Theo thông tin từ Bộ Y tế Campuchia trong 1 ngày qua, Campuchia có thêm 105 trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó trừ một trường hợp nhập cảnh, 104 trường hợp còn lại đều là các ca lây nhiễm trong cộng đồng liên quan đến sự kiện ngày 20/2.
Trường hợp nhập khẩu là một người đàn ông Indonesia 36 tuổi đến Campuchia vào ngày 16 /3. Các trường hợp lây nhiễm cộng đồng gồm cả người Campuchia và người nước ngoài. Tại thủ đô Phnom Penh phát hiện 46 trường hợp, tỉnh Preah Sihanouk phát hiện 34 trường hợp, tỉnh Svay Rieng phát hiện 20 trường hợp, tỉnh Kampong Cham phát hiện 2 trường hợp và tỉnh Prey Veng, tỉnh Tbong Khmum mỗi tỉnh phát hiện 1 trường hợp.
Ngoài ra, Campuchia cũng báo cáo có thêm 4 trường hợp đã khỏi bệnh. Cho đến nay, Campuchia đã ghi nhận 2.378 trường hợp dương tính với COVID-19, 1.191 trường hợp đang được điều trị và 10 trường hợp tử vong.
Thủ tướng Hun Sen đã thông qua kế hoạch đẩy nhanh quá trình tiêm phòng COVID-19 trong toàn dân. Theo kế hoạch, Campuchia sẽ tiêm khoảng 1 triệu liều vắc xin COVID-19 mỗi tháng.
Người dân xếp hàng cung cấp thông tin trước khi tiến hành xét nghiệm COVID-19
Thời gian qua, Campuchia đã triển khai tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho khoảng hơn 200.000 người. Hiện Campuchia đang đàm phán mua thêm vắc xin từ các nước Mỹ, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc… để hướng tới mục tiêu tiêm cho khoảng 80% dân số.
Không mua vắc xin bên ngoài các chương trình tiêm chủng do chính phủ điều hành
Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi các chính phủ bao gồm Campuchia đảm bảo việc hủy hoặc tiêu hủy các lọ vắc xin đã sử dụng để ngăn chặn các nhóm tội phạm tái sử dụng lại các lọ vắc xin để làm giả vắc xin COVID-19 giả được ghi nhận ở một số quốc gia.
Tổng Giám đốc WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo: “Một số sản phẩm giả đang được bán dưới dạng vắc xin trên internet, đặc biệt là trên các trang web đen và chúng tôi đã nhận được các các báo cáo về việc tái sử dụng các lọ vắc-xin rỗng. Chúng tôi kêu gọi tất cả mọi người không mua vắc-xin bên ngoài các chương trình tiêm chủng do chính phủ điều hành”.
Điều cần thiết là lập bản đồ các mối đe dọa toàn cầu và bảo vệ niềm tin của người dân đối với vắc xin. Bất kỳ loại vắc xin nào được mua bên ngoài các chương trình này đều có thể không đạt tiêu chuẩn hoặc bị làm giả với khả năng gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe. “Điều quan trọng mọi người cần lưu ý là bất kỳ tác hại nào do sản phẩm giả gây ra không phản ánh tính an toàn của vắc xin chính hãng ”, Tiến sĩ Ghebreyesus giải thích.
Vào ngày 24/ 3, Phó giám đốc Cảnh sát Quốc gia Tướng Dy Vichea đã tham dự một cuộc họp trực tuyến với những người đồng cấp và các cơ quan quốc tế khác về việc truy quét bọn tội phạm đứng sau nguồn cung cấp COVID-19 giả hay các chất diệt khuẩn trong bối cảnh đại dịch. Mặc dù ông không đề cập đến việc có bất kỳ vắc xin giả nào được phát hiện ở Campuchia hay không, nhưng ông đảm bảo việc này sẽ được giám sát chặt chẽ.
Tổng thư ký Interpol Jürgen Stock cho biết ngay từ đầu của đại dịch, bọn tội phạm đã nhằm vào nỗi sợ hãi của người dân với mục đích kiếm tiền nhanh chóng từ dịch bệnh.
Interpol nhấn mạnh rằng lừa đảo trực tuyến, đặc biệt là giao dịch mua bán vắc xin là một xu hướng mới nổi, trong đó tội phạm mạng đang dựa trên các trang web bất hợp pháp tự xưng là tổ chức, quốc gia hợp pháp để cung cấp đơn đặt hàng vắc xin ngừa COVID-19. Để giao dịch, các trang web này thường sử dụng thanh toán bằng Bitcoin và các hình thức thanh toán trực tuyến khác.
“Vắc xin giả là trò lừa đảo mới nhất trong thời gian gần đây. Các mạng lưới đằng sau những tội ác này có quy mô toàn cầu. Không quốc gia hay khu vực nào có thể một mình chống lại loại tội phạm này. Interpol đang nỗ lực cùng các cơ quan thực thi pháp luật trên toàn thế giới xác định các mạng lưới tội phạm và triệt phá chúng ” ông Stock nói thêm.