Campuchia dễ mến. Đây là lần thứ 2 tôi đến xứ sở này theo đường bộ từ Việt Nam vì trước đó từng theo dòng Mê Kông đến Biển Hồ qua nẻo Thác Khone phía Hạ Lào...
Anh Đoity Chan, một sĩ quan thuộc lực lượng hiến binh Hoàng gia Campuchia rất đẹp trai và hiền hậu lái xe đưa tôi cùng Trung tá Huỳnh Văn Tèo, cán bộ đội trinh sát ngoại biên và Thiếu tá Nguyễn Phú Long, cán bộ Phòng trinh sát Bộ đội Biên phòng Tây Ninh sang gặp gỡ và làm việc với Đoàn văn công Quân đội Hoàng gia và Đoàn văn công Cảnh sát Hoàng gia Campuchia cùng 3 nhân vật giao lưu phía bạn.
Tượng đài hữu nghị Việt Nam - Campuchia giữa Thủ đô Phnompenh.
“Việt Nam - Campuchia sông liền sông, đồng liền cánh đồng. Trời xanh xanh bao la và người dân chung sống hiền hòa. Lúa vàng trĩu bông, ngọt thơm hoa trái. Vững bền tháng năm thủy chung son sắt, tình nồng thắm hai dân tộc chúng ta”. Lời bài hát đã phần nào nói lên sự đồng điệu về cảnh vật, con người hai nước. Nhưng cảm giác thân thuộc vẫn trào dâng trong tôi bởi từ cửa khẩu Mộc Bài đi Phnompenh, những con đường, những cánh đồng, những rặng dừa men theo các con kênh rạch, men theo các làng xóm bình dị đều gợi lên dáng vẻ của miền Tây mùa gió chướng. Và đặc biệt là những đầm hoa súng đỏ rực cả một vùng, người dân bên này gọi là hoa sen đỏ.
Đoity Chăn không nói được tiếng Việt, dáng vẻ rất đàn ông và điềm tính nhưng lại thực sự ga lăng. Trên đường đi, mua tặng tôi hai vòng hoa nhài thơm nức, chàng hiến binh dễ mến ấy bảo người Campuchia thường xâu hoa nhài thành vòng để dâng lên chùa hoặc đeo trước ngực, treo nơi đầu xe để cầu may mắn. Hoa nhài ở đây hơi khác so với hoa nhài miền Bắc và hương thơm không thanh dịu bằng, nhưng mang lại cảm giác ấm cúng. Còn trên đường trở về, thấy tôi háo hức với hàng chục chiếc lán dựng bằng dừa nước đang giã và rang cốm, Chăn chủ động dừng xe và mua cho tôi một cân cốm dẹp. Sau này, Trung tá Huỳnh Văn Tèo nói với tôi rằng gia cảnh của Chăn rất khó khăn, mẹ anh ốm nặng nên vợ phải ở nhà chăm sóc, mỗi tháng anh chỉ có thể về thăm nhà một lần cách đơn vị gần 100 cây số.
Thiếu tá Nguyễn Phú Long thì từng có một thời gian dài học tập nghiệp vụ và ngôn ngữ tại Phnompenh. Anh giải thích địa danh Phnompenh xuất phát từ Wat Phnom Daun Penh (nghĩa là chùa đồi Bà Penh) xây từ năm 1773 trên điểm cao nhất thành phố. Chùa được một quả phụ giàu có tên là Daun Penh xây trên một ngọn đồi nhân tạo sau khi một trận lụt lớn cuốn trôi các bức tượng Phật đến đây. Vào đến cửa ô Phnompenh cũng tắc đường bởi bạn đang trong quá trình xây dựng và tái cấu trúc lại cơ sở hạ tầng. Không có nhiều các tòa nhà cao tầng như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, thậm chí nhiều khu chỉ toàn nhà cấp 3 nhưng màu vàng chói của ánh nắng, màu vàng tươi của những chùm hoa bò cạp khiến không gian rực rỡ đến kỳ lạ. Đặc biệt là cứ qua vài con phố là lại gặp một ngôi chùa sơn son thiếp vàng cao ngất, trong sân có cây may mắn treo lồng đèn, dây ngũ sắc và bóng các nhà sư áo vàng trầm lặng ngồi trên đệm cỏ thiền tịnh.
