Cấm xe máy vào nội đô: Đã có lộ trình nhưng vẫn còn nhiều điểm nút

28-08-2017 07:32 | Thời sự

SKĐS - Liên quan đến việc dư luận quan tâm gần đây là sẽ cấm xe máy tại nội đô vào năm 2030, sau khi HĐND TP. Hà Nội thông qua đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017 - 2020,

tầm nhìn 2030” tháng 7 vừa qua, mới đây, UBND TP đã ban hành quyết định phê duyệt đề án này. Trên cơ sở đề án, Hà Nội sẽ phân công các ban ngành triển khai theo từng giai đoạn. Giai đoạn 2017 - 2018, tập trung quản lý phương tiện giao thông, tăng cường quản lý nhà nước. 2017 - 2020, tập trung quản lý số lượng, chất lượng phương tiện giao thông và phát triển vận tải công cộng. Áp dụng giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân theo ngày chẵn, lẻ đối với những khu vực, tuyến phố ùn tắc thường xuyên, nghiêm trọng. Giai đoạn 2017 - 2030, Hà Nội từng bước hạn chế hoạt động trên một số khu vực và thời gian, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để dừng hoạt động xe máy ở các quận vào năm 2030.

Trước đó, xung quanh việc cấm dừng xe máy, một trong những câu hỏi dư luận đặt ra là cấm xe máy thì người dân đi phương tiện gì?

Một số ý kiến  chuyên gia giao thông cho rằng, về lý thuyết, cấm xe máy phải có giao thông công cộng thay thế. Tuy nhiên hiện nay, các điểm nút giao thông công cộng, nhà chờ xe buýt trên địa bàn thành phố phân bố rất xa nơi người dân ở, trong khi thói quen đi bộ của người dân (người già dưới 1km, người trẻ khoảng 200m) khác với người phương Tây (khoảng 2km). Thành phố cần phải đưa ra các giải pháp tập trung phát triển giao thông công cộng sau đó mới đề cập đến hạn chế xe cá nhân, tiến tới cấm xe máy. Kế hoạch dừng hoạt động xe máy tại nội thành cần gắn với sự phát triển của giao thông công cộng đến mức nào, gắn với kết quả đạt được về hạ tầng giao thông.

Có thể nói, lộ trình cấm xe máy trong thời gian tới đã được thông qua và nhiều ý kiến đồng tình với đề án, song dư luận cho rằng, việc thực hiện lộ trình hạn chế xe máy tiến tới dừng hoạt động của xe máy trong nội đô từ năm 2030 cần xác định hạn chế xe máy gắn với phạm vi theo kết cấu hạ tầng giao thông hơn là theo địa giới hành chính. Ngoài ra, quản lý phạm vi hoạt động của phương tiện phải gắn với phát triển vận tải hành khách công cộng để thay thế phương tiện cá nhân khi đề án được thông qua. Hệ thống vận tải công cộng cần phù hợp và thuận lợi đối với người dân trong tiếp cận. Bên cạnh đó, khi thực hiện đề án, thành phố nên bổ sung đề án khác tại sở, ngành hỗ trợ cho đề án như thay đổi giờ học, giờ làm cần sự đồng bộ; cần bổ sung thêm giải pháp nâng cao ý thức cho người dân; bổ sung giải pháp xử lý xe vi phạm không có người đến nhận… Cùng với đó, một số ý kiến cho rằng, thành phố nên ưu tiên xây dựng thành phố thông minh. Cụ thể, áp dụng hình thức quản lý giao thông bằng hệ thống camera giao thông. Nên đưa vào đề án nội dung quy định về gia thông thủy nội địa, nếu triển khai được giao thông nội địa thì gánh nặng giao thông đường bộ sẽ được san sẻ.


Nguyễn Minh
Ý kiến của bạn
Tags: