Cần biết: Hơn 10.000 bệnh cơ bản được xếp vào loại bệnh di truyền

06-07-2019 18:40 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Di truyền y học tác động đến tất cả các lĩnh vực y học như: ung bướu, huyết học, tim mạch, hỗ trợ sinh sản. Theo thống kê, có hơn 10.000 bệnh cơ bản được xếp loại vào loại bệnh di truyền.

Những năm gần đây, lĩnh vực di truyền học đã đạt được nhiều bước tiến mới với sự phát triển của các kỹ thuật di truyền, tạo ra nhiều thay đổi lớn trên các lĩnh vực: sinh học, nông nghiệp, y dược... Đặc biệt trong y học việc ứng dụng những thành tựu của di truyền học đã mang đến nhiều đột phá trong chẩn đoán và điều trị bệnh.

Di truyền y học tác động đến tất cả các lĩnh vực y học như: ung bướu, huyết học, tim mạch, hỗ trợ sinh sản. Theo thống kê, có hơn 10.000 bệnh cơ bản được xếp loại vào loại bệnh di truyền. Việc tìm hiểu, nghiên cứu, ứng dụng các phương pháp di truyền trong việc sàng lọc, chẩn đoán và điều trị bệnh có ý nghĩa rất quan trọng.

Thalassemia - còn gọi là Bệnh tan máu bẩm sinh là bệnh di truyền do người bệnh nhận cả hai gen bệnh của bố và mẹ

Tại Việt Nam, có rất nhiều kỹ thuật di truyền được nghiên cứu, phát triển và ứng dụng. Để mang lại những lợi ích tốt nhất cho bệnh nhân, phát triển lĩnh vực di truyền y học, rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các chuyên gia, các đơn vị về di truyền y học trong và ngoài nước.

Với mục đích nhằm tập hợp, đoàn kết hội viên, hỗ trợ trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng dạy, thực hành về di truyền y học, Hội Di truyền học Việt Nam đã ra đời theo Quyết định số 289/QĐ-BNV ngày 28/4/2019 của Bộ Nội vụ.

Hôm qua, Hội Di truyền Y học Việt Nam đã tổ chức Đại Hội Di truyền Y học Việt Nam lần 1 để bầu Ban chấp hành Hội Di truyền Y học Việt Nam.

Đại hội đã thu hút 400 đại biểu là các chuyên gia trong lĩnh vực di truyền, các bác sĩ đang tư vấn và điều trị bệnh liên quan đến di truyền. Đại hội đã bầu ra 29 đồng chí trong ban chấp hành. PGS. TS Trần Đức Phấn, Trường Đại học Y Hà Nội được bầu làm chủ tịch hội Di truyền Y học Việt Nam

Phát biểu tại đại hội, PGS. TS Trần Đức Phấn nhấn mạnh, Hội Di truyền Y học Việt Nam sẽ trở thành diễn đàn khoa học thiết thực, giúp các nhà khoa học, bác sĩ di truyền, sản khoa, nhi khoa, tim mạch, ung bướu trao đổi kinh nghiệm, giao lưu, hợp tác để cập nhật kiến thức, kinh nghiệm mới, qua đó thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực di truyền y học góp phần vào việc chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Hội là tâm huyết của nhiều nhà khoa học, chuyên gia, các bác sĩ trên nhiều lĩnh vực của 3 miền Bắc - Trung - Nam như: GS.TS. Trương Đình Kiệt và cộng sự - Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh,  PGS.TS. Trần Đức Phấn, Lương Thị Lan Anh, Hoàng Thị Ngọc Lan và cộng sự - Đại học Y Hà Nội, PGS. TS. Nguyễn Viết Nhân, Hà Thị Minh Thi và cộng sự - Đại học Y Dược Huế, PGS.TS. Trần Văn Khoa và cộng sự - Học viện Quân Y, GS.TS. Lương Xuân Hiến và cộng sự - Đại học Y Dược Thái Bình, TS. Vũ Chí Dũng và cộng sự -  Bệnh viện Nhi Trung Ương...

Ban chấp hành Hội Di truyền Y học Việt Nam ra mắt tại Đại hội

Ngay sau đó, Hội đã tổ chức Hội nghị Di truyền Y học với nhiều báo cáo giá trị, như báo cáo các tiến bộ của Di truyền ứng dụng trong Y học; Tối đa hóa lợi ích của hệ gen học trong thời đại y học chính xác; Giải trình tự gen thế hệ mới cho các bệnh chưa có chẩn đoán và thay đổi về thực hành sàng lọc sơ sinh bệnh di truyền trong kỷ nguyên mới; Di truyền trong bệnh lý huyết học và ung thư; Các kỹ thuật di truyền phân tử ứng dụng trong chẩn đoán trước sinh và cập nhật xu hướng đào tạo Di truyền Y học trên thế giới của PGS.TS. Nguyễn Viết Nhân.

Cùng với đó có hàng chục bài báo cáo poster được trưng bày tại Hội nghị. Đây cũng là những nghiên cứu quan trọng đến từ nhiều các nhà khoa học, chuyên gia đại diện cho các đơn vị, bệnh viện trên khắp cả nước. Mỗi báo cáo đều có những thông tin mới, giá trị về di truyền y học.


Thái Bình
Ý kiến của bạn