 hiện nay.

Ăn quá nhanh

Bạn nên “ăn chậm nhai kỹ” để giúp dạ dày tiêu hóa tốt. Việc ăn quá nhanh trong mỗi bữa sẽ gây cản trở quá trình tiêu hóa và dễ làm tổn hại tới niêm mạc dạ dày. Điều này cũng khiến dạ dày phải hoạt động nhiều hơn để tiêu hóa được hết thức ăn trong cơ thể, hậu quả là bạn dễ gặp phải tình trạng đau dạ dày, ảnh hưởng đến hấp thu thức ăn, cơ thể dần bị suy kiệt, kéo theo rất nhiều vấn đề sức khỏe vô cùng nguy hại.

Vừa ăn vừa làm việc riêng, vừa đi

Nhiều người có thói quen đi đâu cũng ôm khư khư chiếc điện thoại di động, kể cả trong lúc ăn. Tuy nhiên, việc vừa ăn vừa xem điện thoại khiến bạn tiêu thụ thức ăn nhiều hơn so với nhu cầu bình thường. Đặc biệt, thói quen xấu này còn dễ gây phân tâm và làm ảnh hưởng tới quá trình tiêu hóa, từ đó khiến bạn hay bị đau bụng sau khi ăn.

Cần bỏ ngay những thói quen ăn uống nàyTránh vừa ăn vừa sử dụng điện thoại

Một thói quen xấu nhiều người mắc phải là vừa đi vừa ăn. Theo đó, khi bạn ăn trong tình trạng đang di chuyển, não bộ sẽ bị phân tâm và khiến dạ dày bị khó chịu. Do lúc này, lượng đồ ăn bạn thu nạp vào không được nhai nuốt cẩn thận. Tình trạng này nếu kéo dài lâu còn có thể gây ra hiện tượng đau dạ dày, từ đó khiến bạn nạp thức ăn mất kiểm soát, dẫn đến hậu quả thừa cân, béo phì... mà thừa cân béo phì sẽ làm suy giảm sức đề kháng của cơ thể, những người béo phì mà nhiễm COVID-19 bệnh dễ chuyển biến sang thể nặng.

Liên tục bỏ bữa sáng, ăn không đúng bữa

Một bữa sáng đầy đủ dinh dưỡng sẽ giúp bạn cân bằng lượng đường trong máu và cung cấp thêm nhiều năng lượng để hoạt động xuyên suốt cả ngày. Trái lại, nếu liên tục bỏ bữa sáng thì hậu quả là cơ thể bạn sẽ bị thiếu hụt năng lượng và dễ gia tăng nguy cơ mắc bệnh. Do đó, bạn nên dành thời gian ăn sáng đầy đủ để thu nạp đủ nguồn dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể hàng ngày.

Nhiều người thường chủ quan bỏ bê giờ ăn trong ngày, dẫn đến các bữa ăn bị dồn dập, gây đói vặt. Tình trạng này nếu cứ kéo dài liên tục sẽ khiến dạ dày bị ảnh hưởng, các cơ quan khác trong cơ thể làm việc kém hơn. Do đó, bạn nên thay đổi thói quen ăn sai bữa và cố gắng ăn đúng giờ cho các bữa trong ngày.

Sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm nướng cháy ở nhiệt độ cao

Thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc có nguy cơ cao đối với sức khỏe là nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thức ăn, nguy cơ ung thư.

Khi nướng thức ăn trực tiếp trên than, trong nhiệt độ có thể lên đến 300 – 500 độ C sẽ phân hủy chất đạm có rất nhiều trong thịt cá, sinh ra các hợp chất gọi là amin dị vòng. Những chất này có nguy cơ gây ung thư, đặc biệt là ung thư hệ tiêu hóa (ruột già, gan, dạ dày…). Ngoài ra, việc nướng trên than hoa, vỉ nướng không được vệ sinh sạch sẽ, thức ăn nhiễm bụi đường càng làm tăng thêm yếu tố gây bệnh cho người sử dụng. Những món buffet nướng giá rẻ không hợp vệ sinh, không rõ nguồn gốc là những món ăn có hại cho sức khỏe, tiềm tàng nguy cơ gây ung thư, đái tháo đường và đẩy nhanh quá trình lão hóa, béo phì…

Cần bỏ ngay những thói quen ăn uống nàyĂn mì ăn liền quá nhiều có hại cho sức khỏe của trẻ.

