Cảm xúc sau ngày 27/2: Thầy thuốc như mẹ hiền

01-03-2019 09:21 | Y tế
google news

SKĐS - Ngày 27/2 nào cũng được nghe và tặng câu chúc “Thầy thuốc như mẹ hiền”. Và năm nay cũng thế, tôi và đồng nghiệp cũng nhận được vô vàn lời chúc này tuy nhiên tôi lại có những niềm tâm tư khác lạ.

Dòng cảm xúc sau ngày 27/2 này là của Tiến sĩ. Bác sĩ Nguyễn Hoàng Đức, Trưởng khoa Tiết niệu, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM.

BS Đức viết; Ý của Cụ khi viết câu Thầy thuốc như mẹ hiền đơn giản muốn nói bác sĩ đối với bệnh nhân nên chăm sóc yêu thương như mẹ với con. Nhưng xã hội lại vin vào câu nói này để bắt các bác sĩ Việt Nam trở thành người mẹ siêu phàm, một một người mẹ không bao giờ được la mắng con, không bao giờ được làm con phật lòng, luôn luôn phải tuân theo lời con và thậm chí nghe con chửi mắng cũng phải cười dịu dàng, một người mẹ không bao giờ được sai sót, một người mẹ phải luôn tỉnh táo làm việc quần quật 24/7 với một đồng lương ít ỏi.

Xin cho phép người bác sĩ được là một công dân bình thường, một người mẹ bình thường không phải là mẹ siêu nhân, như tỷ tỷ người mẹ bình thường khác trong xã hội. Đừng khoác lên mình họ cái áo choàng  siêu nhiên với mỹ từ mẹ đó để làm khổ họ.

Tiến sĩ. Bác sĩ Nguyễn Hoàng Đức, Trưởng khoa Tiết niệu, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM cùng đồng nghiệp hội chẩn kết quả CT của bệnh nhân.

Bản thân tôi, chắc cũng như biết bao bác sĩ trên toàn thế giới, đều cố gắng làm hết sức mình cho bệnh nhân vì sự tự trọng của bản thân và vì một “lời nguyền” của người làm nghề Y đó là câu “nhất thế Y tam thế suy”. Làm việc tốt cứu người để đem lại phúc lộc cho con cái.

Cá nhân tôi nghĩ, không nghề nghiệp nào mà không cần một người mẹ  trong trái tim khi làm việc, từ người lao động chân tay đến tri thức, lãnh đạo đều cần đạo đức của người mẹ trong công việc.  Vì đạo đức nghề nghiệp là những chân giá trị mà những người lao động trong nghề phải tuân theo và hướng tới trong hoạt động nghề nghiệp của mình.

Mỗi nghề trong xã hội đều có những chân giá trị riêng. Đạo đức nghề nghiệp bao gồm các yếu tố như: việc tuân thủ quy chế, quy trình, quy định, mức độ trung thực, khách quan, công bằng khi hoạt động nghề nghiệp, năng lực chuyên môn, tính chuyên nghiệp, sự đam mê trong công việc và mối quan hệ với đồng nghiệp. Các yếu tố này là các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Khi con người tuân thủ các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, họ sẽ nhận ra được giá trị của nó.

Đó là niềm đam mê, tình yêu nghề, xây dựng được uy tín trong nghề và hơn hết, họ sẽ biết cách điều chỉnh cho phù hợp giữa công việc và gia đình, giữalợi ích cá nhân và lợi ích xã hội, giữa hạnh phúc của bản thân với hạnh phúc của người khác và của xã hội để đạt đến thành công trong hoạt động nghề nghiệp.

Vì vậy, đừng nói rằng bác sĩ liên quan đến sinh mạng con người nên phải là mẹ. Xin thưa, ngành nghề nào cũng cần phải cần phải có đạo đức mới có thể phát triển và thành công được.

Nếu muốn một con người làm mẹ hiền trong bất cứ công việc gì thì con người đó phải có đạo đức, được dạy dỗ từ nhỏ.  Đối với ngành y cũng vậy, ở trường y có thể dạy kiến thức về y học, nhưng đức ở mỗi con người là do gia đình, do cả xã hội nuôi dưỡng,bồi đắp nên chứ không phải do mỗi trường y dạy .

Tôi nhớ một lần, một người quen đi chữa bệnh tại Singapore tâm sự “sao nhân viên y tế bên đó họ tử tế nhẹ nhàng quá”. Tôi trả lời “Chú ơi, họ đã được dạy tử tế nhẹ nhàng từ khi 3 tuổi. Đến khi làm việc thì họ lại tiếp tục đem cái tử tế nhẹ nhàng, đã thấm vào máu thịt, để phục vụ xã hội”. Ông cười buồn im lặng.

Vậy, muốn có một mẹ hiền thì chắc chắn xã hội phải tạo ra một trẻ em thánh thiện như mẹ hiền đã. BS Đức nhấn mạnh.


Lê Hà
Ý kiến của bạn