Cảm xúc của người bệnh trước thềm Lễ hội Xuân Hồng lần X - 2017

15-02-2017 20:43 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Qua 9 năm tổ chức, Lễ hội Xuân hồng đã trở thành niềm mong đợi của hàng nghìn người bệnh. Sự kiện đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các bạn trẻ, sự sẻ chia của cả cộng đồng và đặc biệt hơn là sự hưởng ứng của những người bệnh, chính họ đã nhiều lần trải qua sự đau đớn, mệt mỏi vì không có máu để truyền.

 

Qua 9 năm tổ chức, Lễ hội Xuân hồng đã trở thành niềm mong đợi của hàng nghìn người bệnh. Sự kiện đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các bạn trẻ, sự sẻ chia của cả cộng đồng và đặc biệt hơn là sự hưởng ứng của những người bệnh, chính họ đã nhiều lần trải qua sự đau đớn, mệt mỏi vì không có máu để truyền. Hơn ai hết, họ cảm nhận được tầm quan trọng của những đơn vị máu và tình trạng thiếu máu điều trị, đặc biệt là dịp sau Tết Nguyên đán và họ thật sự vui mừng, chào đón và hy vọng vào một mùa Lễ hội Xuân hồng thành công, tiếp nhận thật nhiều đơn vị máu để mang đến sự sống, sinh mệnh cho hàng ngàn người bệnh đang từng ngày, từng giờ khắc khoải chờ đợi sự yêu thương, giúp sức của cả cộng đồng.

Lúc nào còn đi được thì còn tham gia Lễ hội Xuân Hồng

Anh Đinh Đức Thiện là một bệnh nhân Hemophilia (rối loạn đông máu di truyền) đã từng tham gia cả 9 kỳ Lễ hội Xuân Hồng và đang sẵn sàng đến với Lễ hội Xuân Hồng lần thứ 10 - 2017. Chính bản thân anh Đinh Đức Thiện đã trải qua những cái Tết phải chờ đợi để được truyền chế phẩm máu. Anh vẫn còn nhớ những năm trước đây, cứ vào dịp Tết lại xảy ra tình trạng thiếu máu rất trầm trọng. Anh hồi tưởng lại: "Có năm, ngày 29 Tết tôi bị ngã phải nhập viện mà phải chờ 2 - 3 ngày mới có chế phẩm máu để truyền. Những lúc đó, tôi cứ quằn quại vì đau, cứ nằm chờ đợi mong sao không thiếu máu”.

Bạn Đinh Đức Thiện (đứng thứ 2, hàng từ phải sang) tại gian trại của Hội Hemophilia trong Lễ Hội Xuân Hồng

 

Đối với anh, Lễ hội Xuân Hồng là một hoạt động có rất nhiều ý nghĩa, bởi Lễ hội Xuân Hồng "đã cứu sống rất nhiều bệnh nhân ở hàng trăm bệnh viện khắp miền Bắc”. Là một người bệnh Hemophilia, một va chạm nhẹ cũng có thể khiến anh bị tổn thương do máu chảy không cầm được, việc bị đau chân, thậm chí phải ngồi xe lăn rất thường xuyên, nhưng anh luôn tự hứa với mình "Lúc nào mình còn đi được, còn khỏe mạnh thì còn tham gia Lễ hội Xuân Hồng”.

Giá một năm có 2-3 Lễ hội Xuân Hồng

Chị Phạm Thị Thoan từ khi sinh ra đã mang trong mình bệnh Tan máu bẩm sinh, mỗi tháng chị đều phải truyền máu ít nhất 2 lần và đến giờ chị không nhớ nổi mình đã được truyền bao nhiêu đơn vị máu. Chị rất háo hức, chờ đợi được tham gia Lễ hội Xuân Hồng và chị mong ước: "Giá một năm có thể tổ chức 2-3 Lễ hội Xuân Hồng thì tốt biết bao”.

Trước đây, chị đã trải qua rất nhiều lần thiếu máu trong dịp Tết, phải chờ đợi hàng tuần, cơ thể mỗi lúc càng mệt mỏi, yếu ớt nhưng vì chỉ có một mình nằm viện nên chị vẫn phải cố gượng dậy để tự chăm lo cho mình. Có khi mỗi người bệnh lại phải "chia nhau” từng bịch máu, chỉ được truyền một bịch máu trong khi phải cần đến 2-3 đơn vị. Đối với chị: "Đủ máu để truyền là điều hạnh phúc nhất” và Lễ hội Xuân Hồng thực sự đã đem đến màu "hồng” hạnh phúc cho mùa xuân của những người bệnh suốt cuộc đời phải gắn với truyền máu như chị.

Bạn Phạm Thị Thoan (đứng đầu tiên bên trái, hàng thứ nhất)

Sau 3 năm được đến với Lễ hội Xuân Hồng để trực tiếp tuyên truyền với người hiến máu về căn bệnh của mình, chị rất hạnh phúc khi được chứng kiến hàng nghìn người xếp hàng chờ hiến máu. Chị chia sẻ: "Trong cuộc đời, thứ ý nghĩa nhất đối với em là những giọt máu. Em vô cùng biết ơn những người hiến máu đã sẵn sàng chia sẻ máu thịt của mình để ban tặng cho chúng em cuộc sống”.

Đây chỉ là hai trong số rất nhiều những bệnh nhân mắc những căn bệnh về máu, thường xuyên cần máu để điều trị và họ cảm nhận được niềm hạnh phúc, sự ấm áp từ Lễ hội Xuân Hồng. Những giọt máu ấm áp nghĩa tình của cả cộng đồng đang hòa chung cùng một dòng chảy để mang lại sự sống cho những người bệnh.

 

Xuân Hồng đã trở thành một ngày hội văn hóa, mang đậm giá trị nhân văn cao cả, nơi những trái tim nhân ái chạm vào lòng yêu thương giữa con người với con người, lan tỏa khắp các tỉnh thành, được người dân cả nước tham gia và hưởng ứng. Năm 2017, Lễ hội bước sang tuổi thứ 10 đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt trong phong trào tuyên truyền, vận động người tham gia hiến máu và công tác tổ chức tiếp nhận máu.

 


Trương Hằng - Công Thắng
Ý kiến của bạn