Anh Tèo chọn quán Ngon của người Việt làm điểm hẹn lãnh đạo hai đoàn văn công của bạn để không phải đi lại nhiều, mà còn có thể cùng nhau ăn một bữa cơm mang hương vị bản địa. Rất đúng giờ, bạn có mặt rất hồ hởi và thân thiện. Sau một hồi xã giao, tôi mới biết mình hân hạnh được làm việc với Trung tướng Mao Pholla, Phó Tham mưu trưởng kiêm Cục trưởng Cục Tuyên huấn Bộ Tư lệnh Lục quân đội Hoàng gia và Thượng tướng Min Shothyvan, Trưởng đoàn Văn công Tổng cục Công an Quốc gia - Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia. So với anh Pholla to lớn, bệ vệ thì anh Shothyvan, nhỏ người hơn, nhưng lại rất tình cảm và nói tiếng Anh rất tốt. Hai anh nhận mấy cân trà tôi mang theo làm quà rồi bày tỏ lòng cảm ơn và lịch sự bảo rất thích uống trà Hà Nội.
Tháp tùng hai vị tướng văn hóa - văn nghệ này là chàng nhạc sĩ Duôn Thai và nữ ca sĩ Suôn Chăn Chu. Nhạc sĩ Thai từng lăn lóc khắp các góc phố Hà Nội trong những năm theo học tại Nhạc viện Âm nhạc Quốc gia nên không những nói tiếng Bắc chuẩn không cần chỉnh mà còn “trích” tục ngữ, thành ngữ hợp cảnh, hợp tình. Anh Thai lúc đó đang bận rộn với vai trò là nhạc sĩ chính cho chương trình Cambodia Idol của truyền hình quốc gia Campuchia nhưng vẫn sốt sắng thu âm và tập bài hát mới cho chương trình trong một thời gian rất ngắn. Hôm tổ chức chương trình giao lưu, do quá bận mà không kịp qua chào anh, anh nhắn tin trách khéo “Đạo diễn cơm sôi rồi việc quá đấy” làm tôi vừa buồn cười vừa giật mình vì nhận ra sơ suất.
Nữ ca sĩ Suôn Chăn Chu thì nhỏ nhắn và có gương mặt rất đáng yêu. Chu học thanh nhạc 3 năm tại TP. Hồ Chí Minh và nói tiếng Nam mềm mại. Cô nhận bản nhạc ca khúc Bác Hồ một tình yêu bao la của nhạc sĩ Thuận Yến do tôi mang sang và sau đó chỉ học một ngày đã có thể thu âm. Giọng hát trong trẻo, đầy tình cảm của Chu đã xóa đi sự pha giọng và chệch âm của người nước ngoài khi hát nhạc Việt, nhưng đã mang lại cho khán giả trong hội trường hôm ấy niềm xúc động.
Khi công việc đã ổn, tôi được hai sĩ quan biên phòng Việt Nam và một sĩ quan hiến binh Campuchia “tháp tùng” đi thăm Hoàng cung, Chùa Vàng, Chùa Bạc cùng những danh lam khác. Nhưng điều đem lại cho tôi một cảm xúc khó quên là lúc đứng trước Tượng đài hữu nghị Việt Nam - Campuchia giữa Thủ đô Phnompenh lộng gió và khi thăm ngôi trường - nhà tù Toul Saray - mà bọn PonPot đã làm nơi tra tấn hàng ngàn người dân vô tội vào thời kỳ đen tối đó. Những vết máu bật trên nóc nhà, những chiếc cùm sắt, hòm đạn sắt dùng kìm những bàn tay vô tội để rút móng, tra tấn họ đến chết. Những cuốn sổ ghi lại báo cáo của lính Ponpot báo cáo cấp trên mỗi ngày giết được bao nhiêu người...
Có rất nhiều những ngôi chùa cổ kính rực rỡ nằm giữa các khu dân cư.
