Trong cuộc đời có những con số vô nghĩa, những con số đau buồn, những con số trống trải và có cả những con số biết nói, biết cười, biết hát ca quẫy lộng.
Như con số 90 triệu dân nước ta đã đạt đỉnh vàng trong ngày đầu tháng 11 vừa qua. Bản thân con số 90 triệu người không nói lên điều gì vì phụ nữ ta mắn đẻ, nếu cứ thả dàn mà không kế hoạch gì cả thì đã có thể đạt 100, 120 triệu người cho đến năm vừa rồi. Ở đây ta hiểu con số 90 triệu đó nó nằm ở chất, ở hàm lượng tuổi lao động mà mỗi quốc gia chỉ có thể xuất hiện một lần trong lịch sử, sự xuất hiện của tuổi lao động ngang bằng hoặc nhỉnh hơn người không lao động.

Vậy là so với thế giới, ta đã trở thành một siêu cường dân số, nghiễm nhiên đứng hàng thứ 14 trong đội hình toàn nhân loại. Nhưng ngay điều đó cũng chưa hẳn nói lên điều gì nếu như trên cái nền siêu cường mang tính thuần số lượng ấy, ta không biết cách đẩy nó lên thành một siêu cường kinh tế, một siêu cường chính trị, một siêu cường quân sự và trước hết, trên hết nó phải là một siêu cường tình yêu.
Chính tình yêu sẽ quyết định tất cả bước đi của một dân tộc. Chính tình yêu, tình đời đã làm nên sức mạnh tinh thần của dân tộc Việt. Tình yêu non nước, tình yêu con người, tình yêu tự do, tình yêu những gì sâu thẳm nhất do cha ông để lại. Tình yêu đẻ ra sự cần cù chịu thương chịu khó. Một đất nước luôn chịu những tai ương ghê gớm vào hàng bậc nhất của thời tiết, sớm chắn bão giông chiều che nắng lửa, có năm phải hứng đến 14 cơn bão to nhỏ, gầm gào nếu không cần cù thì lấy gạo đâu đổ vào nồi nuôi nhau? Do nghề nghiệp luôn phải xê dịch đi lại, nhiều khi nhìn những nông phu đang còng lưng làm lụng ở dưới đồng, trong lòng tôi không thể không trào lên những suy cảm xốn xang khó tả. Chao ôi, chính những con người lành hiền như hòn đất củ khoai kia trong các cột mốc lịch sử đã làm nên những huyền tích Bạch Đằng Giang, Ải Chi Lăng, Đống Đa - Ngọc Hồi, Điện Biên Phủ, Đại thắng Mùa xuân bảy lăm... đấy ư? Tố chất con người Việt Nam là yêu chuộng yên bình nhưng nếu có ai đó không cho họ được yên bình thì họ cũng sẽ biết đứng dậy như những trang dũng sĩ lẫm liệt nhất.
Lại nhớ những năm bom đạn, nếu không có những tấm lưng thôn nữ miệt mài tần tảo bám vào ruộng đồng mưa nắng kia thì những chàng trai, những người chồng làm sao có thể yên tâm cầm súng được ở nơi sa trường.
Sự cần cù đẻ ra lãng mạn, sự lãng mạn sinh ra khát vọng, khát vọng là tiền đề cho sức chịu đựng và lòng dũng cảm, trí thông minh phi thường để con người Việt Nam đi qua được hàng ngàn năm chống ngoại xâm, đi qua được hai cuộc chiến tranh kháng Pháp, kháng Mỹ làm rung động hoàn cầu. Thử hỏi không có trí thông minh năng động tuyệt vời bật lên từ cõi sống còn hiểm nguy thì trong các trang sử chống lại các thế lực ngoại xâm vào loại hùng mạnh, độc ác nhất thế giới làm sao một dân tộc còn nghèo, rất nghèo lại có thể làm nên được những chiến công thần kỳ bằng sự kết tinh trí tuệ cũng vô cùng thần kỳ của nhân dân mà cho mãi đến bây giờ các thế lực ấy vẫn ngơ ngác không làm sao hiểu nổi!
Đó là những tố chất đã làm nên con người Việt Nam, những tố chất không tự nhiên mà có, nó được trui rèn, hình thành qua bao chặng đường đẫm máu và nước mắt để giữ gìn khí phách ông cha.
Hình sông thế núi nước ta sao giống hình ảnh một NGƯỜI MẸ lo toan tần tảo và rất đỗi kiên trung, kiêu hãnh bao đời nay luôn rướn căng người ra biển Đông che chở cho những đứa con cần cù đang một nắng hai sương trên những thửa đất cần lao. Người mẹ vĩ đại đó đã bao phen tơ tướp máu xương nhưng vẫn bền gan sinh sản, chăm lo, nuôi nấng cho ngày hôm nay dân tộc Việt đã dâng đến con số 90 triệu hùng mạnh tràn khắp mảnh đất hình chữ S mềm mại nhưng cũng lắm địch họa thiên tai.
Chưa ở đâu, chưa có quốc gia nào mà lại gánh chịu lắm đau thương mất mát như ở xứ sở hiền hòa này. Phải chăng khổ đau lắm nên yêu thương nhiều, mất mát lắm nên con người rất đỗi vị tha. Vị tha trong đồng tộc, vị tha ngay cả với kẻ thù đã gieo biết bao tang tóc trên đầu mỗi người dân. Và đỉnh cao của nét vị tha đó chính là sự đoàn kết, gắn bó đùm bọc keo sơn trước mọi hiểm họa luôn xảy ra. Đó là tầm kích, là tố chất con người, là phẩm chất đã nằm sẵn trong chiều sâu trầm tích dân tộc mà không phải ở nơi nào cũng có.
