Gia đình hay cơ quan đều có những quy ước, nội quy và quốc gia hay quốc tế cũng có những điều luật cấm được thỏa thuận giữa các thành viên để vì trật tự và sự phát triển. Làm trái điều cấm thì bị phạt theo những hình thức và mức độ khác nhau. Chuyện không có gì để bàn.
Nhưng chuyện đáng bàn ở ta là việc cấm và phạt hình như hơi tùy tiện tới mức lạm phát.
Trước hết là chuyện cấm nhiều khi không bắt đầu từ tác hại của sự việc bị cấm mà do không quản được thì cấm là… tiện nhất!
Bên cạnh đó, chuyện cấm dù dưới hình thức luật, quy định hay nội quy cũng đều phải có sự giám sát và xử lý vi phạm thì lệnh cấm mới nghiêm và thật sự đi vào cuộc sống. Những lệnh cấm như không dùng điện thoại ở trạm xăng, không hút thuốc lá nơi công cộng, cưới không quá 30 mâm, đám tang không quá 7 vòng hoa và quan tài không có ô kính đều khó khả thi, trở nên hình thức vì không có lực lượng và chế tài xử phạt.
TP.HCM đang có đề xuất xử phạt phương tiện giao thông như khóa bánh xe, cẩu xe hoặc phạt qua camera sau khi có lệnh cấm đỗ trái phép dưới lòng đường. Cấm là đúng và phải phạt người vi phạm lại càng đúng. Thế nhưng dù ai cũng biết là đúng, song làm cho đúng lại là bài toán không có đáp số khi diện tích bãi đỗ xe trong thành phố không thể đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của người dân.
Những điều cấm là cần thiết, tuy nhiên, bên cạnh việc cấm thì chuyện quản lý đô thị, đáp ứng nhu cầu của dân càng cần thiết hơn để rồi cuộc sống càng ít lệnh cấm càng tốt vì suy cho cùng, mọi lệnh cấm cũng là mong ước của dân muốn xã hội không có những chuyện phải cấm như thế.
Chuyện phạt là tất yếu nằm trong cấm nhưng phạt thế nào cũng là chuyện đáng bàn. Như chuyện vi phạm giao thông, có quan niệm “phạt thật nặng” như một giải pháp mạnh để lập lại trật tự giao thông. Đã có lúc CSGT được (hay bị) “khoán phạt” khiến chuyện phạt bị mất tác dụng giáo dục đã vô tình thành chuyện thu tiền làm dân không tâm phục khẩu phục. Biện pháp mạnh như “giam xe” với tiền phạt, tiền lưu giữ nhiều khi xấp xỉ trị giá chiếc xe khiến người vi phạm bỏ của làm nhiều điểm giam xe trở thành kho sắt vụn là một sự lãng phí lớn vì tài sản của dân cũng là của cải trong xã hội. Rất mừng là gần đây, Bộ Công an đã có lệnh không giữ xe khi vi phạm với lỗi dưới 200 ngàn đồng kể cả nhiều lỗi cùng lúc mà mỗi lỗi không quá mức phạt 200 ngàn đồng. Chuyện phạt cũng không được tùy tiện, dễ gây lạm quyền và Bộ Công an mới có thông tư quy định cảnh sát nào được dừng xe kiểm tra, xử phạt rất được dư luận đồng tình và hoan nghênh.
Phạt phải nghiêm theo tinh thần thượng tôn pháp luật nhưng không thể máy móc. Người cố tình vượt đèn đỏ, đi vào đường một chiều phải bị phạt nhưng người ở quê ra thành phố lần đầu không biết hoặc ai đó đang có chuyện lo lắng và CSGT hiểu được qua cảm nhận của một con người với đồng loại có thể chỉ bị nhắc nhở chắc chắn hình ảnh CSGT sẽ đẹp hơn trong mắt dân. Kể cả chuyện pháp đình, vi phạm pháp luật phải bị trừng trị nghiêm minh nhưng chuyện vô tình nhiều khi cần được nương nhẹ hơn. Tôi bị ám ảnh mãi phiên toà xử 2 anh em lái đò làm đắm thuyền chết người nhưng gia đình nạn nhân xin tha cho bị can, thậm chí còn “tiếp tế” nước, cơm nếp cho bị can ngay tại tòa vì hiểu bị can vô tình, cùng cảnh nghèo trong làng và đang ân hận cùng cực. Nếu tòa bỏ qua khung hình phạt mà cảnh cáo hoặc tuyên án treo thôi chắc cũng không ai cho là luật không nghiêm và tình làng nghĩa xóm chắc đậm đà hơn, bị can có điều kiện thực hiện hành động cụ thể hối lỗi với gia đình nạn nhân nhiều hơn.
Cấm và phạt không thể thiếu trong đời sống xã hội nhưng nếu hoàn cảnh, điều kiện sinh ra điều cần cấm càng bị hạn chế làm ít điều cấm hơn là mong ước của xã hội. Phạt nghiêm nhưng người phạt, chính sách phạt hợp lý, có tình sẽ làm cuộc sống đẹp hơn, hoàn chỉnh hơn vì luật là khuôn phép nhưng thực hiện luật lại là những con người.