Hà Nội

Cam thảo - thuốc ích khí, nhuận phế, giải độc

SKĐS - Cam thảo là rễ và thân rễ phơi sấy khô của cây cam thảo (Glycyrrhira uralensis Fish.) hay (Glycyrrhiza glabra L.), thuộc họ Đậu (Fabaceae).

Ở Việt Nam, có 2 vị thuốc mang tên “Cam thảo”: Cam thảo Nam (Scoparia dulcis L.), thuộc họ hoa mõm chó (Scrophulariaceae); Cam thảo dây (Abrrus precatorius L.), thuộc họ đậu (Fabaceae).

Bộ phận dùng làm thuốc của cam thảo Nam là toàn cây (Herba Scopariae). Vị thuốc được dùng thay cam thảo Bắc để chữa sốt, say sắn và giải độc cơ thể. Được nhân dân nhiều nước dùng chữa ho, đại tiện lỏng, kinh nguyệt quá nhiều, giảm đường huyết trong bệnh đái đường... Bộ phận dùng làm thuốc của cam thảo dây là lá và rễ, có vị ngọt nên được dùng thay cam thảo Bắc trong các đơn thuốc. Nhưng hoạt chất của 2 cây khác nhau. Hạt có chất abrin là protid độc nên chú ý khi sử dụng.

Về thành phần hóa học, cam thảo có glycyrrhizin là saponin, nhóm olean, hàm lượng 10 - 14% dược liệu khô, acid liquiritic (thuộc nhóm saponin),  flavonoid 3 - 4% (liquiritin, isoliquiritin...), coumarin (umbelliferon, herniarin, liqcoumarin), đường và tinh bột. Theo Đông y, cam thảo vị ngọt dịu, tính bình; vào 12 kinh. Có tác dụng ích khí, hoãn cấp, nhuận phế, giải độc, điều hòa các vị thuốc. Chữa tỳ hư ăn kém, đại tiện lỏng, phát nóng sốt do mệt nhọc, đau dạ dày, miệng khát, ho, tim đập mạnh, đau họng, trúng độc, mụn nhọt. Liều lượng: 2-12g/ngày. Dùng sống tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu khát; sao vàng tác dụng bổ tỳ vị, chữa tỳ hư tiêu chảy; tẩm mật sao tác dụng nhuận bổ.

Cam thảo dây là lá và rễ, được dùng thay cam thảo Bắc trong các đơn thuốc.

Cam thảo dây là lá và rễ, được dùng thay cam thảo Bắc trong các đơn thuốc.

Một số bài thuốc có cam thảo

Ích khí phục mạch:

Bài 1 - Thang Chích cam thảo: cam thảo 16g, thục địa 32g, mạch môn 12g, a giao 12g, ma nhân 12g, đảng sâm 12g, quế chi 12g, sinh khương 12g, đại táo 4 quả. Sắc uống. Công dụng: ích tâm khí, bổ tâm huyết, dưỡng tâm âm, thông tâm dương. Chữa khí hư huyết nhược, tim rung, thở ngắn, lưỡi nhạt ít rêu, mạch kết đại hoặc hư sác.

Bài 2 - Tứ quân tử thang: nhân sâm 8g, phục linh 12g, bạch truật 8g, cam thảo 8g, thêm 3 lát sinh khương, 3 quả đại táo. Tất cả cho vào nồi, đổ 5 bát nước, đun cạn còn bát rưỡi, chia uống làm 2 lần. Công dụng: ích khí kiện tỳ. Chữa tỳ vị khí hư, sắc mặt trắng bệch, tứ chi vô lực, ăn kém, đại tiện lỏng, chất lưỡi nhạt, mạch tế nhược.

Hoãn cấp, giảm đau: dùng trong trường hợp nhiệt thương tổn tân dịch gây đau họng, đau bụng, toàn thân và tứ chi co rút, đau buốt cấp tính.

Bài 1 - Thang Cát cánh: cát cánh 8g, cam thảo 4g. Sắc uống hoặc tán bột uống. Chữa họng sưng đau.

Bài 2 - Thang Thược dược Cam thảo: bạch thược 16g, cam thảo 16g. Sắc uống. Trị chứng bắp thịt co rút đau buốt.

Giải độc, chữa mụn nhọt: dùng khi bị trúng độc phát lở ngứa, trúng độc do thuốc trừ sâu hoặc do ăn uống.

Bài 1: cam thảo sống 20g. Sắc uống. Trị trúng độc phát lở ngứa thời kỳ đầu.

Bài 2: cam thảo 63g, phòng phong 63g. Sắc uống. Trị trúng độc do nấm độc. Thêm đậu xanh nấu chín, uống. Trị trúng độc do thuốc trừ sâu nông nghiệp.

Kiêng kỵ: Người đang bụng dạ ì ạch, đầy hơi không dùng được. Cam thảo tương kỵ với hải tảo, đại kích, cam toại, nguyên hoa. Khi dùng cam thảo kiêng ăn cá.


TS. Nguyễn Đức Quang
Ý kiến của bạn