Hà Nội

Cảm xúc mùa thu

02-09-2016 07:55 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Mùa thu. Mùa của hoa cúc, mà đặc biệt là cúc vàng đại đóa. Mùa của những tán lá đỏ au để hong gió vào đông.

Mùa thu. Mùa của hoa cúc, mà đặc biệt là cúc vàng đại đóa. Mùa của những tán lá đỏ au để hong gió vào đông. Mùa của tình yêu và giao cảm. Mùa của niềm vui, nỗi buồn tan chảy trong những giọt mưa thu lặng lẽ gõ nhịp mái ngói cổ rêu phong. Mùa của âm nhạc, thi ca, hội họa. Những buổi tối mùa thu, mưa rắc bụi, đan nhẹ kín trời. Trong ánh sáng đèn nhiều màu, lung linh huyền ảo, khi hai cánh màn nhung thắm đỏ từ từ mở, trong nền âm nhạc thực và ảo, cụ thể và trừu tượng, hữu hình và vô hình, khán giả như ngừng thở - âm nhạc đã làm cho mọi người như cùng lên đồng nhập cuộc - và bắt đầu những cảm xúc kỳ lạ của nhịp mở những thanh âm.

Vâng. Sân khấu là nghệ thuật tổng hòa từ kịch bản, đạo diễn, hội họa, âm nhạc, múa, để tạo nên một tổng thể sáng tạo của người nghệ sĩ biểu diễn. Ta khoan hãy nói đến trong tổng thể nghệ thuật ấy, loại hình nào là quan trọng hơn, bởi, chỉ thiếu đi một trong những yếu tố đó thôi, sân khấu chắc sẽ mất đi tính hoàn thiện, tuyệt vời của nó. Nhưng ta chỉ hãy thử tưởng tượng xem, nếu không có âm nhạc, có lẽ sân khấu sẽ chết trong im lặng một cách đau đớn đến nhường nào?

Đó là trong một lớp kịch nói, khi người diễn viên im lặng, thì âm nhạc cất lên - có thể là một đoạn nhạc không lời, có thể là một ca khúc tình yêu - để diễn tả một cái gì đó, thuộc về rung động của trái tim, tâm hồn, cảm xúc, sự đau khổ tột cùng hay khát vọng cao cả của con người, luôn vươn tới một cuộc sống hạnh phúc, công bằng và tốt đẹp.

Đó là trong một vở opéra, người nghệ sĩ nói hoặc hát lên thành lời trong nền của âm nhạc, và những thanh âm diệu kỳ kia đã bay lên như có cánh, như cụ thể hóa sự tưởng tượng phong phú biết bao của đời sống nội tâm con người.

Đó là nghệ thuật tuồng và chèo, hai viên ngọc quý tuyệt vời của ông cha ta để lại từ nhiều thế kỷ nay và sống bất tử trong kho tàng văn hóa chung của loài người. Ta hãy lắng nghe tiếng dìu dặt cô đơn của đàn bầu, thanh âm đầy cảm xúc của đàn nguyệt, tiếng vút lên trầm bổng của sáo trúc, rồi nhị, rồi đáy, rồi hồ, rồi những t’rưng và k’lông pút... rồi những nhịp phách, trống của bộ gõ, cứ thế vang lên, vang lên mãi như không bao giờ dứt...

Chúng ta đã đi qua 15 năm đầu của thế kỷ XXI. Khoa học kỹ thuật đã hiện đại hóa sân khấu với tất cả những trang thiết bị tối tân nhất, với các ban nhạc lừng danh thế giới, mà mỗi lần đi biểu diễn, họ phải vận chuyển hàng tấn máy móc để phục vụ cho âm thanh, ánh sáng, với hàng trăm, ngàn ngọn đèn rực rỡ có thể đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu về chất lượng nghệ thuật. Nhưng ngay tự ngàn xưa, ông cha ta đã nhẩy múa, hội hè, tế lễ trước thần linh dưới ánh lửa bùng cháy, và cùng với các động tác trong lao động, con người đã bật lên tiếng hát “dô hò dô khoan” trong nhịp chèo thuyền trên sông nước. Vậy là sau khi nói, con người đã hát, và phải chăng, cái nhịp gõ vào mạn thuyền, cái nhịp vỗ tay, đã tạo đà cho âm nhạc xuất hiện trong đời sống nguyên thủy của con người...

Mùa thu. Mùa thu của Cách mạng. Ngày 19 tháng 8 năm 1945, Tổng khởi nghĩa thành công. Dân tộc Việt Nam đã phá bỏ xiềng xích, đứng dậy làm người! Và ngày mùng 2 tháng 9 năm 1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập - khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa!


Lê Huy Quang
Ý kiến của bạn