Cấm xe máy vào nội đô, khó hay dễ?

13-03-2019 07:06 | Xã hội
google news

SKĐS - Mới đây, HĐND thành phố Hà Nội vừa thông qua đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030”.

Theo đó, thành phố sẽ hạn chế tiến tới dừng  hoạt động  của phương tiên xe máy trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030. Việc này đang vấp phải làn sóng dư luận người dân trong những ngày vừa qua.

Khó nhất là thay đổi thói quen của người dân

Theo ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội chia sẻ, một trong những điều kiện quan trọng để dừng xe máy trong khu vực nội đô là phải phát triển các loại hình vận tải công cộng để thay thế đảm bảo phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Theo đó, thành phố sẽ hạn chế và tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030. Việc thực hiện từ nay đến năm 2030, như vậy Hà Nội còn 11 năm để thực hiện lộ trình, từng bước hạn chế phương tiện này và xây dựng hệ thống giao thông công cộng đồng bộ, đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân, ông Viện chia sẻ.

Hơn 90% người dân đồng ý cấm xe máy vào nội đô.

Hơn 90% người dân đồng ý cấm xe máy vào nội đô.

Nghị quyết của HĐND Thành phố Hà Nội đã đưa ra nguyên tắc hạn chế phương tiện cá nhân tại các tuyến phố có đủ điều kiện. Vì vậy, không phải là đợi đến năm 2030 là hạn chế tiến tới cấm đồng loạt xe máy tại nội thành mà căn cứ vào lộ trình của đề án, tuyến phố nào đủ điều kiện thì sẽ hạn chế phương tiện cá nhân.

Ông Viện cho rằng thay đổi thói quen, lối sống của người dân là khó khăn nhất khi thực hiện đề án hạn chế tiến tới cấm xe máy vào nội đô. Do đó, trước mắt Hà Nội sẽ thực hiện hạn chế xe máy ở 1 trong 2 tuyến phố Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi và nghiên cứu phương án dừng đăng ký xe máy mới trong nội thành nhằm thực hiện đề án kiểm soát phương tiện cá nhân trong nội đô vào năm 2030. Vì vậy, không phải là đợi đến năm 2030 là cấm đồng loạt xe máy tại nội thành mà căn cứ vào lộ trình của đề án, tuyến phố nào đủ điều kiện thì sẽ hạn chế phương tiện cá nhân, ví dụ như khu vực phố đi bộ hiện nay.

Khó hay dễ?

Từ lâu, Hà Nội đã tính đến các giải pháp giảm phương tiện cá nhân trong nội đô nhưng chưa thực sự đi vào cuộc sống. Số lượng phương tiện vẫn gia tăng chóng mặt nên nếu không có biện pháp hữu hiệu thì tình trạng ùn tắc giao thông ở Thủ đô sẽ ngày càng trầm trọng

Cũng theo ông Vũ Văn Viện, hiện nay Hà Nội có khoảng 6 triệu ôtô, xe máy và khoảng 2 triệu phương tiện vãng lai gây áp lực lớn đến giao thông, môi trường và cần phải được kiểm soát. Một trong những cách giải bài toán này là thúc đẩy sự phát triển của giao thông công cộng. Hiện, khu vực trung tâm của Hà Nội không thiếu phương tiện giao thông công cộng, một số tuyến phố đã đủ điều kiện về hạ tầng, tuy nhiên người dân vẫn có thói quen đi xe máy.

Vì vậy, theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, mong muốn song hành với đầu tư cho vận tải hành khách công cộng cũng cần có biện pháp hạn chế xe máy để người dân chuyển sang phương tiện công cộng. Bên cạnh việc hạn chế xe máy, ôtô cá nhân trên một số tuyến phố, Hà Nội cũng đang cân nhắc nghiên cứu phương án dừng đăng ký xe máy tại nội thành.

Ông Viện cho rằng, nguyên nhân được các cơ quan đơn vị nghiên cứu cho rằng tình hình tắc đường hiện nay một phần lớn là do người đi xe máy. Khi cấm xe máy, người dân chuyển qua đi xe buýt (tương lai là tàu điện). Tất nhiên để thay đổi được thói quen, lối sống của người dân là khó khăn nhất, không phải ngày một ngày hai. “Theo đó, lộ trình này có thời gian tương đối dài để các doanh nghiệp, mọi tầng lớp nhân dân từng bước thay đổi thói quen đi lại của mình, để đến năm 2030 Hà Nội sẽ đủ điều kiện dừng hoạt động xe máy đi vào khu vực nội đô,” ông Viện nhấn mạnh.

Thành phố Hà Nội chủ trương sẽ đi trước một bước, sẽ điều tra trên cơ sở thực trạng này sẽ có chính sách phù hợp, báo cáo Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải để đưa ra những quy định. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ người dân trong quá trình chuyển đổi, Sở Giao thông Vận tải sẽ tham mưu cho UBND thành phố để triển khai trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu quản lý chặt chẽ hơn số lượng cũng như chất lượng không những chỉ ô tô mà với cả xe máy, ông Viện cho biết.


Lâm Viên
Ý kiến của bạn