Linh hoạt trong cách đóng BHYT học sinh sinh viên
Theo quy định, năm học 2021-2022, mức đóng BHYT hàng tháng của nhóm học sinh sinh viên bằng 4,5% mức lương cơ sở (tương đương với 4,5% x 1.490.000 = 67.050 đồng/học sinh/tháng và 1 năm là 804.600 đồng).
Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, học sinh sinh viên chỉ đóng 70% mức đóng nên số tiền thực tế mà mỗi HSSV sẽ đóng là 46.935 đồng/tháng, tương đương với 563.220 đồng/năm.
Phụ huynh, học sinh sinh viên có thể lựa chọn phương thức đóng BHYT định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng và đăng ký tham gia tại cơ sở giáo dục, nhà trường nơi học sinh sinh viên đang theo học.
Nhóm học sinh sinh viên cũng được hưởng nhiều quyền lợi khi tham gia BHYT: Cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH; chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nhà trường hoặc cơ sở y tế theo quy định; chi trả chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng;
Lựa chọn và thay đổi nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu theo quy định vào tháng đầu mỗi quý; được cơ quan BHXH tư vấn, hỗ trợ, giải đáp về BHYT cũng như khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về BHYT.
Quyền lợi của học sinh sinh viên khi tham gia BHYT
Khi HSSV đi khám chữa bệnh tại cơ sở y tế có ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT, trường hợp đúng tuyến và thực hiện đầy đủ thủ tục, học sinh sinh viên có thẻ BHYT mã quyền lợi là 4 thì được hưởng 80% chi phí khám chữa bệnh.
Trường hợp không đúng tuyến, không có giấy chuyển tuyến mà xuất trình đầy đủ thủ tục khám chữa bệnh BHYT, vẫn sẽ được quỹ BHYT thanh toán trong phạm vi, mức hưởng và tỷ lệ quy định (100% khi khám chữa bệnh ngoại trú bệnh viện tuyến huyện; 100% khi khám chữa bệnh nội trú bệnh viện tuyến huyện, tỉnh; 40% khi khám chữa bệnh nội trú bệnh viện tuyến Trung ương).
Nếu không xuất trình đầy đủ thủ tục khám chữa bệnh BHYT tại nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, hoặc đi khám chữa bệnh tại cơ sở y tế không có hợp đồng khám chữa bệnh BHYT được cơ quan BHXH thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh BHYT, nhóm học sinh sinh viên sẽ được cơ quan BHXH thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh BHYT theo phạm vi, mức hưởng và tỷ lệ quy định cụ thể theo từng trường hợp được quy định trong Luật BHYT.
Riêng trường hợp cấp cứu, học sinh sinh viên được khám chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám chữa bệnh nào, và phải xuất trình thẻ BHYT cùng giấy tờ tùy thân có ảnh trước khi ra viện để được hưởng quyền lợi BHYT theo quy định.
4 cách thức tra cứu thời hạn sử dụng thẻ BHYT
Thời gian qua, với trách nhiệm tổ chức, thực hiện chính sách BHYT, ngành BHXH Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện tốt việc bảo đảm quyền lợi BHYT cho học sinh sinh viên; tăng cường cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, thuận tiện cho học sinh sinh viên trong các thủ tục tham gia BHYT, sử dụng thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh…
Đặc biệt, từ tháng 6/2021, người tham gia BHYT (trong đó có các em học sinh sinh viên) có thể sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID-BHXH số thay cho thẻ BHYT giấy, để đi khám chữa bệnh BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Qua đó giúp người tham gia BHYT tiết kiệm thời gian khi đi khám chữa bệnh, không còn lo thủ tục khám chữa bệnh sẽ khó khăn khi mất, hay hỏng thẻ BHYT giấy.
Hiện nay, phụ huynh, học sinh sinh viên có thể tra cứu về thời hạn sử dụng thẻ BHYT theo các cách sau: Truy cập vào Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam tại địa chỉ sau: htts://baohiemxahoi.gov.vn; nhắn tin theo cú pháp BH THE "Mã thẻ BHYT" gửi 8079; gọi điện đến Tổng đài 1900.9068 của BHXH Việt Nam để được tư vấn và hỗ trợ trực tiếp.
Đặc biệt, khi cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID-BHXH số, mọi nhóm đối tượng đều có thể theo dõi quá trình đóng- hưởng BHYT của bản thân; cập nhật các thông tin về chính sách BHXH, BHYT, BHTN; thực hiện một số dịch vụ công của ngành BHXH Việt Nam
Mời bạn đọc theo dõi video đang được quan tâm:
Tự phát hiện triệu chứng nặng do COVID-19 tại nhà