Cảm tác với bàng vuông

20-05-2017 08:37 | Xã hội
google news

SKĐS - Nếu ai đã từng một lần đặt chân đến quần đảo Trường Sa thì chắc chắn khó có thể quên những loài cây như: phong ba, bão táp, muống biển...

Nếu ai đã từng một lần đặt chân đến quần đảo Trường Sa thì chắc chắn khó có thể quên những loài cây như: phong ba, bão táp, muống biển... Xong, có một loài cây đã đi vào tình cảm của mọi người khi nói tới Trường Sa - đó là cây bàng vuông. Với mỗi một chuyến đi xa, ai cũng muốn có món quà gì đó làm kỷ niệm, nhất là đối với Trường Sa. Mỗi năm, có rất nhiều đoàn công tác ra thăm đảo, nếu mỗi người lên đảo đều hái mỗi người một quả thì những người đi sau sẽ không còn hình dung ra quả bàng vuông Trường Sa như thế nào.

Vào đảo Trường Sa Đông

Đoàn của chúng tôi cập đảo Trường Sa Đông giữa trời tháng tư nắng gắt. Đây là đảo nổi và theo các chiến sĩ ở đây bàng vuông khá nhiều. Trước đó, đoàn chúng tôi đã cập đảo Sinh Tồn nhưng các thành viên trong đoàn chưa ai nhìn thấy quả bàng vuông. Từ trên tàu KN 491, xa xa đã thấy một màu xanh mướt của những tán cây chúng tôi dự đoán đó chỉ là những cây phong ba, bàng vuông. Tôi và nhà báo Huỳnh Lâm - Phó Tổng biên tập báo ảnh Đất mũi Cà Mau ở cùng phòng, bàn với nhau kỳ này lên đảo phải chụp nhiều ảnh về các hoạt động của cán bộ chiến sĩ trên đảo và đặc biệt là phải chụp cho bằng được những quả bàng vuông, hình ảnh cây phong ba và cây bão táp là những loài cây đặc thù tạo màu xanh cho đảo. So với độ chuyên nghiệp về nghề thì tôi không dám so sánh, so với phương tiện tác nghiệp nhất là máy ảnh của anh thì tôi lại càng kém xa. Không sao, trong thâm tâm tôi chỉ suy nghĩ được ngắm nhìn, sờ nắn quả bàng vuông, những cây bàng vuông giữa biển trời Trường Sa dù chỉ một lần trong đời - đó là ước mong không chỉ riêng tôi mà đó là ao ước của hàng triệu người con đất Việt.Các văn công hát cùng chiến sĩ trên đảo Trường Sa Đông.

Các văn công hát cùng chiến sĩ trên đảo Trường Sa Đông.

Trên boong tàu, Đại tá Phan Ngọc Quang - Phó Chính ủy Lữ đoàn 146 - Đoàn Trường Sa chia sẻ cho chúng tôi: “Các nhà báo lên đảo phải chụp nhiều vào nhé. Ở hầu hết các đảo nổi trên quần đảo Trường Sa, bàng vuông được xem là loài cây đặc thù tạo màu xanh cho đảo. Bàng vuông tượng trưng cho sức sống mãnh liệt ở Trường Sa. Với cái nắng và sự tàn phá khốc liệt của sức gió và nước biển, bàng vuông vẫn vững vàng hiên ngang như người lính Hải quân Việt Nam”, Đại tá Quang nói.

