Cấm thuốc lá điện tử, nung nóng để không phải tốn kém tài chính giải quyết gánh nặng bệnh tật

16-08-2024 08:55 | Y tế

SKĐS - Tổ chức Y tế thế giới đã nhiều lần khuyến nghị Việt Nam cần ban hành các quy định CẤM hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Tổ chức Y tế thế giới cũng như nhiều chuyên gia y tế, chính sách, các Đại biểu Quốc hội đã nhấn mạnh những tác hại, gánh nặng do thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng gây ra với sức khỏe người sử dụng, cũng như tăng thêm gánh nặng tài chính chi cho điều trị bệnh tật do các sản phẩm này gây ra.

Cùng đó, Bộ Y tế đã nhiều lần nhất quán quan điểm cần phải CẤM chứ không QUẢN thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Vậy đâu là lý do WHO, Bộ Y tế và các chuyên gia y tế, chính sách cũng như các Đại biểu Quốc hội lại nêu quan điểm phải CẤM chứ không QUẢN thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng?

Báo Sức khỏe và Đời sống tổ chức tuyến bài "Vì sao cần phải CẤM chứ không QUẢN thuốc lá điện tử, nung nóng?"

Bài 1: Hệ lụy nghiêm trọng của thuốc lá điện tử, nung nóng: Nhìn từ bệnh viện

Bài 2: Hiểm họa khôn lường khi ma túy 'núp' trong thuốc lá điện tử

Nếu không ngăn chặn thuốc lá điện tử, nung nóng sẽ phá vỡ thành quả phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam

Theo ThS Đinh Thị Thu Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, trong thời gian qua, các cơ quan quản lý đã có nhiều biện pháp như đẩy mạnh truyền thông về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, thuốc lá lai giữa thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng (gọi chung là thuốc lá mới); bắt giữ, tiêu huỷ, xử lý hình sự, hành chính hành vi buôn lậu, buôn bán thuốc lá mới không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn, chứng từ...

Tuy nhiên nhưng tình trạng mua bán thuốc lá mới vẫn đang diễn ra ngày càng trở lên phổ biến, tỷ lệ người hút thuốc lá mới tăng cao trong thời gian ngắn, đặc biệt đối tượng là thanh thiếu niên học sinh, có cả trẻ em gái và nghiêm trọng là có nhiều trường hợp trẻ em bị ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử đã xảy ra trên cả nước.

Cấm thuốc lá điện tử, nung nóng để không phải tốn kém tài chính giải quyết gánh nặng bệnh tật- Ảnh 1.

ThS.BS Phan Thị Hải cho biết tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng nhanh chóng, đặc biệt ở lứa tuổi trẻ.

ThS.BS Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Phụ trách, Quản lý, điều hành Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết, các kết quả nghiên cứu cho thấy thực trạng đáng báo động tại Việt Nam. Đó là trong khi tỷ lệ hút thuốc lá điếu thông thường giảm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng nhanh chóng, đặc biệt ở lứa tuổi trẻ.

Theo Điều tra năm 2020, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở người trưởng thành tăng 18 lần (từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020). Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm tuổi học sinh từ 13 - 15 tuổi là 3,5%.

Bằng chứng từ các nước cho phép sử dụng thuốc lá điện tử cho thấy, thuốc lá điện tử là nguyên nhân cho việc bắt đầu sử dụng thuốc lá điếu thông thường ở thanh thiếu niên bởi bản chất vẫn là nghiện chất nicotin.

Vì vậy, thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử có nhiều khả năng trở thành người hút thuốc lá điếu thông thường. Thanh thiếu niên chưa bao giờ hút thuốc nhưng sử dụng thuốc lá điện tử, tỷ lệ chuyển sang hút thuốc lá điếu thông thường cao hơn 2 - 3,5 lần so với những thanh thiếu niên chưa từng sử dụng thuốc lá điện tử.

"Nếu không quyết liệt ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá mới này tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ gia tăng trở lại. Chúng ta sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề hơn rất nhiều trong tương lai gần và các kết quả đạt được sẽ bị phá bỏ.

Chúng ta sẽ phải nỗ lực hơn, tốn kém nhân lực và tài chính hơn nữa trong việc giảm tỷ lệ hút thuốc lá, giải quyết những gánh nặng bệnh tật và tử vong do thuốc lá cũng như các hệ lụy về xã hội, kinh tế, môi trường, đặc biệt là các hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của thế hệ trẻ", ThS.BS Phan Thị Hải khẳng định.

