Hà Nội

Cần bảo đảm an toàn tuyệt đối cho giáo viên và học sinh

19-02-2021 10:22 | Thời sự
google news

SKĐS - Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT căn cứ tình hình dịch COVID-19 tại địa phương sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán để chủ động báo cáo UBND tỉnh, thành phố xin ý kiến về việc cho học sinh đi học hoặc nghỉ học ở trường, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho giáo viên, học sinh.

Giáo viên Hà Nội dạy học trực tuyến từ sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có công văn gửi các Sở GD&ĐT và các Trường Trung học phổ thông trực thuộc về việc thực hiện chương trình giáo dục và phòng chống dịch COVID-19.

Theo đó, để đảm bảo an toàn cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh tại các cơ sở giáo dục; đồng thời tiếp tục triển khai kế hoạch học kỳ II năm học 2020-2021, Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT căn cứ tình hình dịch COVID-19 tại địa phương sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán để chủ động báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố xin ý kiến về việc cho học sinh đi học hoặc nghỉ học ở trường, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho giáo viên, học sinh.

Chủ động điều chỉnh kế hoạch giáo dục học kỳ II năm học 2020-2021 theo tinh thần chỉ đạo tại Công văn số 432/BGDĐT-GDTrH ngày 29/01/2021 về việc chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học ứng phó với dịch COVID-19.

Trong trường hợp học sinh nghỉ học ở trường, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường tổ chức thực hiện dạy học trực tuyến (qua internet, trên truyền hình) theo hướng dẫn tại Công văn số 1061/BGDĐT-GDTrH và các văn bản có liên quan của Bộ GD&ĐT. Nội dung dạy học trực tuyến phải bảo đảm tính khoa học, sư phạm, phù hợp với đối tượng học sinh theo từng cấp học. Cách thức tổ chức linh hoạt phù hợp với điều kiện của địa phương và cơ sở giáo dục đảm bảo hiệu quả.

Với trường hợp học sinh đi học sau Tết Nguyên đán, nhất là học sinh vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các trường phải chủ động nắm bắt tình hình. Có giải pháp hỗ trợ dạy và học trực tuyến, duy trì sĩ số học sinh không để học sinh nghỉ học vì hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, cần xây dựng phương án bồi dưỡng, phụ đạo học sinh khi đi học trở lại tại trường.

Nội dung dạy học trực tuyến phải bảo đảm tính khoa học, sư phạm, phù hợp với đối tượng học sinh theo từng cấp học.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, toàn ngành giáo dục kích hoạt, mở rộng và nâng cao hiệu quả dạy học trực tuyến. Mỗi bậc học xây dựng kịch bản ứng phó để trong từng tình huống cụ thể vẫn đảm bảo mục tiêu kép: vừa đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh, sinh viên, giáo viên; vừa đảm bảo kế hoạch dạy học trong điều kiện học sinh, sinh viên không thể đến trường.

Để giáo viên có thể bắt nhịp với xu hướng dạy học trực tuyến, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các đơn vị chuyên môn hướng dẫn cụ thể cho giáo viên, tạo thành cẩm nang chia sẻ chung thống nhất, để giáo viên trở thành nhà giáo dục trên mạng, đồng thời phải tạo ra văn hóa chất lượng trong dạy học trực tuyến.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT lưu ý cần nâng cao nhận thức của học sinh đối với việc học trực tuyến, trong đó chú trọng bảo đảm an toàn cho học sinh trên môi trường mạng.

Ở những cấp học, lớp học "còn lúng túng" trong triển khai dạy trực tuyến như cấp mầm non hay lớp 1, lớp 2, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị cần hướng dẫn chi tiết cho giáo viên, học sinh và phụ huynh để tham gia phối hợp thực hiện.

 

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT về thời gian học sinh trở lại trường của 63 tỉnh, thành phố sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đã có 14 tỉnh và thành phố quyết định để học sinh nghỉ đến ngày 17/2. Các tỉnh, thành phố này bao gồm: Kiên Giang, Hà Tĩnh, Bắc Kạn, Cà Mau, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Nam Định, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Tiền Giang và Lạng Sơn. Tỉnh Yên Bái cho học sinh nghỉ đến ngày 19/2.

Có 17 tỉnh cho học sinh tạm dừng đến trường đến ngày 21/2 gồm: Quảng Nam, Hậu Giang, Bắc Ninh, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Hà Nam, Trà Vinh, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Ninh Bình, Hoà Bình, Đắk Nông, Lai Châu, Vĩnh Long và Quảng Ninh.

Có 6 tỉnh cho học sinh tạm dừng đến trường đến ngày 22/2 gồm: Thanh Hóa, An Giang, Lào Cai, Quảng Bình, Sóc Trăng và Bạc Liêu.

Có 10 tỉnh, thành phố cho học sinh tạm dừng đến trường đến ngày 28/2 gồm: Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Phú Yên, Thái Nguyên, Bình Định, Điện Biên, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Long An.

Các tỉnh, thành phố cho học sinh tạm dừng đến trường cho đến khi có thông báo mới gồm: Sơn La, Thái Bình, Bắc Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Kon Tum, Ninh Thuận, Vĩnh Phúc, Cao Bằng, Tuyên Quang, Gia Lai và Hà Giang.

 


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn