Hà Nội

Căn bệnh khiến 200.000 người Việt tử vong mỗi năm đang gia tăng và trẻ hoá, có người dưới 30 tuổi đã bị

29-06-2024 09:31 | Y tế

SKĐS - Bệnh tim mạch luôn được ví như 'kẻ giết người số 1 thế giới'. Khoảng 25% người trưởng thành đang mắc bệnh tim mạch và có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Tại Bệnh viện Tim hà Nội, số ca mắc bệnh tim mạch đang gia tăng trung bình mỗi năm khoảng 10-20%...

Mỗi năm khoảng 200.000 người Việt tử vong vì bệnh tim mạch

PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Chủ tịch Hội Tim mạch học Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho nhân loại, nhiều hơn cả bệnh ung thư.

Theo thống kê, mỗi năm nước ta có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 39,5 % tổng số ca tử vong. Khoảng 25% người trưởng thành đang mắc bệnh tim mạch và có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Tại Bệnh viện Tim Hà Nội, số ca mắc bệnh tim mạch đang gia tăng trung bình mỗi năm khoảng 10-20% và ngày càng trẻ hóa.

Chia sẻ tại hội nghị Khoa học Tim mạch lần thứ nhất năm 2024 do Hội Tim mạch TP Hà Nội phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Mê Linh tổ chức chiều 28/6, PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền nhấn mạnh các thông tin trên và cho biết thêm: Bệnh lý tim mạch và chuyển hóa là một trong những nhóm bệnh lý phức tạp có tỷ lệ mắc cao trong cộng đồng. Bệnh thường để lại di chứng nặng nề, làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh, gây gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Căn bệnh khiến 200.000 người Việt tử vong mỗi năm đang gia tăng và trẻ hoá, có người dưới 30 tuổi đã bị- Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Chủ tịch Hội Tim mạch học Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội phát biểu.

Các bác sĩ đã tiếp nhận cấp cứu nhiều trường hợp bị nhồi máu cơ tim ở độ tuổi trước 40. Trước đây, những người từ 50 tuổi trở lên mới có nguy cơ mắc tăng huyết áp, bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não…

Tuy nhiên, hiện nay, các bệnh này đã xuất hiện ở những người 30-40 tuổi, thậm chí có những ca bệnh dưới 30 tuổi. Các bệnh lý tim mạch cũng được mệnh danh là những "kẻ sát nhân thầm lặng". Diễn biến trong âm thầm chính là điều làm nên sự nguy hiểm của bệnh.

Về nguyên nhân góp phần làm gia tăng bệnh tim mạch, theo chuyên gia có nhiều yếu tố, trong đó toàn cầu hóa và đô thị hoá, sự thay đổi môi trường như là những tác nhân làm tăng lối sống không lành mạnh như hút thuốc lá, lạm dụng uống rượu, bia, ăn uống không hợp lý, ít vận động thể lực và chính những yếu tố nguy cơ này làm phát triển bệnh lý tim mạch.

Ngoài ra, yếu tố công việc căng thẳng, stress tinh thần cũng làm gia tăng bệnh tim mạch.

"Hội nghị lần này là dịp để những người làm trong chuyên ngành tim mạch cùng trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ và các phương pháp chẩn đoán, điều trị mới, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn đang được ứng dụng trong lĩnh vực điều trị các bệnh tim mạch. Các báo cáo được trình bày tại hội nghị liên quan đến cập nhật chẩn đoán xử trí đột quỵ não, mô hình quản lý suy tim mạn…"- PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền nói.

Làm gì để phòng tránh bệnh tim mạch?

Theo chuyên gia, dấu hiệu bệnh tim mạch thường xuất hiện thoáng qua, không rõ ràng, khiến người bệnh không để ý cho đến khi có các dấu hiệu nặng. Kèm theo đó là gánh nặng kinh tế khi bệnh chuyển biến phức tạp, cần phác đồ, phương pháp phẫu thuật, thủ thuật can thiệp tốn kém hơn.

Trong khi bệnh tim mạch có thể phòng được, có thể can thiệp giảm nguy cơ mắc, giảm mức độ nặng thông qua việc nâng cao nhận thức của người dân điều chỉnh lối sống có hại cho sức khỏe như bỏ hút thuốc lá, chế độ ăn lành mạnh, tăng cường tập luyện thể lực và không lạm dụng rượu bia.

Cùng đó, người đã bị bệnh tim mạch hoặc nguy cơ cao bị bệnh tim mạch (khi có các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid) cần được đánh giá sớm và thực hiện các biện pháp phòng bệnh và dùng thuốc phù hợp.

Bệnh tim có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm nếu như không được thăm khám và điều trị kịp thời.

Bệnh tim mạch có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm nếu như không được thăm khám và điều trị kịp thời.

Những biểu hiện có thể bạn mắc bệnh tim mạch bao gồm: Khó thở, nhất là xảy ra trong khi nằm, khi hít thở sau, cảm giác giống như có vật nặng đè lên ngực; Nặng, tức ngực (người bệnh cảm thấy đau thắt ngực ở vùng dưới xương ức, thời gian kéo dài cơn đau khoảng 10 phút và thường xuyên tái diễn;

Cùng đó khả năng gắng sức kém như: Hụt hơi, mệt mỏi sau khi làm bất cứ hoạt động nào và thường xuyên diễn ra tình trạng này là triệu chứng điển hình của bệnh lý về tim;

Chóng mặt: Người mắc bệnh tim cũng có thể cảm thấy nhìn mờ, chóng mặt hoặc mất thăng bằng trong giây lát vì tim không đủ sức để bơm máu đi tới các cơ quan;

Ho trong thời gian dài: Hầu hết các trường hợp ho mạn tính có liên quan đến bệnh lý đường hô hấp.

Tham dự hội nghị Khoa học Tim mạch lần thứ nhất năm 2024 có Ban Chấp hành Hội Tim mạch Hà Nội và hơn 200 đại biểu là các chuyên gia, cán bộ y tế chuyên ngành tim mạch và một số chuyên ngành liên quan khác.

Tại buổi hội nghị có nhiều bài báo cáo được trình bày tại chương trình với các nội dung như: Lựa chọn Statin trên bệnh nhân Tim mạch Chuyển hóa: "Cân bằng giữa chi phí – hiệu quả" "Cập nhật chẩn đoán xử trí đột quỵ não", "Nhìn lại vai trò của chẹn Beta trên các bệnh nhân lâm sàng : Đối tượng nào được hưởng lợi", "Mô hình quản lý Suy tim mạn tính: Quy trình và Hiệu quả".

Sáng kiến cải tiến cứu người bệnh trong gang tấc của thầy thuốc tim mạch Việt Nam được quốc tế đánh giá caoSáng kiến cải tiến cứu người bệnh trong gang tấc của thầy thuốc tim mạch Việt Nam được quốc tế đánh giá cao

SKĐS - Chiều 6/5, Viện Tim mạch Việt Nam thông tin, các bác sĩ của Viện vừa can thiệp cấp cứu, cứu sống một bệnh nhân 77 tuổi bị phình động mạch chủ bụng vỡ. Đây là tình trạng tối cấp cứu và nguy cơ tử vong gần như khó tránh khỏi nếu không được can thiệp kịp thời.

Bài và ảnh Thái Bình
Ý kiến của bạn