Theo các chuyên gia, thực tế cho thấy, thuốc lá điện tử và kể cả một số loại thuốc lá nung nóng mới phát sinh, có sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải là từ nguyên liệu lá thuốc lá điếu thông thường. Nguyên liệu phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy. Thông qua việc phối trộn, người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác vào để sử dụng mà khó bị phát hiện.

Do đó, trong phát biểu tại các diễn đàn về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Bộ Y tế, bà Đinh Thị Thu Thủy đều nhấn mạnh cần phải quy định CẤM toàn bộ việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, tàng trữ quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Việc cấm này bao gồm mọi tổ chức, cá nhân có liên quan vì nếu chỉ đề xuất cấm người dưới 18 tuổi mua, bán, sử dụng; không bán cho người dưới 18 tuổi hay không sử dụng người dưới 18 tuổi mua, bán thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng thì công tác phòng, chống tác hại thuốc lá sẽ không đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc lá trong cộng đồng, tạo "cửa ngõ" cho trẻ em sử dụng thuốc lá và phát sinh các nguy cơ khác.

Bộ Y tế đã nhiều lần khẳng định nhất quán chính sách của Bộ Y tế là bảo vệ sức khỏe người dân là trên hết, phải bảo vệ thế hệ tương lai và ngăn ngừa thế hệ trẻ sử dụng các sản phẩm thuốc lá.

Cấm thuốc lá điện tử, nung nóng để không phải tốn kém tài chính giải quyết gánh nặng bệnh tật- Ảnh 2.

Một trường hợp ngộ độc, nguy kịch tính mạng sau sử dụng thuốc lá điện tử điều trị tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Là thầy thuốc điều trị cho không ít trường hợp bệnh nhân ngộ độc, nguy kịch tính mạng do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh, thuốc lá điện tử đang mở đầu cho xu hướng mới lạm dụng hóa chất nhân tạo, con người đang tự hủy hoại chính mình. Trong đó, có ba nhóm nguy cơ khi sử dụng thuốc lá điện tử.

Thứ nhất, nicotine, hàm lượng nicotine trong thuốc lá điện tử cao hơn thuốc lá thông thường. Ước tính cứ 1 người bỏ được thuốc lá khi dùng thuốc lá điện tử thì có thêm 80 trẻ vị thành niên nghiện nicotine (một nghiên cứu trên thế giới năm 2018).

Thứ hai, các hóa chất trong hơi thuốc lá điện tử với số lượng khổng lồ, thay đổi các hóa chất liên tục. Các hóa chất này làm phát sinh loạt bệnh/ngộ độc mới nổi, thậm chí y học chưa biết được, không thể đoán trước được.

Thứ ba, ma túy trong thuốc lá điện tử. Nguy cơ dùng ma túy gấp 3,5 lần so với không hút thuốc lá điện tử.

"Vì vậy, tuyệt đối không cần đánh giá, nghiên cứu hay cho dùng thử các sản phẩm này"- TS.BS Nguyên nhấn mạnh quan điểm.

CẤM hoàn toàn thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là lựa chọn duy nhất phù hợp với ưu tiên bảo vệ sức khỏe nhân dân

Đối với vấn đề thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam đã không ít lần bày tỏ quan điểm khuyến nghị Việt Nam cần CẤM các sản phẩm này.

Phát biểu tại phiên giải trình trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng do Uỷ ban Xã hội và Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội tổ chức mới đây, TS Angela Pratt - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam đã nhấn mạnh ba thông điệp.

Thứ nhất, các sản phẩm nicotin và thuốc lá mới không an toàn và hoàn toàn không tốt cho sức khỏe. Trên thực tế, những sản phẩm này rất có hại, với các hóa chất độc hại gây ung thư, và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và phổi.

Trong ngắn hạn, chúng cũng có thể gây ra các tổn thương phổi cấp tính rất nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Đối với trẻ em và thanh thiếu niên, đối tượng mục tiêu của ngành công nghiệp thuốc lá, các sản phẩm này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển của não bộ.

Thực tế không có bằng chứng cho thấy những sản phẩm này giúp cai thuốc lá. Trái lại, các sản phẩm này làm cho mọi người- đặc biệt là giới trẻ - tiếp cận và dẫn đến nghiện nicotin"- TS Angela Pratt nhấn mạnh.

Thứ hai, việc quản lý hay hạn chế các sản phẩm này là vô cùng khó khăn. Nhiều quốc gia đã nỗ lực quản lý, tuy nhiên cũng không thể ngăn cản thanh niên tiếp cận và sử dụng các sản phẩm này.

Theo Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, một trong những thách thức là làm thế nào để định nghĩa được các sản phẩm trong khi chúng không ngừng biến đổi, để thu hút nhiều người tiêu dùng hơn và khai thác các lỗ hồng trong bất kỳ quy định nào.

Cùng đó, một thách thức khác là cần có các cơ sở để kiểm nghiệm sản phẩm và năng lực đảm bảo thực thi nghiêm ngặt các quy định.

"Vì những lý do nêu trên, ngày càng có nhiều quốc gia, cho đến hiện tại là khoảng 40 quốc gia - bao gồm Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei và Campuchia - đã cấm hoàn toàn các sản phẩm này"- TS Angela Pratt thông tin.

Cấm thuốc lá điện tử, nung nóng để không phải tốn kém tài chính giải quyết gánh nặng bệnh tật- Ảnh 3.

TS Angela Pratt - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam.

Thứ ba, Tổ chức Y tế thế giới cho rằng, việc CẤM hoàn toàn các sản phẩm này là lựa chọn duy nhất phù hợp với ưu tiên cao mà Chính phủ đặt ra về bảo vệ sức khỏe nhân dân, với tinh thần của Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng "sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội".

Đồng thời, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cũng cho rằng, "chúng ta sẽ sớm thấy một thế hệ người nghiện nicotin mới, những cá nhân, gia đình của họ và hệ thống y tế sẽ phải vật lộn để đối phó với các tác động sức khỏe nghiêm trọng. Chúng ta sẽ có cơ hội bảo vệ sức khỏe và cứu sống nhiều mạng người, nếu hành động ngay từ bây giờ".

Cùng đó, TS Angela Pratt nêu rõ, Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi Việt Nam bằng việc ban hành những quy định nghiêm ngặt nhất như CẤM nhập khẩu, sản xuất, phân phối, buôn bán, và quảng cáo tất cả các sản phẩm nicotin và thuốc lá mới - để bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là bảo vệ nguồn lực quan trọng nhất của quốc gia, đó là sức khỏe của trẻ em và thanh thiếu niên

Hồi tháng 3 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới gửi bản Khuyến nghị Quốc hội lần 2 về việc ban hành "Nghị quyết cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối và bán thuốc lá điện tử hoặc "vape", các sản phẩm nicotine khác, bao gồm cả thuốc lá điện tử không chứa nicotine và các sản phẩm thuốc lá cũng như quảng cáo hoặc khuyến mại các sản phẩm này tại Việt Nam".

Trước đó, tháng 10/2023, Bộ Y tế cũng nhận được tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối và bán các sản phẩm nicotine, hệ thống phân phối điện tử không chứa nicotine và các sản phẩm thuốc lá, cũng như cấm quảng cáo, khuyến mại các sản phẩm này ở Việt Nam.

Phát biểu tại phiên giải trình trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng do Uỷ ban Xã hội và Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi bày tỏ lo ngại sâu sắc về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đối với học sinh, sinh viên - đối tượng mà Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm quản lý.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng không chỉ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh, sinh viên mà còn là nguyên nhân dẫn đến lệch chuẩn về lối sống, là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự an toàn xã hội.

"Quan điểm của Bộ luôn nhất quán, là phải cấm sản xuất, kinh doanh, mua bán, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng" - Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi nói.

Mời bạn đón đọc các bài tiếp theo của tuyến bài "Vì sao cần phải CẤM chứ không QUẢN thuốc lá điện tử, nung nóng?" trên Sức khỏe và Đời sống.

Sử dụng thuốc lá điện tử, nung nóng là nguyên nhân gây ra gánh nặng bệnh tật và kinh tếSử dụng thuốc lá điện tử, nung nóng là nguyên nhân gây ra gánh nặng bệnh tật và kinh tế

SKĐS - Hôm nay, 31/5 là Ngày Thế giới không thuốc lá với chủ đề là "Bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên khỏi sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá". Bộ Y tế kêu gọi, phát động chiến dịch truyền thông ngăn ngừa thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để bảo vệ trẻ em và sức khỏe cộng đồng...

Cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử, nung nóng để bảo vệ giới trẻ Việt Nam trước tác hại về sức khỏe Cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử, nung nóng để bảo vệ giới trẻ Việt Nam trước tác hại về sức khỏe

SKĐS - Các sản phẩm thuốc lá điện tử, nung nóng cực kỳ có hại cho sức khỏe. Những sản phẩm này có chứa các hóa chất độc hại gây ung thư và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và phổi. Trong ngắn hạn, chúng cũng có thể gây ra tổn thương phổi cấp nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong.

Thái Bình
Ý kiến của bạn