Cầm trịch đời sống tinh thần thế giới

02-10-2011 10:58 | Văn hóa – Giải trí

Lần đầu tiên tôi sang Thụy Điển vào năm 1992 để nghiên cứu, sưu tầm tài liệu viết cuốn Mảnh trời Bắc Âu (văn hoá Thụy Điển). Từ đó đến nay, tôi vẫn băn khoăn chưa giải thích được cho thỏa đáng:

Lần đầu tiên tôi sang Thụy Điển vào năm 1992 để nghiên cứu, sưu tầm tài liệu viết cuốn Mảnh trời Bắc Âu (văn hoá Thụy Điển). Từ đó đến nay, tôi vẫn băn khoăn chưa giải thích được cho thỏa đáng: Tại sao một nước nhỏ 8,5 triệu dân mà cầm trịch đời sống tinh thần hàng trăm nước trên thế giới qua những giải thưởng Nobel hàng năm về Khoa học, Văn học, Hòa bình? Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Nhật là các cường quốc văn hoá đâu có thiếu tiền, thiếu nhân tài mà sao không đứng ở vị trí đó?

Viện Hàn lâm Thụy Điển do vua Gustave III thành lập từ năm 1786 theo mẫu Viện Hàn lâm Pháp. Nhiệm vụ chính của nó là bảo vệ và phát triển ngôn ngữ Thụy Điển, đưa văn học dân tộc lên ngang tầm văn học châu Âu. Cho đến năm 1989, Viện đã soạn xong 30 cuốn trong bộ Từ điển và thường chủ trì các giải thưởng văn học. Sau khi ông Nobel để lại chúc thư với số tiền giải thưởng khổng lồ, Viện có thêm nhiệm vụ thành lập và điều hành hoạt động của Ủy ban Nobel và Tổ chức Nobel dự thảo các quy chế cụ thể trên cơ sở chúc thư Nobel, để hàng năm chọn lựa danh sách những người xứng đáng.

Alfred Nobel (1833-1896) sinh ở Thụy Điển, có ông nội là một học giả uyên bác cỡ quốc tế. Đó là nhà sáng chế, nhà công nghiệp bị phá sản phải chạy sang Nga. Sau thời thơ ấu nghèo khổ sống với mẹ ở Thụy Điển, Nobel cùng cả nhà sang Nga đoàn tụ với bố. Nobel được đào tạo rất kỹ về hoá, nói thông thạo 4 ngoại ngữ Anh, Pháp, Đức, Nga. Phát minh lớn nhất của ông là chế tạo thuốc nổ Đi-na-mit (1866), là hợp chất nitroglyxêrin trộn với một chất xốp khiến cho việc sử dụng đỡ nguy hiểm. Sáng chế này đã làm cuộc cách mạng kỹ thuật trong khai thác mỏ, làm đường, đào hầm hào. Ông đã đăng ký 355 bằng sáng chế, ông khai thác một phần những sáng chế ấy trong 90 xí nghiệp của ông đặt ở khoảng hai chục nước, chính khoản lời của những xí nghiệp này đã khiến ông có tiền để lập Giải thưởng mang tên ông. Cái vĩ đại của Nobel ở chỗ: xuất phát từ quan niệm của ông: “Truyền bá tri thức là thúc đẩy sự thịnh vượng. Tôi nghĩ đến sự thịnh vượng thực sự của xã hội, chứ không phải sự làm giàu của một số cá nhân. Với sự thịnh vượng đó, đa số những đau khổ của con người sẽ tiêu tan…”. Ông là một nhà khoa học, một nhà sáng chế có biệt tài, một doanh nhân quốc tế đầu óc tiến bộ, đồng thời là một nhà văn hoá có lý tưởng nhân đạo. Ông cũng yêu văn học, có làm thơ, viết văn, viết thư rất hay.

Ông là một người cô đơn, chưa từng lấy vợ, có một cuộc tình với Sophie Hess, một thiếu nữ trẻ hơn ông 23 tuổi, rồi thất vọng vì ông không sao đưa được người bạn tình lên ngang tầm trí thức và xã hội với ông. Ông mất vào năm 63 tuổi, để lại phần lớn gia sản, đầu tư lấy lãi hàng năm thưởng cho những người đóng góp nhiều nhất cho nhân loại trong những lĩnh vực khoa học mà suốt đời ông quan tâm: Vật lý, Hoá học, Sinh lý học, Y học, Văn học và tình huynh đệ giữa các dân tộc (Hòa bình).

Riêng về giải thưởng văn học Nobel, hàng năm, những người đủ tư cách và có thẩm quyền (theo điều lệ) phải gửi những đề nghị bằng văn bản đến Ủy ban Giải thưởng văn học trước ngày 1 tháng 2. Đó là đề nghị của các cá nhân: viện sĩ Viện Hàn lâm Thụy Điển và những viện hoặc hội có chức năng tương tự, giáo sư văn học sử hoặc ngôn ngữ, những người đã được Giải thưởng Nobel, chủ tịch các hội nhà văn quốc gia. Giá trị giải Nobel năm 1991 là 6 triệu cu-ron Thụy Điển (gần một triệu đô la Mỹ). Theo chúc thư, Nobel muốn tặng Giải văn học cho một “tác phẩm xuất sắc có khuynh hướng lý tưởng”. Nhưng phải hiểu khuynh hướng lý tưởng là thế nào? Cách giải thích thay đổi tùy theo các giai đoạn lịch sử. Từ 1901 - 1912, người ta chú trọng quá nhiều đến nội dung tác phẩm và hiểu khuynh hướng lý tưởng theo chủ nghĩa lý tưởng bảo thủ và thẩm mỹ lý tưởng chủ nghĩa của thế kỷ XIX. Trong Thế chiến I (1914-1918), quan niệm chọn mở rộng ra ngoài châu Âu nên nhà văn xứ Bengal (Ấn Độ) Tagore được giải. Người ta đề cao những nhà văn lên án chiến tranh hoặc thuộc các nước trung lập. Những năm 20 (1919-1929), tiêu chuẩn lựa chọn (không tuyên bố) là chủ nghĩa cổ điển mới, khuynh hướng lý tưởng được hiểu là chủ nghĩa nhân đạo mở rộng. Những năm 30 kéo dài đến hết Thế chiến II (1939-1945) lại nhấn mạnh bản thông điệp nào có tiếng vang rộng rãi nhất với nhân loại. Do đó, cả một nền thơ hiện đại giai đoạn ấy đã nằm ngoài quỹ đạo. Thời kỳ hậu chiến đến những năm 60 (1946-1960) đề cao những tác giả đi tiên phong. Hai thập kỷ 70 và 80 (1971-1990), Ủy ban Nobel hiểu ý nguyện Nobel một cách thực tiễn hơn, quan tâm đến những thành tựu xuất sắc mà chưa được đánh giá đúng mức. Cũng có thời điểm bị dư luận cho là Giải thưởng văn học được chọn theo ý đồ phục vụ chính sách chiến tranh lạnh. Viện Hàn lâm Thụy Điển thanh minh: họ đánh giá tác phẩm không theo tiêu chuẩn chính trị mà theo giá trị khuynh hướng nhà văn đứng ra bảo vệ các giá trị nhân văn và theo tiêu chuẩn giá trị nghệ thuật. 

                Hữu Ngọc


Ý kiến của bạn