Cảm xúc xuân bệnh viện...

13-01-2018 8:51 AM | Y tế

SKĐS - Bệnh viện những ngày này khá yên bình. Tiết trời lạnh, thứ mưa phùn nặng hạt làm không khí như đặc quánh.

Thành phố như chìm trong hơi nước. Hoa lá lặng yên thưởng thức nước mưa - thứ sẽ làm chúng rực rỡ vào những ngày nắng sắp đến.

Bệnh viện nơi tôi làm việc đã ở tuổi 100. Người Pháp nặn hình hài đầu tiên bằng nhà thương Mắt phố Hàng Gà. Dốc Bà Triệu ngày nay ít người biết là ngày xửa ngày xưa có tên dốc Hàng Gà. Xứ Bắc Kỳ dưới chế độ thực dân bị bệnh mắt hột hoành hành ghê gớm, thêm nữa là sởi, lậu, giang mai chạy vào mắt, khô mắt do thiếu vitamin A… Toàn những thứ khổ ải, khốn cùng của những người nghèo, kém được chăm sóc y tế. Giám đốc là bác sĩ người Pháp, vài y sĩ người bản xứ giúp việc. Công việc chính là “đánh” mắt hột, mổ quặm, thuốc men chủ yếu là thuốc đỏ, argyrol, mỡ tétracycline. Mỗi năm khám chữa bệnh cho khoảng 10.000 người - con số bằng hiện nay khám chữa trong một tuần.

Đô thị hóa, sang sửa đã xóa gần như toàn bộ những nét xưa. Có chăng chỉ là những khung cửa gỗ lim sơn xanh rất Pháp, tay nắm cầu thang đen bóng với thời gian, cây dừa cảnh và bụi long não tôi đứng cạnh chụp ảnh hồi bé. Cây gạo, cây muỗm, hàng dừa, khóm đào phai đã chẳng còn. Khoảnh sân GS. Nguyễn Xuân Nguyên hay đỗ xe rồi chống ba-toong đi vào phòng làm việc đã xếp đầy xe máy. Lúc đó còn là trẻ con tôi sợ giáo sư lắm, thấy ông là tôi chạy biến nhưng người lái xe cho ông là bác Mạc lại hiền từ và đáng yêu vô cùng. Khi rỗi việc ông lại vẫy tôi lên chiếc xe ôtô Maxcovic cho đi chơi vài vòng. Cả ông và GS. Nguyên nữa chắc không ai nghĩ là chú bé con ngày ấy đã là bác sĩ của bệnh viện, cũng đã bước sang tuổi 50, đang đau đáu nhớ họ, về ngày xưa đã mất đi vĩnh viễn.

Chợ hoa xuân xuống phố.

Chợ hoa xuân xuống phố.

Bệnh viện ngày nay như những chiếc hộp cắm thẳng lên trời xanh chứa 600 nhân viên, 500 giường bệnh với bao nhiêu phòng ốc, máy móc. Một ngày có hơn 1.000 người đến khám, khoảng 100 ca mổ các loại diễn ra. Chẳng ai có thể tưởng tượng được máy móc, phương tiện đã biến hóa ra sao chỉ trong vòng 30 năm. Kiến thức từ ngày mới vào nghề chỉ là cuốn Nhãn khoa tập 1, tập 2 nay đã trở nên vô tận… ở thư viện, trên mạng, tạp chí online, Ebooks. Pho sách sống, cuốn từ điển sống như các thầy ngày xưa ngày càng ít dần, thay vào đó chỉ cần một đêm mày mò trên mạng bạn có thể trở thành “chuyên gia” về bệnh lý nào đó…

Diệu vợi quá. Không sao, vì mỗi giáo sư, mỗi thầy ra đi đều để lại những tấm gương về sự chăm chỉ, phấn đấu học hành, về y đức, sự liêm khiết, tình yêu lớn lao với bệnh nhân, với ngành. Thầy Tân với giọng lơ lớ như người nước ngoài giảng cho chúng tôi thế nào là hột, thế nào là nhú viêm. Thầy Tiến trong căn phòng chật hẹp chỉ có một quạt trần, ly nước chanh không đá hùng biện về bệnh lác, đến bây giờ vẫn khó quá thầy ơi! Rồi ai nữa, ai đây sẽ như lá rụng về cội. Thương lắm, nuối tiếc mà chẳng thể làm gì.

Hôm qua tôi nhận được cú phone buồn rười rượi của một bệnh nhân bị bệnh võng mạc sắc tố: Bác ơi khoa học đã có gì mới chưa? Cháu gần mù mất rồi. Chợt nghĩ, bố tôi cũng đã nằm bẹp 2 tháng nay vì COPD, ông chú ở quê ung thư đường mật với đôi mắt vàng khè và cái bụng trướng như cóc. Tất cả làm tôi mất đi nhiều năng lượng sống mặc dù tôi còn khỏe. Boong-boong - có tin nhắn đến vào cuối chiều: Chồng cô bạn cấp III ra đi vì ung thư thực quản, cả lớp tập trung chuẩn bị đi viếng. Nỗi buồn nặng trĩu làm tôi đi trên đường mà như trôi trên mây…

Một gánh hoa họa mi trắng đằng trước xe tôi, thêm cả cúc vàng và hoa ly nữa. Xuân sắp xuống phố. Xuân chỉ vui khi nhân gian khỏe mạnh, đừng ai ốm đau chết chóc. Mọi người cùng cầu chúc, cùng hành động vì mình, vì những người xung quanh ta thì bất hạnh sẽ bớt đi nhiều! Tôi thầm nghĩ.


BS. Hoàng Cương (Bệnh viện Mắt Trung ương)
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH