Cảm phục tấm lòng sư cô sẵn sàng hiến thận khi còn sống

04-08-2016 15:42 | Y học 360
google news

Không chỉ muốn hiến xác khi qua đời, sư cô Chánh Tịnh còn sẵn sàng hiến thận khi vẫn đang khoẻ mạnh khiến nhiều người cảm phục.

Lần đầu tiên gặp sư cô Chánh Tịnh, xuất gia tại thiền viện Phước Sơn, Biên Hoà, Đồng Nai vào một ngày nắng như đổ lửa tại Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, ấn tượng đầu tiên của tôi về cô là sự điềm đã

Sư cô Chánh Tịnh hiện đang học Phật học tại Đại học Mahachulalongkorn - Thái Lan, trong thời gian về nghỉ hè thăm gia đình tại Hà Nội, sư cô Chánh Tịnh đã tìm đến Trung tâm, bày tỏ tâm nguyện muốn được hiến tạng ngay khi đang còn sống, khoẻ mạnh.

Sư cô Chánh Tịnh sẵn sàng hiến tạng khi còn sống

Sư cô chia sẻ: “Cách đây 1 năm tôi đã làm thủ tục đăng ký hiến tạng trong bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM. Tìm hiểu ra, thì đó là hiến tạng cho nghiên cứu khoa học sau khi chết. Nhưng tôi muốn thiết thực hơn là hiến tặng cho những người bệnh để họ có cơ hội được sống.

Tôi biết thông tin đã 2 lần tạng phải chuyển gấp từ TP.HCM ra Hà Nội để ghép. Vậy nên, là một người con được sinh ra lớn lên tại Hà Nội, tôi mong muốn được làm một điều gì đó dù nhỏ cho cộng đồng”.

Điều quan trọng là khi ta tồn tại hay ra đi thì điều mình mang đến cho người khác là gì? Chân – Thiện – Mỹ mới là từ bi. Chẳng bám chấp vào thân xác này mới là buông bỏ.

Sư cô Chánh Tịnh

Trả lời câu hỏi về quan niệm ‘toàn thây’ và liệu người theo đạo Phật đăng ký hiến tạng có ảnh hưởng gì đến con đường tu tập, sư cô bày tỏ: “Thật ra, Đạo Phật từ bi, con đường giác ngộ của đạo Phật là "không gì là của ta" nên việc giữ thân mạng này chẳng phải là điều cần thiết. Điều quan trọng là khi ta tồn tại hay ra đi thì điều mình mang đến cho người khác là gì? Chân – Thiện – Mỹ mới là từ bi. Chẳng bám chấp vào thân xác này mới là buông bỏ thưa nhà báo”.

Cảm phúc trước tấm lòng của sư cô, tôi càng bất ngờ hơn khi cô 2 lần đề nghị muốn đăng ký hiến mô tạng ngay khi còn sống, mà không sợ ảnh hưởng đến cơ thể và sức khoẻ của bản thân.

Khi được hỏi về nguyên nhân dẫn đến quyết định này, mắt sư cô ngấn lệ: “Thực ra, bố tôi bị ung thư phổi và mất cách đây đã 8 năm. Bình thường ông vốn là người khỏe mạnh, cao đến gần 1m80, nặng 64kg, hàng tuần ông vẫn ra sân đá bóng, vậy mà sau khi đi khám vì bị ho thường xuyên rồi phát hiện bị u, chỉ sau một tháng rưỡi ông đã ra đi.

Sau đó 1 tháng, tôi cũng chứng kiến một người bạn bị bệnh gan mà ra đi. Người đó có thừa tiền để ra nước ngoài chữa nhưng có lẽ, lúc đó, tiền không còn có ý nghĩa gì nữa.

