Đây là những thông tin được các chuyên gia y tế đưa ra tại buổi tọa đàm chuyên sâu với chủ đề "Chiến lược sàng lọc, chẩn đoán và điều trị ung thư đại trực tràng tại Việt Nam" diễn ra hôm nay (11/5).
Sự kiện là dịp để các chuyên gia đầu ngành thảo luận về thực trạng ung thư đại trực tràng, vai trò của các phương pháp sàng lọc – chẩn đoán – điều trị hiện đại, và định hướng chiến lược nhằm kiểm soát hiệu quả căn bệnh này tại Việt Nam. Sự kiện do Báo Nhân Dân phối hợp với Viện Công nghệ Phacogen tổ chức.

Các chuyên gia tại toạ đàm.
Ở người trẻ, ung thư đại trực tràng thường có xu hướng "hung hãn" hơn
Các chuyên gia cho biết ung thư đại trực tràng là một trong những loại ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam. Theo GLOBOCAN 2022, Việt Nam ghi nhận hơn 16.835 ca mắc mới mỗi năm, chiếm 9,7% tổng số ca ung thư và hơn 8.454 ca tử vong, xếp thứ 4 về tỷ lệ mắc và thứ 5 về tỷ lệ tử vong trong các loại ung thư. Đặc biệt, bệnh đang có xu hướng trẻ hóa, với tỷ lệ chẩn đoán ở người dưới 50 tuổi tăng 45% kể từ năm 1995.
"Điều khiến các bác sĩ như chúng tôi trăn trở là xu hướng "trẻ hóa" của căn bệnh. Không chỉ người cao tuổi, mà cả những người trẻ ở độ tuổi 30-40, thậm chí 20, cũng có thể mắc bệnh. Lối sống hiện đại – ăn uống thiếu lành mạnh, ít vận động, căng thẳng kéo dài – chính là "ngòi nổ" khiến ung thư đại trực tràng bùng phát mạnh mẽ"- PGS.TS.BS Vũ Văn Khiên - Tổng Thư ký Hội Khoa học tiêu hóa Việt Nam nói tại toạ đàm.
PGS.TS.BS Vũ Văn Khiên cho hay, phần lớn các tổn thương ung thư đại trực tràng phát triển âm thầm, không triệu chứng trong giai đoạn đầu. Khi bệnh nhân bắt đầu cảm thấy đau bụng, rối loạn tiêu hóa hay đi ngoài ra máu thì thường đã ở giai đoạn tiến triển.
"Chúng tôi từng phát hiện những ca ung thư từ các mẫu sinh thiết lấy ra do nội soi kiểm tra sức khỏe tổng quát. Bệnh nhân hoàn toàn không có biểu hiện gì bất thường. Đó là minh chứng rõ ràng cho vai trò sống còn của việc sàng lọc chủ động – không phải chờ có triệu chứng mới đi khám.
Thực tế, ở người trẻ, chúng tôi nhận thấy ung thư đại trực tràng thường có xu hướng "hung hãn" hơn – tức là các tế bào ung thư phát triển nhanh, xâm lấn mạnh và ít có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu. Điều này có thể liên quan đến yếu tố di truyền hoặc lối sống hiện đại như ăn uống thiếu chất xơ, béo phì, hút thuốc"- PGS.TS.BS Vũ Văn Khiên nói.
Trong khi đó, ở người lớn tuổi, bệnh thường tiến triển chậm hơn nhưng lại hay bị che lấp bởi các bệnh lý nền khác như tiểu đường hay tim mạch.
Dù không có triệu chứng rõ rệt, phát hiện sớm ở bất kỳ độ tuổi nào vẫn là chìa khóa để thay đổi cục diện.
Phát hiện sớm ung thư đại trực tràng, tỷ lệ sống sau 5 năm có thể lên tới 90%
Các chuyên gia nhấn mạnh nếu ung thư đại trực tràng được phát hiện ở các giai đoạn sớm, khả năng chữa trị thành công sẽ cao hơn và tỷ lệ sống sau 5 năm có thể lên tới 90%.
"Bệnh ung thư đại trực tràng có thể chữa khỏi nếu như được chẩn đoán sớm để hoàn toàn cắt bỏ khối u qua nội soi. Còn khi khối u đã xâm lấn lớn cũng như đã có biểu hiện tổn thương di căn mạnh thì các bác sĩ sẽ tiếp tục điều trị trước và sau phẫu thuẫn để hạn chế tình trạng tái phát hoặc di căn"- PGS.TS Phạm Cẩm Phương - Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai nói.

Từ thực tiễn điều trị, PGS.TS Phạm Cẩm Phương - Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, đối với bệnh nhân ung thư đại trực tràng, tỷ lệ các bệnh nhân ở giai đoạn muộn, khi đã có những tổn thương di căn chiếm đến 30% trong tổng số người bệnh đến khám.
Tuy nhiên, từ thực tiễn điều trị, PGS Phương cho hay, đối với bệnh nhân ung thư đại trực tràng, tỷ lệ các bệnh nhân ở giai đoạn muộn, khi đã có những tổn thương di căn chiếm đến 30% trong tổng số người bệnh đến khám.
"Gần đây, mặc dù đã có những cập nhật về kiến thức và khuyến cáo khám sức khỏe định kỳ, nhưng cũng có không ít người bệnh chỉ đến khám khi đã có triệu chứng rõ ràng. Nhiều người đến khám vì triệu chứng tắc ruột, khối u đã phát triển lớn khiến người bệnh không thể đi ngoài được- PGS.TS Phạm Cẩm Phương nói.
Cũng theo PGS Phương, các bác sĩ cũng gặp nhiều trường hợp trong một gia đình có nhiều người cùng mắc bệnh này. "Vì thế, chúng tôi thường khuyên mọi người nên động viên người thân đi tầm soát sớm để hạn chế nguy cơ ung thư trực tràng"- PGS.TS Phạm Cẩm Phương nói.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Công Hoàng - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, nhiều quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Nhật Bản hay Hàn Quốc hiện nay đã thực hiện nhiều chẩn đoán sớm trong các lĩnh vực ung thư, nhờ đó, tỷ lệ người bệnh mắc ung thư đã giảm đi nhiều.
Vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi với ngành y tế rất nhiều nội dung, trong đó có một vấn đề mà Tổng Bí thư nhắc tới là mỗi người dân Việt Nam cần được khám định kỳ sức khỏe miễn phí mỗi năm một lần. Đây cũng là vấn đề dự phòng mà ngành y tế cần phải quan tâm. Bởi vì, chi một đồng cho dự phòng bằng 100 đồng cho điều trị.
Các chương trình sàng lọc ung thư đại trực tràng đã được triển khai rộng rãi ở cấp quốc gia. Việc tổ chức sàng lọc định kỳ cho người trưởng thành từ độ tuổi 45–50 trở lên đã mang lại hiệu quả rõ rệt, với tỷ lệ phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm tăng cao, đồng thời tỷ lệ mắc mới và tử vong do ung thư đại trực tràng giảm mạnh.