Cái trầm tích đó cứ mỗi khi nước nhà có biến lại mặc nhiên hóa thành một bức thành lồng lộng, một khối kim cương bền chắc để chống giữ, đánh bại mọi cuộc xâm lăng mà không có một thế lực siêu nhiên nào có thể phá vỡ nổi. Còn khi giặc giã tan rồi, bức thành đó, sự đoàn kết keo sơn đó có còn được trung trinh, bền chắc nữa hay không thì điều đó còn phải bàn, sẽ được lịch sử nhìn nhận và đánh giá.
90 triệu con người! Từ thuở hồng hoang nguyên thủy, mẹ Âu Cơ sinh nở ra 100 bào thai, 50 người con xuống núi, 50 người con lên rừng để rồi chảy dài theo năm tháng giữ nước dựng nước với biết bao trang sử hùng anh, dân số đã dần dần phát triển theo đà mở mang bờ cõi, theo kích thước lớn dần của những cuộc chiến tranh tự vệ. Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đầu tiên ra đời ta mới chỉ có 25 triệu dân. 25 triệu dân với khí lực siêu phàm đã hoàn thành vẻ vang sứ mạng giữ nước ban đầu của mình cho đến thời khắc lịch sử cuối cùng khi vị Cha già dân tộc kêu gọi: “31 triệu dân sẽ là 31 triệu dũng sĩ...” đã tạo nên một chiến thắng huy hoàng, trọn vẹn cho bờ cõi ngàn năm nối liền một dải.
Giờ đây, trong vận hội mới còn đầy thử thách và cam go, thậm chí có lúc cam go đến nản lòng đuối sức, 90 triệu con người sẽ phải là 90 triệu trái tim, 90 triệu khát vọng, 90 triệu những hạt sáng trí tuệ lấp lánh, 90 triệu những cảm hứng dâng hiến tột cùng và giữa thời tiết chính trị nhạy cảm này, trước hết và trên hết nó sẽ phải là 90 triệu mốc chủ quyền đứng hiên ngang trấn ngự giữa biển Đông.
90 triệu con người lúc này đây đang thừa hưởng cả một kho truyền thống vô vàn quý báu của dân tộc. Thế hệ trẻ hôm nay đang đứng ở một cái nền lừng lững của lòng tự hào dân tộc. Hơn ai hết họ đang thừa hưởng cả câu hỏi nhức nhối móc vào bầu trời nhiều vần vũ mưa giông: “Tại sao cái nhục mất nước ta không chịu được mà cái nhục đói nghèo, cái nhục tụt hậu ta lại có thể dễ dàng thụ động chấp nhận hay sao?”. Câu trả lời không thuộc riêng cho một ngành nào, một ban bộ nào mà toàn thể xã hội, tất cả 90 triệu trái tim phải đồng loạt trả lời. Tất nhiên trong đó khởi đầu và tiên quyết là hai mặt trận y tế và giáo dục phải nằm ở vị trí tiên phong. Ngành y tế cho tuổi trẻ sức vóc, vẻ tráng kiện và ngành giáo dục cho tuổi trẻ tầm cao nguyên khí và bề dày trí lực.
Lòng yêu nước không là độc quyền của riêng một ai, của một thế hệ nào. Thế hệ trẻ hôm nay tưởng như thích hưởng thụ, thích nô lệ cho các giá trị vật chất xa hoa nhưng nếu một ai đó, một thế lực nào đó động chạm đến bàn thờ ông bà, xúc phạm đến lòng tự trọng dân tộc thì thế hệ ấy tin rằng cũng sẽ biết mở những cuộc hành binh ra trận oai hùng và cao đẹp như ông cha. Bởi cái tố chất tự trọng do cha ông để lại vẫn luôn là hạt kim cương ủ giấu trong trái tim sâu thẳm của họ. Nhưng tuổi trẻ hôm nay cũng đòi hỏi các bậc cha anh, các nhà quản lý vi mô và vĩ mô, đòi hỏi bản chất và diện mạo chế độ phải tạo ra được các điểm sáng của lòng tin và niềm tự hào, phải xác định được các tọa độ công tâm, trong sạch để họ nhìn vào, noi theo.
Loài người đã bước sang thiên niên kỷ thứ ba. Trái đất vẫn đang nóng lên. Hành tinh vẫn còn nhiều bất trắc, cái ác vẫn lộng hành, súng vẫn nổ ở đó đây, thây người vẫn ngã xuống. 90 triệu con người, 90 triệu trái tim vào những ngày cuối thu năm 2013 đã sẵn sàng dàn hàng ngang cho một thế trận chống tụt hậu, chống lòng tham, chống đói nghèo để mở ra một trang sử mới tươi thắm của non sông, của dân tộc đã có lắm đa đoan nhưng cũng có rất nhiều tự hào.
Và mùa xuân đến rồi, 90 triệu trái tim đang mở hết biên độ tình yêu để đón chào một năm mới chắc chắn còn có rất nhiều ghềnh thác, chông gai nhưng cũng không thiếu những hương vị ngọt ngào, tha thiết. Bởi, như một bản ngã nhân văn thăm thẳm, non sông càng vào những lúc gian nan thì con người Việt Nam càng biết sát cánh tìm cách vượt lên.
Trước gió xuân se sắt, ta tin ở điều đó cũng như ta đã từng tin trong biết bao những chặng đường lịch sử gian truân Việt Nam vẫn trụ vững, nhọc nhằn và kiên trung.
Nhà văn Chu Lai