Mùa xuân năm 1943, Cục Tình báo chiến lược Mỹ yêu cầu 5 bác sĩ phân tâm học và tâm thần học nổi tiếng nghiên cứu về trùm phát xít Ðức Adolf Hitler. Họ đã phỏng vấn các nhân chứng, nghiên cứu toàn bộ tác phẩm, diễn văn do Hitler viết và hồi ký của những người từng sống cạnh Hitler. Sau đó, một tài liệu mật về “những điều thầm kín của Hitler” dày 150 trang ra đời. Mới đây, CIA đã giải mã toàn văn tài liệu gốc này và cho thấy: ngoài việc nghiện ma túy nặng, mắc chứng tâm thần ám ảnh, Hitler còn mắc một căn bệnh rất khó nói…
Hitler và cháu gái Geli Raubal. Ảnh: TL |
Nguồn gốc căn bệnh
Mẹ của Hitler là người luôn bị ám ảnh phải sống cuộc sống sạch sẽ và trật tự. Đối với con trai, bà đặt ra những quy định nghiêm khắc trong sinh hoạt tắm rửa ngay từ lúc còn nhỏ. Một đứa trẻ luôn phải sống dưới nhiều điều kiện ràng buộc khắc nghiệt sẽ cảm thấy như bị tước đoạt mất tự do và sẽ nuôi dưỡng ý thức chống đối. Với Hitler, kinh nghiệm này chắc chắn sẽ căng thẳng hơn bình thường vì thời thơ ấu, bà mẹ rất gắn bó với con nên cưng chiều và chăm sóc con hết mực. Do không quen sống với cảm giác bị tước đoạt tự do nên trong khi hầu hết những đứa trẻ khác đều tìm cách giải tỏa thì Hitler đã không được trang bị về mặt tâm lý để đối phó. Vì vậy, trạng thái căng thẳng tích tụ dần từ thời thơ ấu vẫn luôn tồn tại trong con người Hitler, bộc lộ rõ trong các bài diễn văn, bài viết của hắn sau này dưới hình thức những từ ngữ hình tượng về sự dơ bẩn, mùi hôi thối... phân, nước tiểu.
Sự phát triển về dục năng của Hitler không dừng lại ở mức độ dồn nén tâm lý như thế mà còn ảnh hưởng đến cơ quan sinh dục và hình thành một thứ mặc cảm gọi là mặc cảm Oedipe. Bà mẹ của Hitler đã mang thai lần nữa vào lúc Hitler đang ở lứa tuổi mà mặc cảm Oedipe phát triển mạnh nhất, khiến Hitler cảm thấy ghét bỏ cha mình, đồng thời phát sinh óc tò mò. Giống như bao đứa trẻ khác cùng lứa tuổi, Hitler tự hỏi làm sao đứa bé chưa sinh ra ấy lại ở trong bụng mẹ và cách nào để nó chui ra khỏi bụng mẹ. Hitler ghét cha và rất sợ cha, đặc biệt là cảm giác sợ người cha cắt bỏ hoặc gây thiệt hại đến cơ quan sinh dục của mình. Sau này, nỗi sợ hãi ấy được bộc lộ dưới một hình thức khác: chứng sợ bệnh giang mai. Trong tác phẩm Mein Kampf, Hitler không ngừng nói về bệnh giang mai và dành hẳn một chương diễn tả nỗi sợ hãi chứng bệnh này. Khi nghiên cứu nhiều trường hợp tương tự, các chuyên gia nhận thấy sự sợ hãi như vậy thường bắt nguồn từ nỗi sợ hãi cơ quan sinh dục bị thương tổn phát sinh trong thời thơ ấu. Thông thường, sự sợ hãi dai dẳng đến nỗi đứa trẻ không quan tâm gì nữa đến cơ quan sinh dục và tỏ ra rất rụt rè trong thời kỳ trước khi dục năng phát triển, sau đó trở thành kẻ bất lực trong quan hệ khác giới khi đến tuổi trưởng thành.
Những triệu chứng kỳ quặc
Có lẽ do bắt đầu từ việc thuở nhỏ Hitler rất tò mò muốn biết mẹ mình sinh em bé ra như thế nào và hắn đã tin rằng trẻ con ra đời qua lối hậu môn nên hắn rất thích nhìn hậu môn của phụ nữ. Bản tính tò mò thời thơ ấu cũng là nền tảng khiến Hitler chăm sóc đặc biệt đến ba bộ phận mang biểu tượng kích thích TD khi hắn đến tuổi phát dục đó là mắt, miệng và hậu môn.
Nếu xét về ý nghĩa biểu tượng vô thức đối với Hitler, thịt gần như tượng trưng cho phân còn bia là tượng trưng cho nước tiểu. Việc Hitler kiêng ăn thịt và uống bia cho thấy ham muốn của Hitler vẫn còn tồn tại và chỉ khi kiềm chế những ham muốn ấy, Hitler mới có thể tránh được tâm trạng lo lắng ám ảnh. Điều này chứng tỏ bản năng TD lệch lạc của Hitler là biểu hiện thỏa hiệp giữa một bên là xu hướng loạn tâm thần và một bên là ham muốn sống một cuộc sống xã hội bình thường. Trạng thái thỏa hiệp này không đáp ứng yêu cầu của cả hai phía nên cuộc đấu tranh giữa hai xu hướng vẫn cứ tiếp tục giằng co trong tâm thức của Hitler. Theo nghiên cứu của các bác sĩ, Hitler không thường xuyên thực hiện kiểu loạn dâm kỳ lạ này. Hắn chỉ dám thực hiện với người cháu gái Geli Raubal và con gái một người bạn tên là Henny Hoffmann. Phần lớn, bệnh nhân mắc chứng loạn dâm giống như Hitler chỉ bộc lộ hành vi một khi yêu đến mức điên cuồng. Ngoài ra, trong một số hoàn cảnh, Hitler cũng đã có những quan hệ đồng tính để thỏa mãn phần nào ham muốn bệnh hoạn của mình như trong thực tế nhiều bệnh nhân mắc chứng loạn dâm giống hắn ta đã làm.
Theo các chuyên gia khoa học tham gia công trình nghiên cứu nói trên, chứng bệnh loạn dâm đồi bại này không phổ biến trên thế giới nhưng lại không xa lạ gì với họ vì họ đều đã gặp các trường hợp tương tự và tất cả đều khẳng định rằng những kết luận của họ về đặc trưng TD của Hitler là hết sức chính xác. Đối với Hitler, xu hướng TD bại hoại ấy là mối đe dọa liên tục gây rối loạn trạng thái cân bằng trong cuộc sống tâm lý. Không những ông ta phải luôn cảnh giác không để bộc lộ công khai xu hướng này mà còn phải đấu tranh chống lại mặc cảm tội lỗi do phải giấu kín các ham muốn ngược đời. Trạng thái lo lắng đã ám ảnh Hitler suốt ngày đêm khiến hắn không còn đủ khả năng thực hiện tốt một việc gì mang tính sáng tạo.
Lê Trần(Theo Le Nouvel Observateur)