Căn bệnh nguy hiểm khiến ca sĩ Chí Thành mất ở tuổi 25 rất nhiều người mắc phải mà không biết

19-12-2021 10:30 | Y tế

SKĐS - Ra đi mãi mãi ở tuổi 25 do viêm gan B và mắc COVID-19, kèm viêm phổi và suy kiệt nặng, nam ca sĩ Phạm Chí Thành khiến nhiều người xót xa.

Trước đó, hình ảnh Chí Thành gầy gò, ốm yếu và không có tiền chữa bệnh viêm gan B xuất hiện trên mạng xã hội gây bất ngờ, thương cảm cho một tài năng trẻ tuổi.

Theo TS.BS Vũ Minh Điền, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nhiễm viêm gan virus B (HBV) là một trong những bệnh nhiễm phổ biến nhất của loài người. Mỗi năm có khoảng hơn một triệu người nhiễm HBV mạn bị ung thư gan, suy gan dẫn đến tử vong.

Viêm gan B là một bệnh gây viêm và hoại tử tế bào gan cấp tính hay mạn tính do virus viêm gan B. Thực tế đa số người bị nhiễm HBV không hề biết bản thân bị nhiễm. ThS.BS. Đới Ngọc Anh – Khoa Viêm Gan, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cảnh báo thực tế nhiều bệnh nhân bị viêm gan B không có biểu hiện đặc biệt, vẫn sinh hoạt và làm việc bình thường, chỉ khi vào viện khám mới phát hiện mắc viêm gan B.

Viêm gan B diễn biến rất thầm lặng như một “tảng băng chìm”. Không ít bệnh nhân không hề biết mình mắc bệnh nhưng khi vào viện khám đã tăng men gan nhiều lần dẫn đến tình trạng xơ hoá gan, thậm chí là ung thư gan.
ThS.BS Đới Ngọc Anh

1. Đường lây truyền virus viêm gan B

Virus viêm gan B có thể lây truyền qua các đường sau:

- Lây từ mẹ qua con (chu sinh): Trẻ sơ sinh là nguồn nhiễm virus viêm gan B chủ yếu ở nhiều nước trên thế giới. Lây truyền virus từ mẹ sang trẻ trong lúc sinh rất dễ dàng.

- Lây truyền từ trẻ qua trẻ: Lây truyền thường xảy ra ở nhà, bệnh viện nhi, trường học và nhà trẻ. Cơ chế lây truyền từ trẻ qua trẻ có thể liên quan đến sự tiếp xúc các vết thương, vết trầy xước nhỏ ở da, niêm mạc có chảy máu, hay dịch tiết của vết thương. Virus viêm gan B cũng có thể lây truyền bằng cách tiếp xúc với nước bọt thông qua vết cắn, vết trầy xước khác ở da và cũng như qua sự nhai thức ăn trước cho trẻ.

- Lây truyền qua sự tiêm chích và truyền máu: Tiêm không an toàn là đường lây truyền chủ yếu của virus viêm gan B và những bệnh khác (viêm gan C, HIV) trên nhiều quốc gia.

- Lây truyền trong khi quan hệ tình dục: Khi có trầy xước, tiếp xúc với máu hoặc các dịch khác của cơ thể.

2. Ai dễ mắc viêm gan B?

Nước ta có tỷ lệ mắc viêm gan B cao. Ước tính cứ 8 người Việt Nam có 1 người mắc viêm gan B mạn tính. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 70% các trường hợp tử vong do viêm gan B là vì ung thư gan tiến triển. Đây cũng là ung thư thường gặp và gây tử vong ở nước ta, theo thống kê năm 2013 có tới 31.000 ca tử vong do ung thư gan, đa phần đều phát hiện trễ.

Căn bệnh nguy hiểm khiến ca sĩ Chí Thành mất ở tuổi 25 rất nhiều người mắc phải mà không biết - Ảnh 3.

Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh viêm gan B. Tuy nhiên, những đối tượng sau có nguy cơ mắc bệnh cao hơn:

  • Trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm bệnh.
  • Những người tiêm chích ma túy hoặc dùng chung kim tiêm, ống tiêm và các loại dụng cụ/thiết bị dùng cho ma túy khác.
  • Người có quan hệ tình dục với bệnh nhân viêm gan B.
  • Người có quan hệ đồng giới nam.
  • Những người sống chung với người bị viêm gan B.
  • Người làm trong lĩnh vực y tế, nhân viên phòng thí nghiệm.
  • Bệnh nhân chạy thận nhân tạo.
  • Những người đã sinh sống hoặc đi du lịch thường xuyên đến các khu vực có tỷ lệ mắc bệnh viêm gan B cao trên thế giới.
  • Người bị đái tháo đường, người nhiễm virus viêm gan C hoặc HIV.
Các bác sĩ cho hay, nhiều trường hợp mới mắc viêm gan B (viêm gan B cấp) có khả năng tự khỏi từ 75-90%, cơ thể tự đào thải virus. Nếu sau 6 tháng điều trị kể từ khi phát hiện mắc bệnh, cơ thể không thải được virus thì người bệnh đã bước vào giai đoạn viêm gan B mạn, cần được theo dõi và điều trị khi có chỉ định.

3. Cách phát hiện duy nhất

Bệnh viêm gan được coi là “sát thủ thầm lặng” với các triệu chứng rất kín đáo, khó phát hiện nếu không xét nghiệm máu. Đến khi phát hiện thì hầu hết bệnh nhân đã ở giai đoạn mạn tính, xơ gan, xơ gan mất bù, ung thư gan…

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Bạch Mai: Có tới 90% bệnh nhân mắc cả hai loại viêm gan B và C nhưng họ không biết được tình trạng bệnh của mình nên không được chẩn đoán sớm. Vì vậy, khi bệnh nhân phát hiện ra bệnh thường ở giai đoạn muộn nên công tác điều trị có nhiều khó khăn.

Với bệnh nhân viêm gan ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng rõ ràng nên chỉ có cách sàng lọc, đi xét nghiệm máu mới phát hiện được bệnh.

Hoặc trường hợp trong gia đình có người mắc viêm gan B thì các thành viên khác cần phải đi xét nghiệm sàng lọc. Nếu như ai đã bị viêm gan rồi cần vào diện quản lý điều trị, vì bệnh viêm gan B ủ bệnh rất lâu dài không phát hiện ra dễ lây lan cho người khác.

4. Điều trị viêm gan B cần đúng cách

Một người mắc viêm gan B phải đối mặt với việc điều trị lâu dài và suốt đời. Bệnh nhân phải chịu gánh nặng chi phí điều trị. Với bệnh nhân viêm gan B điều trị mỗi tháng phải dùng thuốc kháng virus để điều trị, chi phí tiền triệu dành cho thuốc kháng virus, chưa kể tiền xét nghiệm tải lượng virus chi phí cũng khá cao...

Người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ điều trị, không nên tự ý ngừng uống thuốc kháng virus khi chưa có ý kiến của bác sĩ; hoặc tự ý dùng các loại thuốc lá thuốc nam không rõ nguồn gốc khiến bệnh biến chứng nặng.

Các bác sĩ nhấn mạnh, việc tự ý ngừng thuốc kháng virus có thể gây viêm gan B bùng phát, suy gan và có thể tử vong. Uống thuốc kháng virus viêm gan B không đều, thường xuyên quên thuốc sẽ giúp cho virus quen với thuốc và dẫn đến kháng thuốc (nhờn thuốc). Gan của người bệnh vì vậy vẫn bị tổn thương và vẫn có nguy cơ tiến triển thành xơ gan, ung thư gan.

Căn bệnh nguy hiểm khiến ca sĩ Chí Thành mất ở tuổi 25 rất nhiều người mắc phải mà không biết - Ảnh 6.

Tính đến năm 2020, có 325 triệu người phải sống chung với viêm gan B và C.

5. Phòng viêm gan B có khó?

- Để phòng tránh mắc viêm gan virus, người dân cần tiêm vaccine đầy đủ, chú ý tiêm cho trẻ trong vòng 24h đầu kể từ khi chào đời.

- Với mẹ bầu nhiễm viêm gan B, em bé sẽ được tiêm 1 liều vaccine viêm gan B kết hợp 1 liều huyết thanh (HBIG) trong vòng 12 giờ sau sinh. Việc này giúp trẻ có khả năng được bảo vệ chống lại nhiễm virus viêm gan B hơn 90% trong suốt cuộc đời.

- Những người đã mắc viêm gan virus cần khám bệnh định kỳ tại các cơ sở y tế chuyên khoa, chủ động quản lý điều trị, tránh trường hợp bệnh diễn tiến nặng. Lưu ý, tuyệt đối không được bỏ thuốc vì có thể khiến viêm gan tiến triển xơ gan hóa và ung thư hóa.

- Cách tốt nhất để phòng ngừa, phát hiện ung thư gan là khám sức khỏe định kỳ siêu âm gan 6 tháng/lần, đặc biệt là những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao như xơ gan, viêm gan mạn tính do rượu, viêm gan virus B, C,…. Ngoài ra tiêm đầy đủ vaccine phòng viêm gan B, tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại dễ làm tổn thương gan để giảm nguy cơ mắc bệnh.

- Bên cạnh đó hạn chế hoặc bỏ bia, rượu, thuốc lá, đặc biệt đối với những bệnh nhân có xơ gan, viêm gan virus.

Người bệnh viêm gan B mạn tính nên ăn uống thế nào để phòng ngừa biến chứng?Người bệnh viêm gan B mạn tính nên ăn uống thế nào để phòng ngừa biến chứng?

SKĐS - Khi mắc bệnh viêm gan B mạn tính, người bệnh cần được điều trị càng sớm càng tốt để phòng ngừa biến chứng. Để việc điều trị đạt được kết quả tốt nhất, bên cạnh việc dùng thuốc, người bệnh viêm gan B mạn tính cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Minh Đức
Ý kiến của bạn