Thực tế, nhiều trường hợp mắc giang mai chỉ đi viện khi đã có các triệu chứng chứ rất ít người khám chủ động sau khi có quan hệ tình dục không an toàn vì chưa hiểu đúng về căn bệnh nhiễm trùng có thể tồn tại trong cơ thể nhiều năm.
1. Giang mai là bệnh gì?
Bệnh giang mai là một bệnh nhiễm trùng kinh điển do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây nên. Bệnh giang mai lây chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn. Xoắn khuẩn thâm nhập qua da - niêm mạc của bộ phận sinh dục ít nhiều bị xây xát khi quan hệ tình dục sẽ gây bệnh tại chỗ (săng), đi vào máu và lan tràn khắp cơ thể.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ lây lan là bị nhiễm HIV/AIDS, bị các bệnh gây thương tổn ở bộ phận sinh dục, có hành vi tình dục không bảo vệ (quan hệ tình dục miệng - sinh dục, quan hệ tình dục đồng giới,…). Bệnh giang mai có thể lây do truyền máu (tiêm truyền máu hoặc tiêm chích ma túy mà bơm tiêm không khử khuẩn) và gián tiếp qua các đồ dùng, vật dụng bị nhiễm bẩn.
Nếu người mẹ có thai bị giang mai mà không được điều trị dễ lây truyền cho thai nhi (giang mai bẩm sinh). Người mẹ bị bệnh giang mai sẽ truyền cho con qua nhau thai dẫn đến các nguy cơ: gây sảy thai, thai chết lưu, sinh non, nhẹ cân hoặc trẻ tử vong ngay sau khi sinh. Nếu trẻ sống, sẽ mắc bệnh giang mai bẩm sinh gây tổn thương da, cơ xương khớp, tai, mắt, tim mạch, thần kinh… ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bé ngay khi vừa chào đời và để lại biến chứng lâu dài.
Mặc dù bệnh giang mai có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh nhưng bệnh có thể gây tổn thương nội tạng và tử vong nếu không được điều trị. Các tổn thương hoặc phát ban do giang mai dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác, khiến nhiều trường hợp không được chẩn đoán. Bệnh giang mai có thời gian ủ bệnh khá dài nên rất khó phát hiện với nhiều triệu chứng rất "tinh vi" và căn bệnh này được gọi là "kẻ bắt chước tuyệt vời" vì nó có nhiều biểu hiện tương tự các tình trạng khác như lở loét, mụn rộp và bệnh Lyme.
Bệnh có nhiều biểu hiện như:
- Mệt mỏi, đau nhức đầu, đau các khớp
- Cảm giác sưng ở cổ, háng, nách
- Xuất hiện các mảng trắng trong miệng, các vết loét nhỏ ở miệng, bộ phận sinh dục (dương vật, âm đạo), xung quanh vùng hậu môn. Các vết loét này có thể đau hoặc không đau.
- Lòng bàn tay, bàn chân nổi mẩn
- Có thể bị sốt
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong năm 2020, thế giới có khoảng 7,1 triệu trường hợp giang mai mới mắc. Số ca mắc mới ở khu vực Tây Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam, chiếm 1,1 triệu ca.
Còn Hoa Kỳ đã và đang chứng kiến sự bùng phát trở lại của những căn bệnh từng gần như bị loại trừ, và giờ đây có thêm một căn bệnh khác vào danh sách, đó là bệnh giang mai. Tỷ lệ mắc bệnh giang mai đang ở mức cao nhất kể từ năm 1991, Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã báo cáo các trường hợp mắc bệnh giang mai tăng 68% từ năm 2017 đến năm 2021. Bệnh giang mai bẩm sinh, được truyền sang thai nhi đang phát triển trong thai kỳ, thậm chí còn nhiều hơn tăng mạnh đến 185% trong cùng thời kỳ.
2. Các giai đoạn và triệu chứng của bệnh giang mai
Trong Quyết định số 5186/QĐ-BYT ngày 9/11/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh giang mai chỉ ra các giai đoạn và triệu chứng của bệnh giang mai như sau:
2.1. Các giai đoạn của giang mai
Bệnh giang mai nếu không được chẩn đoán và điều trị có thể tồn tại rất nhiều năm và được chia làm 2 giai đoạn là giang mai sớm và giang mai muộn.
- Giang mai sớm, gồm:
- Giang mai thời kỳ I (primary syphilis)
- Giang mai thời kỳ II (secondary syphilis)
- Giang mai kín sớm: giang mai kín (không có biểu hiện lâm sàng) và thời gian mắc ít hơn 2 năm.
- Giang mai muộn, gồm:
- Giang mai kín muộn: giang mai kín (không có biểu hiện lâm sàng) và thời gian mắc > 2 năm
- Giang mai thời kỳ III (có tổn thương ăn sâu vào tổ chức da, niêm mạc, tim mạch, thần kinh).
2.2. Triệu chứng lâm sàng
2.2.1. Giang mai mắc phải
a) Giang mai thời kỳ I
- Biểu hiện lâm sàng đặc trưng: săng đơn độc, xuất hiện tại nơi xoắn khuẩn xâm nhập vào cơ thể, thường ở âm đạo, dương vật, hậu môn (hoặc có thể ở những vị trí ngoài sinh dục). Săng thường xuất hiện khoảng 3 tuần sau lây nhiễm (khoảng 9-90 ngày), có thể hết trong vòng 3-10 tuần dù điều trị hay không. Người bệnh có thể không để ý khi thấy xuất hiện săng hoặc thấy săng tự mất.
- Nếu không được chẩn đoán và điều trị trong thời kỳ này, sau 4-8 tuần từ khi xuất hiện tổn thương ban đầu, bệnh sẽ tiến triển sang giang mai thời kỳ II.
b) Giang mai thời kỳ II
- Biểu hiện lâm sàng đặc trưng: tổn thương da và niêm mạc, lan rộng.
- Đào ban có hình thái đa dạng, có thể giống với tổn thương ban/dát đỏ ở các bệnh lý khác. Nhưng tổn thương trong giang mai đặc trưng ở vị trí lòng bàn tay, bàn chân, tổn thương đối xứng hai bên và không ngứa. Tổn thương cũng có thể rất kín đáo, dễ bị bỏ qua trên lâm sàng.
- Mảng niêm mạc: các vết trợt màu trắng, hay gặp ở niêm mạc miệng, lưỡi, sinh dục.
- Sẩn giang mai: màu đỏ hồng, hình bán cầu, xung quanh có viền vảy (viền vảy Biett), có thể xuất hiện ở các vùng da khác nhau, đa dạng về hình thái (sẩn dạng vảy nến, sẩn dạng trứng cá, sẩn dạng thuỷ đậu, sẩn loét). Sẩn sùi giang mai (condylomata lata) thường xuất hiện ở các vị trí nóng, ẩm như hậu môn, âm hộ. Đây là các tổn thương trợt nông màu trắng/xám, nổi gồ cao, là kết quả của sự lây lan xoắn khuẩn giang mai từ tổn thương tiên phát.
- Có thể đi kèm các triệu chứng không đặc hiệu khác như mệt, sốt, nổi hạch vùng, rụng tóc, đau đầu.
- Triệu chứng của giang mai thời kỳ II có thể tự mất đi dù không điều trị gì. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân không được điều trị, bệnh sẽ tiến triển sang giang mai kín. Người bệnh trong thời kỳ giang mai II có nguy cơ cao lây nhiễm cho người khác.
c) Giang mai kín (giang mai tiềm ẩn)
- Không có dấu hiệu, triệu chứng lâm sàng. Vì thế, chỉ có thể phát hiện bằng xét nghiệm huyết thanh.
- Được chia làm 2 giai đoạn: giang mai kín sớm (thời gian mắc dưới 2 năm) và giang mai kín muộn (thời gian mắc > 2 năm). Những bệnh nhân không biết chắc chắn thời gian nhiễm bệnh nên được điều trị theo phác đồ giang mai kín muộn. Giang mai lây truyền qua đường tình dục thường chỉ xảy ra ở giang mai thời kỳ I, thời kỳ II và giang mai kín sớm. Tuy nhiên, lây truyền từ mẹ sang con thì có thể xảy ra sau nhiều năm kể từ thời điểm nhiễm khuẩn ban đầu.
- Nếu không được chẩn đoán và điều trị, hầu hết bệnh nhân vẫn ở giai đoạn giang mai kín. Khoảng 25% bệnh nhân sẽ tiến triển thành giang mai thời kỳ III.
d) Giang mai thời kỳ III
- Bệnh ảnh hưởng đến bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể, có thể xảy ra sau thời điểm nhiễm khuẩn ban đầu thậm chí 30 năm.
- Biểu hiện lâm sàng đặc trưng: biểu hiện thần kinh (giang mai thần kinh), biểu hiện tim mạch (giang mai tim mạch) và các tổn thương gôm giang mai.
- Giang mai thần kinh có thể xuất hiện ở bất kỳ giai đoạn nào của bệnh, thậm chí trong vài tháng đầu. Các triệu chứng thần kinh sớm bao gồm: thay đổi trạng thái tâm thần cấp tính, viêm màng não, đột quỵ, rối loạn chức năng dây thần kinh sọ, bất thường về thính giác, mắt và thị giác. Giang mai thần kinh muộn có thể xảy ra 10-30 năm hoặc lâu hơn kể từ thời điểm mắc bệnh và đặc trưng bởi tổn thương các rễ thần kinh sau của cột sống và liệt nhẹ toàn thể.
- Giang mai tim mạch thường biểu hiện: viêm động mạch chủ, phình động mạch chủ, hở van động mạch chủ, hẹp động mạch vành, một số trường hợp có thể có viêm cơ tim.
