Hà Nội

Căn bệnh ít gặp khiến mũi bé trai chảy dịch “tuôn trào” khi nằm

10-08-2020 09:54 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Mỗi lần con ngồi học hay nằm ngủ đều thấy nước mũi chảy ướt sũng sách vở, gối ngủ khiến người mẹ lo lắng vô cùng. Nhiều năm ròng rã chạy đôn chạy đáo khắp các bệnh viện mà không tìm ra bệnh, chỉ đến khi đến BV Tai Mũi Họng Trung ương, trẻ mới được chẩn đoán mắc phải Hội chứng dị sản Mondini và chấm dứt chuỗi ngày sống chung với nước mũi.

Chia sẻ của mẹ bệnh nhi về căn bệnh khiến gia đình mất ăn mất ngủ nhiều năm.

BSCKII. Đới Xuân An – Phó Trưởng khoa Tai Mũi Họng trẻ em, BV Tai Mũi Họng Trung ương cho biết, bệnh nhi là bé trai 7 tuổi (quê Thạch Thành, Thanh Hóa), xuất hiện bệnh cách đây 3 năm với biểu hiện nghe kém, vận động có phần hạn chế, trẻ hay sốt, viêm họng. Đặc biệt, có thời điểm trẻ bị đến 3 lần viêm màng não trong vòng 1 năm, liên tục ra vào viện điều trị mà không tìm được nguyên nhân rõ ràng để điều trị dứt điểm.

Mẹ bệnh nhân cho biết, đã có lúc gia đình chuẩn bị tinh thần để lo hậu sự cho cháu vì con rơi vào hôn mê sâu, yếu liệt nửa người, nằm mê man không biết gì. Nhưng còn nước còn tát, các bác sĩ ở bệnh viện Thanh Hóa cũng đã tích cực cứu chữa cho con, sau khi con tạm ổn định sức khỏe liền tư vấn chuyển con lên tuyến trên điều trị.

Tuy nhiên thời điểm đó do có dịch COVID-19 thực hiện giãn cách xã hội, điều kiện đi lại hạn chế nên mãi đến đầu tháng 7/2020, trẻ mới đến khám tại BV Tai Mũi Họng Trung ương. Các bác sĩ phát hiện trẻ chảy dịch nước trong rất nhiều khi nằm, nhưng lại không phải là nước mũi như cha mẹ lầm tưởng mà đó là… dịch não tủy. Khai thác tiền sử thấy trẻ liên tục viêm màng não, cùng với các biểu hiện nghe kém, hay sốt, viêm họng, đi lại có phần loạng choạng… Sau khi tiến hành làm một số xét nghiệm cận lâm sàng, hội chẩn, bác sĩ phát hiện trẻ mắc phải Hội chứng dị sản Mondini.

viem taiBSCKII. Đới Xuân An thăm khám cho bệnh nhi sau phẫu thuật.

Phẫu thuật tinh tế, tỉ mỉ bảo tồn nguyên vẹn tai cho trẻ

Theo BSCKII. Đới Xuân An, dị sản Mondini là do sự dừng lại bất thường của quá trình phát triển ốc tai vào tuần thứ 6 của thai kỳ, chỉ có vòng đáy của ốc tai phát triển và phần còn lại 1,5 vòng là ốc tai xương. Dị sản Mondini có thể biểu hiện thời kỳ trẻ em hay người lớn với sức nghe có thể bình thường hay điếc đặc. Đây là bệnh di truyền trội nhiễm sắc thể thường.

Lý giải vì sao trẻ lại thường chảy dịch nước trong với số lượng lớn như vậy, BS. An cho rằng, do sự phát triển bất thường nên có đường rò từ tai trong thông với tai giữa nên dịch não tủy chảy ra tai giữa và chảy qua lỗ vòi tai, chảy ra mũi họng, gây nên biểu hiện chảy dịch mũi trong. Ngược lai, vi khuẩn đi từ mũi họng, vào tai giữa rồi qua lỗ rò vào gây viên mê nhĩ, viêm màng não. Tình trạng này xảy ra liên tục tạo thành vòng bệnh lý luẩn quẩn, làm sức nghe của trẻ ngày càng kém đi.

Để giải quyết tình trạng chảy dịch não tủy, nhưng đồng thời cũng hạn chế tối đa sự xâm lấn ở trẻ, giúp trẻ có cơ hội phục hồi sức nghe về sau bằng các biện pháp khác, các bác sĩ tai mũi họng đã tiến hành phẫu thuật bít lấp đường rò lại. Theo đánh giá của BS. An, đây là ca mổ không quá lớn nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, tinh tế. Ngoài ra chi phí phẫu thuật cũng phải phù hợp với người bệnh.

mondini 2Hai mẹ con không giấu nổi niềm hạnh phúc khi con trai đã chấm dứt chuỗi ngày sống chung với dịch mũi.

Chia sẻ thêm về ca bệnh này, BS. Lê Anh Tuấn – Trưởng khoa Tai Mũi Họng Trẻ em cho biết: Đây là trường hợp mà lỗ rò khá lớn, dịch não tủy chảy ra nhiều, vấn đề quan trọng nhất trong phẫu thuật là làm sao phải bịt kín đường rò, bịt lỗ vòi tai để đảm bảo thành công của ca mổ, chúng tôi không sử dụng keo sinh học để bít đường rò, việc đó tạo điều kiện tốt nhất cho phẫu thuật phục hồi sức nghe cho bệnh nhân sau này. Đây là ca mổ mà đòi hỏi phẫu thuật viên có nhiều kinh nghiệm. Trong thời gian qua, Bệnh viên Tai Mũi Họng trung ương cũng đã phẫu thuật thành công cho hầu hết các ca bệnh tương tự.

Đến thời điểm hiện tại, trẻ đã được xuất viện về nhà, tình trạng chảy dịch não tủy đã không còn, trẻ ăn uống sinh hoạt tốt, phụ huynh tiếp tục theo dõi và có thể cân nhắc cho trẻ can thiệp các biện pháp hỗ trợ sức nghe cho con như: đeo trợ thính hoặc phẫu thuật…

BS. Lê Anh Tuấn cũng khuyến cáo đến các đồng nghiệp và gia đình khi thấy trẻ bị viêm màng não tái phát nhiều lần… Nên cho trẻ đi khám chuyên khoa tai mũi họng để được phát hiện sớm các bất thường trong mũi, trong tai có thể là nguyên nhân gây viêm màng não, từ đó được điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc.

Dương Hải
Ý kiến của bạn