Ngày 12/8, sau 3 đợt hóa trị để bướu nhỏ lại, bà P.T.H. (54 tuổi, quê Khánh Hòa) đã được các bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TPHCM tiến hành phẫu thuật thành công.
Trước đó, bà H. nhập viện khi ung thư lưỡi ở giai đoạn cuối, khối bướu và hạch hai bên rất lớn. Sau 3 đợt hóa trị để bướu nhỏ lại, bà H. bước vào phẫu thuật.
TS.BS Nguyễn Anh Khôi - Trưởng khoa Ngoại Đầu cổ hàm mặt, Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho hay, ca mổ của bà H. khó khăn do hạch quá lớn dính vào động mạch cảnh. Sau khi nạo hạch 2 bên, cắt khối bướu, bà được tạo hình lưỡi từ phần cơ và da ở ngực.
"Ca phẫu thuật đã giải thoát bà H. khỏi những tháng ngày không thể ăn uống, nói chuyện, người nhà phải xay cháo để bà ăn qua ống hút", bác sĩ Khôi cho hay.
Được biết, bà H. không phải là bệnh nhân duy nhất được phẫu thuật tạo hình lưỡi từ phân cơ và da ở ngực. Khoa Ngoại Đầu cổ - Hàm mặt, Bệnh viện Ung bướu TPHCM những ngày này có hàng chục ca vừa được điều trị phẫu thuật tái tạo lưỡi.
Theo TS.BS Nguyễn Anh Khôi, mỗi năm, Bệnh viện Ung bướu TPHCM tiếp nhận khoảng 150-200 ca ung thư lưỡi. Và ung thư lưỡi không phổ biến nhưng khiến người bệnh khổ sở và thường điều trị trễ. Khi đó, cơ hội sống và chất lượng sống của bệnh nhân đều giảm sút nghiêm trọng. Có đến 70% người bị ung thư lưỡi khi phát hiện bệnh ở giai đoạn 3 hoặc 4, lúc này vùng khoang miệng, lưỡi đã lở loét nặng nề. Dù chỉ nuốt nước bọt, người bệnh cũng đau đớn, miệng bốc mùi khó chịu do không thể vệ sinh. Nhiều trường hợp suy kiệt vì không ăn uống được.
Cũng theo vị bác sĩ này, bệnh nhân ung thư lưỡi ở giai đoạn phải phẫu thuật cắt bỏ u thường tiên lượng khá xấu, hiếm trường hợp có thể sống được khoảng 2 năm. Với phương pháp trên, kết hợp với phác độ điều trị sau phẫu thuật, hơn 40% bệnh nhân có thể sống trên 2 năm.
Từ năm 2018 đến nay, khoảng 300 bệnh nhân đã được thực hiện tái tạo toàn bộ lưỡi sau phẫu thuật trị ung thư tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM. Tỷ lệ thành công của các ca bệnh lên đến 98%.
Được biết, mỗi ca phẫu thuật này kéo dài khoảng 8 giờ. Chi phí thực hiện phẫu thuật này ở Singapore khoảng 100.000 USD nên rất ít bệnh nhân tiếp cận được, còn ở Bệnh viện Ung bướu TPHCM chi phí chỉ là 18 triệu đồng (chưa bằng 1%), ngoài ra còn được BHYT hỗ trợ nên bệnh nhân đỡ vất vả hơn nhiều.
Mặc dù là kỹ thuật khó, thời gian mổ kéo dài nhưng phẫu thuật viên chính chỉ được nhận khoảng 400.000 đồng thù lao theo quy định. Bác sĩ Khôi cho rằng điều quan trọng là chấm dứt được sự đau đớn cho bệnh nhân, giúp họ lấy lại được giọng nói của mình.
Những dấu hiệu cảnh báo ung thư lưỡi
Ung thư lưỡi thường biểu hiện: cục u trên lưỡi, đau lưỡi, khó nuốt, vết loét sùi...
- Cục u trên lưỡi: xuất hiện phía cạnh lưỡi tiếp xúc với răng có thể phát triển các khối u. Nếu các khối u này không được điều trị sẽ lớn dần và loét ra. Cục u có thể màu đỏ hoặc trắng, gây khó khăn khi ăn, nhai thậm chí là uống nước.
- Đau lưỡi: Đây là triệu chứng xuất hiện trong giai đoạn thứ tư của ung thư, vì thông thường các giai đoạn đầu không gây đau. Bạn sẽ cảm thấy đau khi nhai nuốt. Nếu khối u ác tính phát triển lớn hơn còn có thể bị đau ở tai.
- Khó nuốt: Dù không mọc mụn hay hạch ở lưỡi thì phụ nữ bị loại ung thư này cũng cảm thấy rằng có thấy khối u trong cổ họng làm cho họ khó nuốt. Hoặc khi ung thư lưỡi phát triển, hệ thống miễn dịch của cơ thể yếu đi gây viêm loét và nhiệt miệng.
Lời khuyên của thầy thuốc
Để phòng bệnh ung thư lưỡi cần vệ sinh răng miệng tốt, bỏ các thói quen xấu như hút thuốc lá, nhai trầu. Khi có bất kỳ triệu chứng bất thường nào trên lưỡi, bạn cần đến ngay cơ sở chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời. Nếu thấy có vết loét lưỡi đáy cứng, bờ sần sùi, không đau, xuất hiện bên hông lưỡi không lành sau 2 tuần. Đặc biệt ở những người trên 40 tuổi, có tiền sử hút thuốc, uống rượu cần tầm soát ung thư lưỡi.