- Gôm giang mai: là thương tổn đặc trưng của giang mai thời kỳ III. Gôm là thương tổn chắc ở hạ bì, tiến triển qua 4 giai đoạn: ban đầu là những cục dưới da, các cục này dần to ra, mềm, vỡ chảy dịch dính giống như nhựa cao su tạo thành vết loét; vết loét dần lên da non rồi thành sẹo. Gôm có thể nhiều hoặc ít và có thể khu trú ở bất kỳ chỗ nào. Vị trí thường gặp là mặt, da đầu, mông, đùi, mặt ngoài phần trên cẳng chân… Ở niêm mạc, vị trí thường gặp là miệng, môi, vòm miệng, lưỡi, mũi, hầu…, ngoài ra có thể có gôm trong não.
2.2.2. Giang mai bẩm sinh
- Giang mai bẩm sinh được xác định khi:
- Sảy thai, thai chết lưu hoặc trẻ được sinh ra từ tuần thứ 20 của thai kỳ trở đi hoặc cân nặng trên 500gam (tương đương tuổi thai 20 tuần trở lên), có mẹ xét nghiệm huyết thanh giang mai dương tính và không được điều trị đúng, đủ.
- Trẻ sinh ra dưới 2 tuổi, có triệu chứng lâm sàng của giang mai bẩm sinh hoặc có xét nghiệm giang mai dương tính (xem phần chẩn đoán giang mai bẩm sinh).
- Biểu hiện thường gặp nhất của giang mai bẩm sinh là thai lưu hoặc đẻ non ở 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ. Vì vậy, tất cả các bà mẹ bị thai lưu cần làm xét nghiệm huyết thanh giang mai. Ở hầu hết các quốc gia, đa số giang mai bẩm sinh gây hậu quả thai chết lưu và những trường hợp này thường bỏ sót nguyên nhân thai chết lưu do giang mai.
- Trẻ em được sinh ra từ những bà mẹ có xét nghiệm huyết thanh giang mai dương tính cần được khám, phát hiện những dấu hiệu, triệu chứng của giang mai bẩm sinh sớm bao gồm: bọng nước, viêm mũi, viêm thanh quản, hạch, gan lách to, viêm xương sụn, viêm màng bụng, viêm màng não, viêm màng mạch - võng mạc.
- Biểu hiện của giang mai bẩm sinh muộn ở trẻ > 2 tuổi bao gồm: viêm mắt, tai, khớp, dị dạng xương và các di chứng do các thương tổn của giang mai bẩm sinh sớm. Tuy nhiên, rất nhiều trẻ sơ sinh bị giang mai mà không có các dấu hiệu, triệu chứng rõ ràng, điển hình.
Như vậy, có thể thấy trong giai đoạn giang mai nguyên phát (thời kỳ thứ nhất), nhiều người bệnh sẽ có những vết loét tròn, chắc và không đau được gọi là "săng giang mai " trên bộ phận sinh dục, hậu môn, trực tràng hoặc miệng của họ. Điều làm cho việc chẩn đoán trở nên khó khăn là các săng thường sẽ biến mất mà không cần điều trị.
Vài tuần sau, trong thời kỳ thứ hai, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như sốt, sưng hạch bạch huyết và phát ban có thể xuất hiện ở bàn tay và bàn chân hoặc đôi khi ở các bộ phận khác của cơ thể. Điều tồi tệ là trạng thái này biến mất mà không cần bất kỳ liệu pháp nào nhưng các sinh vật giang mai, được gọi là xoắn khuẩn, vẫn sống trong cơ thể và có thể tàn phá bất kỳ hệ thống cơ quan nào.
Nếu không được điều trị, người bệnh có thể trải qua giai đoạn cuối của bệnh giang mai từ 10 đến 30 năm sau lần nhiễm bệnh đầu tiên. Nó có thể làm hỏng nhiều cơ quan, bao gồm da, tim, não, xương và gan, và có thể gây tử vong.
3. Làm thế nào để bảo vệ bản thân khỏi bệnh giang mai?
Hiện tại không có vaccine phòng bệnh giang mai, chủ yếu là do cơ chế phân tử của bệnh giang mai vẫn chưa được hiểu rõ. Do vậy, cách tốt nhất để bảo vệ bạn và bạn đời khỏi căn bệnh này là xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục trước khi có quan hệ tình dục và luôn sử dụng bao cao su.
Bệnh giang mai có thể được chẩn đoán bằng xét nghiệm máu đơn giản và được điều trị hiệu quả, chữa khỏi nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, khi mà vi khuẩn chưa gây tổn thương nghiêm trọng, chưa ảnh hưởng đến tim mạch, thần kinh. Bệnh được điều trị bằng thuốc kháng sinh theo đường uống hoặc tiêm tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh và theo chỉ định của bác sĩ điều trị.
Ngay khi biết đối tác mắc bệnh giang mai, tức là nguy cơ nhiễm của bản thân rất cao vì vậy cần nhanh chóng đi kiểm tra tầm soát chứ không đợi đến khi có triệu chứng mới đi khám. Nguyên do là các biểu hiện của bệnh giang mai như đã nói, không phải lúc nào cũng rõ ràng, nhiều người còn không có biểu hiện, triệu chứng mắc bệnh nhưng bệnh sẽ chuyển nặng nếu không được điều trị.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bé sơ sinh vừa chào đời đã mắc bệnh giang mai.