Công trình tượng đài được xây bằng bê tông ốp đá grannit, được chính quyền và nhân dân đất nước bạn xây dựng cuối những năm 1970 để kỷ niệm liên minh Việt Nam - Campuchia và tưởng niệm những chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam sang đây làm nhiệm vụ quốc tế, lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ. Tượng đài cao 11 mét, với trọng tâm là khối tạc hình một người lính Campuchia và một anh bộ đội Việt Nam đứng bảo vệ một thiếu phụ. Hai bên có cờ Campuchia và cờ Việt Nam in trên nền đá granit và trên cùng là một cấu kiện mô phỏng hình một ngôi chùa Campuchia. Nơi này lúc nào cũng có hoa tươi và những nén hương còn đỏ lửa. Chăn bảo tôi rằng, du khách Việt Nam mỗi lần đến đây đều thắp hương, ngoài ra còn có nhân dân Phnompenh cũng đến để tưởng nhớ. Người Việt ở Phnompenh chiếm tới hơn 20% trên tổng số 1 triệu người tại đây.
Tranh thủ thời gian, chúng tôi đến Brêckbylia, ngã ba biên giới Lào, Thái Lan và Campuchia. Nơi đây còn rất nghèo, song như anh Tèo nói, đã khá hơn rất nhiều so với trước đây. Thời điểm năm 1978, nước bạn vừa trải qua một cơn binh biến nồi da xáo thịt, đây là một trong những nơi mà hàng nghìn người lính thuộc 9 trung đoàn biên phòng đã kề vai sát cánh cùng lực lượng vũ trang và nhân dân Campuchia đấu tranh chống Khơme Đỏ, xóa bỏ chế độ diệt chủng; giúp bạn bảo vệ chủ quyền biên giới trên các tuyến và giữ cho nụ cười Bayon luôn thanh thản.
Chị Chum Van Na ở thôn Tà Bắp là một trong số hàng chục đứa trẻ được Công an nhân dân vũ trang Việt Nam cứu sống nơi ngã ba biên giới năm ấy hiện vẫn sống sát một ngôi đền cổ thuộc quần thể di tích Ăng Co. Chị bảo có lẽ chị đã không có ngày hôm nay nếu như không có ơn cứu mạng của các chú bộ đội Việt Nam nên gặp người Việt chị rất quý. Chị mang nước ra mời chúng tôi và cả đĩa bánh mà tôi không nhớ tên được làm từ bột gạo và đường thốt nốt. Chị kể rằng, khi ấy, kỷ luật quân đội đối với các chiến sĩ làm nhiệm vụ tình nguyện rất nghiêm ngặt. Không được lấy dù chỉ là cái kim sợi chỉ của nhân dân. Toàn bộ lương thực, thực phẩm cho quân tình nguyện đều được mang từ Việt Nam sang. Mỗi lần đi trinh sát nắm tình hình, các chú bộ đội Việt Nam mang theo lương khô để ăn trưa, dân thôn chị mang sắn luộc ra biếu các chú nhất định không nhận. Các chú bảo, chỉ cho phép mình được hưởng ba thứ của nước bạn, đó là: không khí, nước và củi.
Quay trở về Tây Ninh, ngang đường chúng tôi nhận lời mời vào thăm trụ sở Ty Công an tỉnh Svay Riêng của Thiếu tướng Kâng Khon - Giám đốc Ty Công an. Thiếu tướng nói tiếng Việt khá tốt, thậm chí là có thể đọc được một vài đoạn thơ trong tập trường ca Sa Mộc mà tôi tặng ông. Từ Ty Công an Svay Riêng, Thiếu tướng Kâng Khon chỉ cho tôi thấy dòng Vàm Cỏ Đông đang hiền hòa chảy xuôi, vẫn miệt mài bồi đắp cho sự trù phú để nhân dân hai tỉnh trồng trọt mùa màng, vẫn mang cá tôm nuôi dưỡng con người. Ông bảo, dòng sông là chứng nhân cho tình hữu nghị đoàn kết keo sơn bao đời nay giữa nhân dân hai tỉnh. Biên giới giờ đây không chỉ đổi khác bởi kinh tế xã hội, mà còn trở nên ấm áp hơn bởi tình cảm giữa con người với con người. Người Việt và người Campuchia đùm bọc, chia sẻ với nhau, giúp đỡ nhau vượt qua thiên tai hoạn nạn, cùng nhau xây dựng biên giới bình yên, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Trở lại Tây Ninh, đêm ấy tôi ngủ trong mùi hương nhài thắm đượm và hương cỏ cây tinh khiết mọc xanh um hai bên bờ Vàm Cỏ Đông. Và cảm thấy một Campuchia thật gần gũi biết bao.