Chia sẻ thêm với chúng tôi, Đại tá Quang cho biết: Hiện Đại tá Quang đang sở hữu bộ sưu tập khủng về ảnh hoa bàng vuông trên đảo Trường Sa với số lượng hơn 3.000 bức, nếu cần, Đại tá Quang sẽ chia sẻ cho cánh nhà báo chúng tôi”. Như gây thêm sự tò mò, tôi hỏi vì sao gọi là cây bàng vuông? Đại tá Quang giải thích: “Cây có lá rất giống lá bàng ở đất liền, nhưng hoa thì rất đẹp, đặc biệt chỉ nở vào ban đêm. Hoa bàng vuông khi nở từng cuống nhụy trắng điểm phớt tím vươn dài như những tia sáng, chúng hợp lại với nhau giống như màn pháo hoa trong đêm lễ hội. Ngắm hoa bàng vuông đẹp nhất là vào lúc sáng sớm khi bình minh bắt đầu lên. Hoa bàng quả vuông có đặc trưng riêng, trong mỗi chùm hoa mỗi đêm chỉ nở một hoa, cứ như vậy quá trình ra hoa của cây liên tục trong năm. Đó cũng là sự bảo tồn nòi giống mà thiên nhiên ban tặng cho loài thực vật ở nơi có điều kiện khí hậu khắc nghiệt này. Cây bàng vuông có sức sống mãnh liệt. Quanh năm nơi đảo xa đầy sóng gió với nước biển mặn chát, vậy mà cây vẫn xanh tốt, lá bàng rất ít rụng và không có kỳ thay lá. Lá bàng to, dày, xanh thẫm cùng với cây phong ba và một số loài cây khác… mang lại màu xanh cho đảo. Thân cây bàng chắc và dẻo, chịu được các trận bão lớn, rễ cây vững chắc bám sâu vào lòng đá san hô cùng với cây phong ba, mù u, dừa… giữ lại nguồn nước mưa quý hiếm cho đảo và chống chọi lại sự xâm nhập của những con sóng, gió, bảo vệ cho đảo. Ngày Tết Nguyên đán, anh em bộ đội còn lấy lá bàng vuông để gói bánh chưng, bánh tét.

Cũng như các lần cập đảo trước, cánh nhà báo chúng tôi luôn được ưu tiên đi chuyến xuồng thứ hai, chỉ sau chuyến xuồng chở hàng, rồi mới đến xuồng của các thủ trưởng đoàn và các thành viên trong đoàn. Trên tàu KN 491 được trang bị 2 xuồng máy ca nô chuyên dụng, mỗi chuyến chỉ có thể chở đến 10 người vào đảo, 2 xuồng máy ca nô này phải thay nhau vận chuyển đoàn công tác đến 200 người vào ra liên tục.

Do thủy triều, mặc dù lệnh hạ xuồng ca nô đã được thông báo từ lâu, tất cả các thành viên trên tàu đều đã mặc áo phao nhưng chưa thể nào di chuyển xuống xuồng ca nô để đi vào đảo, hơn nửa giờ trôi qua nhưng vẫn chưa thể đi được nên chúng tôi còn phải đợi nước lên thì xuồng mới có thể vào được. Thuyền trưởng tàu KN 491 và Chỉ huy đảo Trường Sa Đông đã liên hệ với nhau qua bộ đàm thống nhất hướng vào, lạch nào có thể vào để xuồng ca nô vào không bị mắc cạn. Để an toàn và đúng lịch trình công tác, thuyền trưởng tàu KN 491 đề nghị: “Nếu xuồng CQ (dạng ca nô) của đảo Trường Sa Đông có thể chạy ra tàu KN 491 được thì để đưa thành viên đoàn vào được. Trong trường hợp nếu phải lội nước vào, tất cả thành viên đoàn công tác phải chấp hành”. Vậy mà phải đợi đến 30 phút sau, 2 xuồng CQ của đảo mới có thể chạy ra được và cùng với 2 xuồng ca nô của tàu đưa các thành viên đoàn chúng tôi vào đảo.

Chuyến di chuyển vào đảo lần này nghe có vẻ hơi căng thẳng, từ trên đảo Trường Sa Đông, một chiến sĩ 2 tay cầm 2 cờ làm hoa tiêu cho xuồng CQ của chúng tôi vào. Nếu bình thường, chiếc CQ này sẽ chạy vèo vèo lướt trên mặt nước biển, đồng chí chiến sĩ nói với chúng tôi: “Báo cáo các thủ trưởng, thủy triều cạn nên không dám chạy nhanh vì sợ va vào những viên đá mồ côi nhấp nhô dưới mặt nước biển. Vừa nói xong đấy, xuồng CQ đâm xoẹt vướng ngay vào viên đá mồ côi, làm cả xuồng hú vía. Chiến sĩ lái CQ đành quay xuồng tránh viên đá mồ côi, rồi từ từ di chuyển lên đảo.Ai đã từng đến Trường Sa công tác đều muốn mang bàng vuông về làm kỷ niệm.

Ai đã từng đến Trường Sa công tác đều muốn mang bàng vuông về làm kỷ niệm.

Dưới tán bàng vuông

Chỉ có hơn 1 giờ đồng hồ để lên mỗi điểm đảo, nếu không biết tận dụng thời gian để tác nghiệp, vèo một cái đã đến lúc trở lại tàu. Vả lại, khi mà cán bộ chỉ huy đảo bận đón đoàn, các chiến sĩ thì mê mải với những tiết mục trong chương trình giao lưu văn nghệ với các văn công, phóng viên phải xác định cho mình chủ đề đề tiếp cận. Cùng một đề tài tuyên truyền về biển đảo Trường Sa, mỗi người trong tổ phóng viên chúng tôi có một cách tác nghiệp riêng tùy theo năng khiếu và sự mẫn cảm của mình. Người thì bám sát các hoạt động của lãnh đạo đoàn, người thì quan tâm tìm hiểu việc trồng rau xanh ở vùng thiếu nước ngọt; y tế biển đảo; người thì ghi lại những hình ảnh đặc biệt làm tư liệu; người lại đồng cảm với tâm sự của những anh lính xa nhà…

Trao đổi với Trung tá Nguyễn Tuấn Anh - Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa Đông được biết: “Đây là một đảo không được thiên nhiên ưu đãi, thời tiết trên đảo khắc nghiệt, nắng, mưa, giông gió thất thường lại nằm trên bãi san hô ngập nước dài khoảng 1 hải lý. Lớp mùn san hô trên đảo mỏng, rất khó cho việc trồng cây xanh. Thế nhưng các thế hệ cán bộ, chiến sĩ công tác trên đảo trong hơn 30 năm qua, cả đảo Trường Sa Đông giờ đã được phủ một màu xanh của sự sống bằng nhiều loại cây khác nhau như bàng vuông, bàng ta, cây tra, cây dừa, phong ba, bão táp. Từ một đảo san hô trơ trọi, cằn cỗi, đến nay, diện tích mặt cây xanh đã phủ đầy 80% bề mặt đảo. Trên đảo có quy định không được bứt phá cây để giữ cảnh quan, bóng mát; ai vi phạm sẽ bị trừ thi đua, thậm chí kỷ luật”, Trung tá Tuấn Anh nói.

Cánh nhà báo chúng tôi đi gần hết một vòng đảo mà vẫn chưa nhìn thấy quả bàng vuông nào. Đem câu chuyện thắc mắc vì sao trên đảo tìm được quả bàng vuông khó quá, Trung tá Tuấn Anh chia sẻ: “Mỗi năm đảo đón nhận rất nhiều đoàn ra thăm đảo. Thường các thành viên đoàn ra thăm, ai cùng muốn hái một vài trái làm kỷ niệm với đảo, chắc có lẽ vì chúng tôi không kiểm soát hết được do số lượng người lên đảo đông nên nếu mỗi người cứ hái một quả thì đến các đoàn sau ra chỉ có thể nhìn thấy quả bàng vuông trên hình ảnh”. Vừa nói vừa lắc đầu, Trung tá Tuấn Anh chia sẻ thêm: “Tuy nhiên, để giải quyết tình trạng này, chỉ huy đảo đã chỉ đạo chiến sĩ, thực hiện việc chiết cành để các đoàn có nhu cầu sẽ tặng làm quà từ đảo xa với đất liền là những cây bàng vuông. Tuy vậy, cũng không thể đáp ứng đủ nhu cầu của các đoàn công tác từ đất liền ra với đảo”, Trung tá Tuấn Anh nói.

Thiết nghĩ, việc không hái quả bàng vuông nào trên đảo Trường Sa là việc làm đúng, thiết thực, việc làm này sẽ tạo điều kiện cho những đoàn công tác ra sau còn có cảm nhận về biển đảo quê hương với những quả bàng vuông. Và quả bàng vuông sẽ nở hoa kết trái, hình ảnh cây bàng vuông sẽ luôn nhắc chúng ta nhớ về Trường Sa - mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc. Bởi lẽ, bàng vuông đã gắn liền với mảnh đất xa xôi và thiêng liêng này. Hình ảnh của nó chính là hình bóng và tình cảm thiêng liêng của Trường Sa, luôn nhắc nhở mọi người: “Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước!”.


Bài, ảnh: Trần Lâm
Ý kiến của bạn