Chia sẻ với phóng viên Báo Sức khoẻ và Đời sống về căn bệnh này, TS. BS Nguyễn Ngọc Cương, Trung tâm Chẩn đoán Hình ảnh và Can thiệp Điện quang- Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, suy giãn tĩnh mạch là một tình trạng trong đó các tĩnh mạch trong cơ thể (thường gặp nhất ở chân) không thể bơm máu trở lại tim. Điều này khiến máu dồn vào các mạch máu khiến chúng bị phình ra (giãn tĩnh mạch) hoặc giãn ra theo thời gian.
Giải thích về vấn đề giãn tĩnh mạch mà nghệ sĩ Trấn Thành mắc, BS Cương cho rằng, căn bệnh này có 2 loại là giãn tĩnh mạch nông và giãn tĩnh mạch mạng nhện, cả hai loại có thể gặp ở mọi vị trí trong cơ thể nhưng thường gặp nhất ở chân.
- Đối với, giãn tĩnh mạch màng nhện và giãn tĩnh mạch nông là bệnh rất thường gặp, đặc biệt bệnh phát triển cùng với gia tăng tuổi thọ trung bình của người dân. Khi chúng ta có tuổi, phần đông chúng ta nhìn rõ những đường chằng chịt màu tím hoặc những mạch màu xanh phình lên ở đùi, cẳng chân, mắt cá trong... Những mạch máu này xuất hiện ở 60% người lớn.
- Đối với giãn tĩnh mạch mạng nhện là các mạch máu nhỏ nằm ngay dưới da có màu đỏ, xanh hoặc tím chạy ngoằn ngoèo hình mạng nhện và không nổi lên bề mặt da. Kích thước các mạch mạng nhện rất nhỏ, thưởng khoảng 1 – 2 mm.
- Giãn tĩnh mạch nông là các mạch máu lớn hơn (>2 mm) giãn và nổi gồ lên bề mặt da. Các tĩnh mạch nông này cũng chạy ngoằn ngoèo và dễ dàng nhìn bằng mắt thường.
Theo BS Cương, bất cứ ai cũng có thể bị giãn tĩnh mạch nhưng nữ giới dễ mắc phải gấp hai lần nam giới do nữ giới phải chịu gánh nặng sinh nở. Ngoài ra, giãn tĩnh mạch hay gặp ở người như:
- Người có thói quen đứng lâu ở một tư thế do yêu cầu nghề nghiệp;
- Người ít vận động, nhân viên văn phòng ngồi nhiều…
- Người trên 50 tuổi dễ mắc bệnh hơn người trẻ.
- Người thừa cân béo phì có nguy cơ mắc giãn tĩnh mạch chân cao hơn.
- Thói quen đi giày cao gót có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Chữa giãn tĩnh mạch bằng phương pháp nào hiệu quả?
Chia sẻ về vấn đề này, TS. BS Nguyễn Ngọc Cương, tùy từng trường hợp cụ thể mà các bác sĩ sẽ chỉ định. Các phương pháp điều trị chung của giãn tĩnh mạch là.
Điều trị không can thiệp
Người bệnh có thể được chỉ định uống thuốc, thuốc bôi ngoài da, các thuốc được cho là tăng sức bền cho thành mạch có thể dùng nhưng nếu giãn mạch mức độ nặng thì thường ít hiệu quả.
Sử dụng bít tất dài giúp ép, nén sẽ làm tĩnh mạch không bị giãn to, giảm ứ trệ dòng máu làm ngăn vòng xoắn của bệnh, giảm đau tức bắp chân.
Điều trị can thiệp
Nếu tình trạng suy giãn tĩnh mạch nặng, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người bệnh các bác sĩ sẽ chỉ định can thiệp, các phương pháp có thể áp dụng như:
- Tiêm xơ
- Liệu pháp chiếu laser và xung ánh sáng cường độ mạnh dùng cho các tĩnh mạch mạng nhện nhờ vào tác dụng nhiệt từ bên ngoài.
- Can thiệp phẫu thuật tĩnh mạch
- Điều trị gây tắc trong lòng mạch bằng laser, sóng cao tần, bơm tắc mạch bằng keo …
Ngoài ra, theo BS Cương, người bệnh cần giảm cân và đi bộ thường xuyên có thể giảm nhẹ những biến chứng của giãn tĩnh mạch mạng nhện và nông. Lưu ý, có một số bài tập để tăng cường khả năng đẩy máu về tim có thể áp dụng cho cả những người đang phải làm việc ở văn phòng hoặc người đang ở tư thế đứng làm việc… Cơ sở của các bài tập luyện trên là vận động các cơ của bàn chân, cẳng chân để đẩy máu về tim.
"Mấu chốt của bệnh là sự bất động chân ở một tư thế kéo dài gây nên toàn bộ các vấn đề trên. Vậy, vận động là giải pháp để thay đổi. Nếu có thể, hãy cử động các khớp cổ chân, bắp chân, đùi… ngay cả khi đứng hay ngồi làm việc"- BS Cương nói.
Triệu chứng suy tĩnh mạch chi dưới:
Giai đoạn đầu:
- Mỏi chân và xuất hiện phù nhẹ khi phải đứng lâu, ngồi nhiều. Chuột rút vào buổi tối.
- Cảm giác bị kim châm, dị cảm như kiến bò vùng cẳng chân về đêm.
- Xuất hiện nhiều mạch máu nhỏ li ti ở chân, nhất là ở cổ chân và bàn chân.
Giai đoạn tiến triển:
- Phù chân, có thể phù ở mắt cá hay bàn chân.
- Thay đổi màu sắc da vùng cẳng chân.
- Có thể thấy các búi tĩnh mạch giãn nổi rõ trên da.
Giai đoạn biến chứng:
- Viêm tĩnh mạch nông huyết khối.
- Chảy máu do giãn vỡ tĩnh mạch.
- Nhiễm khuẩn vết loét trong suy tĩnh mạch mạn tính.