Trước hết, cần phải nói rằng tặng quà là một hành vi ứng xử không thể không có trong cuộc sống. Có những món quà mang trong nó tình cảm, sự trọng thị của người tặng với người được tặng. Có lẽ rất ít người không thích được tặng quà, nhất là trong các dịp lễ, Tết, sinh nhật... Trong một giới hạn nào đó, tặng quà đã trở thành thói quen, phong tục của người Việt Nam. Đến chơi thăm nhà ai đó, nhất là khi gia đình họ có ông bà già và trẻ em mà ta đi tay không thì cảm thấy rất áy náy. Cần phải có chút quà, ít nhất thì cân hoa quả, hay gói bánh để làm đẹp lòng gia chủ. Trong trường hợp này, người ta tặng cho nhau tấm lòng quý mến chứ không phải món quà đắt hay rẻ.
Năm hết tết đến, tặng quà cũng là việc nên làm, ví dụ: cháu chắt tặng ông bà, con cái tặng bố mẹ, học trò tặng thầy giáo, các tổ chức hay cá nhân tặng quà cho Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình liệt sĩ thương binh, những người khó khăn... Đó là những món quà thấm đẫm đạo lý Uống nước nhớ nguồn, Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, Thương người như thể thương thân...Việc tặng quà Tết như thế mang ý nghĩa trong sáng tốt đẹp mà xã hội ta nên khuyến khích làm.
Còn tặng quà cho cấp trên vào dịp Tết thì sao? Nhìn chung, đó là biểu hiện không đẹp của một xã hội thiếu minh bạch, đầy nhiễu nhương khiến người ta nơm nớp lo sợ bị cấp trên trù úm hoặc không được chú ý. Cấp dưới tặng quà cho cấp trên do hai lý do chủ yếu: một là vì muốn được yên thân; hai là muốn được cất nhắc đề bạt. Chính tâm lý hèn nhát này tạo ra thói quen không lành mạnh trong xã hội bấy lâu nay: không thể không tặng quà cho sếp khi Tết đến. Đương nhiên, có người tặng thì có người nhận, nhận lâu thành quen, thành nếp và thành tệ nạn nhức nhối trong xã hội ta. Thiên hạ xì xèo rằng: có sếp coi Tết như là một vụ làm ăn, thu hoạch từ quà tặng của cán bộ, nhân viên cấp dưới đôi khi được hàng chục, hàng trăm triệu đồng... Đáng buồn lắm cho một xã hội cái gì cũng phải lấy tiền để bôi trơn; không có tiền thì mọi chuyện đều trở nên trúc trắc trục trặc. Thực chất tặng quà cho cấp trên vào dịp Tết là một hình thức biến thái của hối lộ; mối quan hệ trên – dưới nhiều khi lại phụ thuộc vào túi quà giá trị cao hay thấp.
Không phải bây giờ, Đảng và Nhà nước mới ra chỉ thị cấm việc cấp dưới tặng quà cho cấp trên vào dịp Tết. Nếu tôi nhớ không nhầm thì năm nào chúng ta cũng nêu vấn đề này ra cùng với việc tổ chức Tết sao cho tiết kiệm. Và, cũng như việc chống tham nhũng vậy, biết rồi nói mãi khổ lắm, chuyện cấp dưới tặng quà Tết cho cấp trên có bao giờ hết đâu. Không đơn vị, cơ quan này thì đơn vị, cơ quan khác có. Không người này thì người khác vậy. Không tặng công khai thì người ta tặng bí mật. Không đến biệt thự của cấp trên ban ngày thì người ta đến ban đêm. Quà tặng cũng đã được tiền tệ hóa từ lâu, một chiếc phong bì thơm tho đựng những tờ đô, tờ ơ sắc cạnh tinh tươm là đủ. Làm gì có thứ quà lỉnh kỉnh, tay xách nách mang như trước đây nữa. Nếu sếp ông không nhận thì đã có sếp bà lặng lẽ nhận sau. Rồi, khi đầu gối tay ấp, thế nào sếp bà cũng thủ thỉ với sếp ông: “Chà chà, chú X, cô Y, cậu Z...sống tình cảm, có trước có sau, có trên có dưới, biết điều ghê...”. Gái có công, chồng chẳng phụ, cái nước mình trước nay nó vốn thế, vốn thế mà.
Mong sao xã hội thực sự dân chủ, minh bạch để cấp dưới không phải lo sợ cấp trên trù úm, để hạng người đức tài kém cỏi không có cơ hội chạy chức, chạy quyền... thì chắc cái tệ nạn biếu quà Tết cho cấp trên cũng tự nhiên tan biến luôn. Mong sao nhân cách, lương tâm trong sáng của con người luôn được đề cao, luôn được tôn trọng để hướng tới những việc làm tốt đẹp. Chỉ như thế, phải như thế thì cái nạn tặng quà cho cấp trên thực chất là một biến thái của hối lộ mới vứt bỏ được.
Nguyễn Hữu Quý