Sau khi cha mất, rồi người bạn đó ra đi và trong đầu tôi cứ quẩn quanh suy nghĩ nếu có tiền mà không có sức khỏe thì cũng không để làm gì. Rồi tôi có cơ duyên biết, tìm đến với đạo Phật.  Tôi đã đi từ thiền viện này đến thiền viện khác, rồi được  thượng toạ, Viện chủ Thích Bửu Chánh trợ duyên cho được xuất gia tại thiền viện Phước Sơn, Đồng Nai.

Sống ở thiền viện cùng hơn 300 quý tăng ni, được chứng kiến cách thầy đối xử với các tăng ni, những người không may đến nương tựa cửa Phật khiến tôi thấy thật ấm áp. Sư thầy có thể xây chùa rộng, tháp cao vì sư thầy có uy tín, có nhiều người theo nhưng sư thầy đã dành tiền để xây cốc liêu (nhà nhỏ) cho những người không may phải đến nương cửa Phật. Sư thầy tôi dang tay với tất cả mọi người, ông bệnh nhưng ông sẵn sàng chia sẻ thuốc và vật dụng cho người bệnh, người già trong thiền viện.

Có người đến chữa cho sư phụ, sư phụ nói hãy chữa cho các tăng ni. Ở thiền viện, tôi được thấy, được sống một kiếp người tử tế nhất. Rồi ông bị bệnh gan nặng và mọi người tìm cách chữa cho ông, mọi người biết, nếu ông sống, ông sẽ làm được nhiều việc ý nghĩa lắm.

Trước khi đăng ký hiến mô, tạng, tôi có xin phép sư thầy sẽ đăng ký hiến mô tạng sau khi chết và cả tạng khi còn sống. Và dù tôi có hiến thận khi còn sống thì tôi còn 2 con mắt với 2 bàn tay, tôi sẽ làm và sống được, việc này cũng được cả mẹ và em trai tôi đồng ý”.

Sư cô nhận giấy chứng nhận đăng ký hiến mô, tạng

Ký vào lá đơn đăng ký hiến tạng, sư cô Chánh Tịnh nói: "Tôi đã quá gần ranh giới giữa sự sống và cái chết, nên thấy cuộc sống thật vô thường, mang đi cái gì của mình trao đi là mình buông. Tôi là người thứ 27 hiến tạng sống, đó là điều hạnh phúc như là để tri ân hồi hướng đến người cha đã khuất vì ông sinh nhật ngày 27/7".

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người chia sẻ, "Việc làm của sư cô là điều đáng quý và trân trọng. Chúng tôi tiếp nhận đơn và tấm lòng của sư cô".

Chào tạm biệt sư cô ra về, tôi cứ nghĩ mãi về câu nói cuối cùng khi cô nhắc đến chuyện bản thân mình đăng ký hiến tạng: "Có bài hát nói rằng " 60 năm cuộc đời " nhưng với tôi 35 năm đã là tròn đủ kiếp người, có thì hãy trao đi với cái Tâm đừng mưu cầu nhận lại gì. Bản thân Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đăng ký hiến tạng rồi và bà có nói một câu “Cho đi là còn mãi mãi”, câu này được trích trong kinh Phật. Với những người cho đi, không phải họ hy vọng gì vào việc nhận lại. Khi họ cho đi tức là họ đã rất ‘giàu có’, nên không phải cho đi để nhận về thêm nữa".

Được biết, tính đến ngày 15/6/2016, đã có 4.382 người đăng ký hiến tạng sau khi chết, chết não trên toàn quốc. Người đăng ký hiến tạng khi còn sống là 30, tổng số người thực hiện hiến tạng khi còn sống sau khi đăng ký là 6 người. 26 người đăng ký hiến xác tại Trung tâm. Đâu đó trên khắp đất nước này, những tấm lòng nhân ái, đầy tình người và không hề sợ hãi trước cái chết đã làm một việc đầy ý nghĩa, tấm lòng của họ, trái tim của họ sẽ đến được với rất nhiều người, mang sự sống đến với các người bệnh đang từng ngày chờ được ghép tạng.

Video: Kỳ diệu trái tim đập sau khi ghép


Ý kiến của bạn