Thực phẩm chế biến sẵn, nước ngọt có ga

Thực phẩm chế biến sẵn như các loại thịt nguội, thịt xông khói, xúc xích, thường chứa chất bảo quản hóa học làm chúng luôn tươi và hấp dẫn, nhưng đây cũng là tác nhân gây ung thư, làm suy giảm hệ miễn dịch của cơ thể. Hàm lượng muối nitrit và nitrat trong thịt đã qua chế biến có liên quan đến việc tăng đáng kể nguy cơ bệnh đại tràng và các hình thức khác của bệnh ung thư. Nhiều nghiên cứu cho thấy rất nhiều hóa chất được tìm thấy trong đồ ăn chế biến sẵn như thế này có thể gây tổn hại cho não bộ.

Các chén nước chấm dùng chung là nguy cơ lây những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, trong đó có COVID-19, vi khuẩn HP gây viêm dạ dày hay virus gây cúm, quai bị… Vì vậy nên tập thói quen dùng chén chấm riêng để hạn chế sự lây lan các mầm bệnh.

Giống như các loại thịt qua chế biến, nước ngọt có ga đã được chứng minh là một trong những tác nhân gây ra bệnh ung thư. Do chứa quá nhiều đường, các hóa chất dùng trong thực phẩm, và chất tạo màu… nước ngọt có thể “axit hóa cơ thể”,  có thể gây lão hóa và ung thư nhanh chóng. Làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể.

Thức ăn giàu đường ngọt tinh chế

Các loại thức ăn này đều có khả năng làm tăng mức đường huyết trong cơ thể nguy cơ dẫn đến bệnh đái tháo đường, làm suy giảm hệ miễn dịch của cơ thể. Thực phẩm có đường tinh chế rất hại não. Nếu bạn ăn quá nhiều thực phẩm này có thể gây tổn hại mô não, ảnh hưởng đến sự phát triển và tăng trưởng của tế bào. Trẻ em càng cần phải thận trọng. Kể từ khi bánh quy, bánh ngọt, nước ngọt, nước sốt…. xuất hiện ngày càng phổ biến, tỷ lệ ung thư và các tổn hại khác về sức khỏe đã gia tăng nhanh chóng.

Thực phẩm nhiều mỡ

Những thực phẩm giàu mỡ, chất béo thường hấp dẫn khẩu vị, kích thích vị giác khiến người ăn muốn ăn nhiều. Tuy nhiên cần chú ý hạn chế ăn các loại thực phẩm nhiều mỡ, nhiều chất béo bão hòa, thực phẩm chiên, rán, xào nhiều. Vì các loại thực phẩm này rất dễ khiến cơ thể tăng cân, gây thừa cân, béo phì. Hơn nữa, ăn nhiều các thực phẩm này khiến cơ thể gia tăng nồng độ cholesterol trong máu gây xơ vữa mạch máu, rất nguy hiểm.

Mì ăn liền

Đây là thực phẩm nhiều gia đình tích trữ trong mùa dịch. Với cách thức chế biến nhanh gọn, hương vị khá thơm ngon và hợp với khẩu vị của hầu hết mọi người, mì ăn liền đã trở thành “giải pháp hữu ích” cho người bận rộn. Tuy nhiên đây lại là thực phẩm thật sự có hại sức khỏe con người ở rất nhiều khía cạnh khác nhau: Làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch do trong mì ăn liền có chứa chất béo dạng transfat sẽ góp phần làm tăng lượng cholesterol xấu trong máu một cách nhanh chóng theo thời gian sử dụng. Chất phụ gia có trong gói gia vị của mì ăn liền gây bất lợi cho người mắc bệnh tăng huyết áp và người có thân nhiệt cao; Có hại cho xương do trong thực phẩm này có chứa chất phosphate làm chúng ta dễ bị loãng xương, mất xương, răng cũng yếu dần...

Cần bỏ ngay những thói quen ăn uống nàyKhông dùng chung nước chấm.

Dùng chung nước chấm

Thói quen dùng chung nước chấm dễ thấy trên mâm cơm thường ngày của nhiều gia đình Việt. Các loại nước chấm thường dùng như nước mắm, nước tương, tương ớt, tương cà được cho vào một chén rồi cả nhà cùng chấm ẩn chứa nguy cơ lây những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, trong đó có COVID-19, vi khuẩn HP gây viêm dạ dày hay virus gây cúm, quai bị… Vì vậy nên tập thói quen dùng chén chấm riêng để hạn chế sự lây lan các mầm bệnh. Tốt nhất nên chia suất ăn riêng cho từng người để tránh gắp chung đũa vào đĩa, bát thức ăn. Ngoài ra, cũng nên hạn chế nói chuyện trong bữa ăn, vừa ăn vừa nói để tránh bắn nước bọt sang người xung quanh.


ThS.BS. Lê Thị Hải
Ý kiến của bạn