Hà Nội

Cần bịt lỗ hổng liên quan đến Luật An ninh mạng

24-11-2017 06:59 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngày 23/11, buổi sáng Quốc hội (QH) làm việc tại hội trường biểu quyết thông qua Luật Quản lý nợ công (sửa đổi).

Thảo luận ở hội trường về dự án Luật An ninh mạng. Buổi chiều, QH thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật An ninh mạng, đa số ý kiến phát biểu của các đại biểu tại hội trường bày tỏ đồng tình với sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật; cho rằng tình hình hiện nay, an ninh mạng là vấn đề quan tâm của toàn cầu, có tác động mạnh mẽ, toàn diện đến các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đã có nhiều quốc gia ban hành các đạo luật, đưa ra các chính sách phát triển công nghệ thông tin, nâng cao năng lực phòng ngừa, phòng thủ, ngăn chặn, tấn công trên không gian mạng nhằm bảo vệ các giá trị, lợi ích, an ninh của đất nước.

Tuy nhiên cũng có một số ý còn băn khoăn với việc ban hành Luật, vì cho rằng, an ninh mạng là một bộ phận của an ninh quốc gia nên phải quán triệt và thực hiện đầy đủ các quy định của Luật An ninh quốc gia; còn việc bảo vệ thông tin mạng đã được quy định trong Luật An toàn thông tin mạng.Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng).

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng).

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Trọng Bình (Hải Phòng) đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật cần tiếp tục rà soát vì bố cục còn dàn trải, nhiều chỗ còn chưa nhất quán, sử dụng từ dễ gây nhầm lẫn, còn trùng lặp,... Cũng theo đại biểu, ở nước ta, các thế lực thù địch, một số loại tội phạm, một số đối tượng khác đã và đang sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi phá hoại, trục lợi hoặc xâm phạm, đe dọa xâm phạm đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và cá nhân, nhất là trong điều kiện hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, công tác quản lý còn nhiều sơ hở, hệ thống chính sách chưa đồng bộ.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An), Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu), Dương Đình Thông (Bắc Giang); Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) và một số ý kiến đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát lại nội dung, bố cục của Luật để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật nói chung; tính phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc là thành viên; bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của tổ chức, công dân, cũng như quyền bình đẳng trong hoạt động giữa các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong và ngoài nước, khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông nước ngoài sang đầu tư, hợp tác và cung cấp các dịch vụ viễn thông tại Việt Nam.

Lo ngại về tình trạng an ninh công nghệ và bảo mật thông tin của ngành ngân hàng, nhiều ĐBQH cho rằng: Việt Nam đã hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hệ thống ngân hàng cũng có bước phát triển cả về quy mô tài sản, vốn, mạng lưới. Tuy nhiên, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, ngành ngân hàng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình KT-XH trên thế giới và trong nước có những diễn biến phức tạp, tội phạm gia tăng. Thực tế trên đặt ra những khó khăn, thách thức rất lớn đối với công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho hoạt động ngân hàng trong tình hình hiện nay. Đòi hỏi ngành ngân hàng cần phải triển khai khá đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, về bảo mật thông tin, an ninh mạng, an toàn kho quỹ, an toàn tiền gửi.

Đề cập đến chính sách của Nhà nước về an ninh mạng, có ý kiến đề nghị rà soát các chính sách trong Luật nhằm lược bỏ những nội dung không liên quan đến chính sách về an ninh mạng. Đồng thời, bổ sung các chính sách về an ninh mạng như chính sách bảo vệ cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia, bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; chính sách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực an ninh mạng, bảo đảm chế độ, chính sách cho lực lượng an ninh mạng; chính sách đầu tư, bố trí kinh phí để bảo vệ an ninh mạng...

Về các hành vi bị nghiêm cấm, có ý kiến cho rằng, các hành vi bị nghiêm cấm còn quy định chung chung, đề nghị quy định cụ thể hơn để bảo đảm tính khả thi. Có ý kiến đề nghị rà soát các hành vi phạm tội đã được quy định trong Bộ luật Hình sự đưa vào quy định cấm trong Luật, trong đó có hành vi trực tiếp xâm phạm đến lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông; có hành vi sử dụng công nghệ thông tin, viễn thông để phạm tội.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến công tác xử lý hành vi sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phát triển nguồn nhân lực an ninh mạng; bảo đảm điều kiện triển khai công tác an ninh mạng;...

Theo chương trình làm việc, ngày 24/11, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV họp phiên bế mạc. Như vậy, sau 26 ngày làm việc QH đã hoàn thành chương trình làm việc, tại kỳ họp này, QH cũng dành thời gian xem xét, quyết định về vấn đề nhân sự. Tập trung xem xét thảo luận thông qua 6 dự án Luật, 12 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến 9 dự án Luật khác...; Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội dành khoảng 15 ngày làm việc để tiến hành công tác giám sát và quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước. Xem xét và quyết định nhiều nội dung quan trọng về kinh tế, xã hội, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội hàng năm và các năm tiếp theo.

Trần Lâm- Anh Tuấn
Ý kiến của bạn