Cần 'bắt mạch, chẩn bệnh, kê đơn' để hoàn thành các mục tiêu KT-XH đã đề ra

31-10-2023 17:08 | Thời sự
google news

SKĐS - Chiều 31/10, Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác.

Phát biểu tại hội trường, nhiều vị ĐBQH đã thảo luận, đóng góp ý kiến để đưa nền kinh tế phát triển hơn những tháng cuối năm 2023 và dự kiến năm 2024, trong đó có việc hoàn thành các chỉ tiêu về KT-XH như đã đề ra.

ĐBQH Trần Chí Cường – Đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng cho biết, trong bối cảnh nhiều khó khăn, tình hình KT-XH nước ta trong năm 2023 tiếp tục đà phục hồi tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu chỉ ra rằng, 5/15 chỉ tiêu dự kiến không đạt yêu cầu đều ở lĩnh vực kinh tế. Điều này phản ánh tình hình "sức khỏe" của nền kinh tế nước ta hiện nay đang và sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Các gói chính sách của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế chưa đạt mục tiêu như kỳ vọng.

ĐBQH đề xuất 'bắt mạch, chẩn bệnh, kê đơn' để hoàn thành các mục tiêu KT-XH đã đề ra - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Chí Cường - Đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng cho rằng, Chính phủ cần "bắt mạch, chẩn bệnh, kê đơn" để hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều biến động khó lường, nhiều yếu tố rủi ro, đại biểu cho rằng có nhiều khó khăn thách thức trong việc thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm tới. Chính phủ cần đánh giá toàn diện tình hình, "bắt mạch, chẩn bệnh, kê đơn" cho phù hợp, có những chính sách, biện pháp đủ mạnh, đảm bảo tính khả thi hoàn thành các mục tiêu đặt ra.

ĐBQH Dương Văn Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam nêu lên thực tế của tỉnh Quảng Nam, các doanh nghiệp trong địa bàn tỉnh hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, mặc dù nhà nước đã có chính sách hỗ trợ và đồng hành, tuy nhiên áp lực về thuế, biến động giá cả, khả năng tiếp cận vốn… đã tạo thành những thách thức lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ…

ĐBQH đề xuất 'bắt mạch, chẩn bệnh, kê đơn' để hoàn thành các mục tiêu KT-XH đã đề ra - Ảnh 2.

Đại biểu Dương Văn Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam.

Từ đó, đại biểu Dương Văn Phước mong muốn nhà nước tiếp tục quan tâm đến những khó khăn hiện nay của doanh nghiệp, có những chính sách kịp thời, thiết thực hơn cho doanh nghiệp. Hiện các doanh nghiệp đang thiếu vốn nghiêm trọng. Bên cạnh đó, Chính phủ cần thiết kế gói tín dụng phục vụ cho sản xuất kinh doanh, trước mắt là cần tập trung khơi thông các nguồn vốn từ ngân hàng thông qua việc tiếp tục hạ lãi suất và nới lỏng các cái điều kiện cho vay vốn; tiếp tục đồng hành, chia sẻ những rủi ro đối với doanh nghiệp.

ĐBQH Huỳnh Thanh Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh nêu, bước vào năm 2023, mặc dù đã chủ động dự báo nhưng tác động tiêu cực của kinh tế thế giới đã ảnh hưởng không nhỏ tới nước ta. Vượt lên khó khăn, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đại biểu cũng nêu ra một số khó khăn, thách thức như 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu vẫn trong tình trạng phát triển chậm; áp lực giải ngân vốn đầu tư công chậm…

ĐBQH đề xuất 'bắt mạch, chẩn bệnh, kê đơn' để hoàn thành các mục tiêu KT-XH đã đề ra - Ảnh 3.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh.

Bày tỏ thống nhất với nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH năm 2024, đại biểu đề nghị quan tâm cải thiện, tăng năng suất lao động, là con đường ngắn nhất đưa nền kinh tế phục hồi và phát triển bền vững.

ĐBQH đề xuất 'bắt mạch, chẩn bệnh, kê đơn' để hoàn thành các mục tiêu KT-XH đã đề ra - Ảnh 4.

Đại biểu Phạm Đình Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum.

ĐBQH Phạm Đình Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum đề nghị Chính phủ chỉ đạo đánh giá kỹ hơn để làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và đề ra giải pháp phù hợp đối với 5 chỉ tiêu ước cả năm 2023 không đạt mục tiêu đề ra, nhất là chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng năng suất lao động xã hội 3 năm liên tiếp không đạt mục tiêu đề ra. Đồng thời, có giải pháp thiết thực để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay, đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

"Thao túng thị trường BĐS nguy hiểm không kém hành vi thao túng thị trường chứng khoán"'Thao túng thị trường BĐS nguy hiểm không kém hành vi thao túng thị trường chứng khoán'

SKĐS - ĐBQH Trịnh Xuân An cho rằng, hành vi thao túng trong thị trường BĐS nguy hiểm không kém gì hành vi thao túng trong thị trường chứng khoán. Hiện nay thao túng trong thị trường kinh doanh BĐS rất tinh vi, tình trạng bong bóng, giá trên trời so với thực tế.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn