Bệnh cảm mạo phong nhiệt có biểu hiện: Sốt, nặng đầu, sợ gió, không sợ lạnh, mũi khô, ho, ho ra đờm có thể chảy máu cam... Trong y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian rất chú trọng món ăn kết hợp vị thuốc để trị liệu căn bệnh này.
Món ăn bài thuốc trị cảm phong nhiệt
Bài 1: Quán chúng 10g, trứng gà 1 quả. Hai thứ rửa sạch cho vào nồi luộc chín với 300 ml nước, sau đó bỏ bã thuốc, ăn trứng uống nước.
Công dụng: Thanh nhiệt giải độc, giảm ho, viêm họng do cảm phong nhiệt.
Bài 2: Bạc hà tươi 30g (nếu khô dùng 10g), gạo tẻ 60g, đường phèn vừa đủ. Đem bạc hà sắc trong 5 phút, bỏ bã lấy nước; cho gạo vào nồi ninh thành cháo, khi chín đổ nước sắc bạc hà vào, đun một lát là được, chế thêm đường phèn, chia ăn 2 lần trong ngày, ăn nóng.
Công dụng: Sơ phong giải biểu, trừ ho, giảm đau do cảm phong nhiệt.
Bài 3: Kim ngân hoa 30g, sơn tra 10g, mật ong 250g. Sắc kỹ kim ngân hoa và sơn tra 2 lần lấy nước bỏ bã, sau đó cho mật ong vào quấy đều, chia uống vài lần, tuỳ thích.
Công dụng: Tân lương giải biểu, thanh nhiệt giải độc trong trường hợp cảm phong nhiệt.
Bài 4: Dưa hấu và cà chua lượng vừa đủ. Dưa hấu gọt vỏ, thái nhỏ, ép lấy nước; cà chua luộc qua, bóc bỏ vỏ, nghiền nát rồi đổ nước dưa hấu vào, quấy đều rồi chia uống vài lần.
Công dụng: Thanh nhiệt sinh tân, giúp cơ thể giảm nhiệt, trừ phiền, mát phổi.
Bài 5: Rau cải bẹ 3 cây, hành củ cả rễ 2 củ, lô căn 10g. Ba thứ rửa sạch, sắc trong 10 phút, lấy nước uống.
Công dụng: Giải biểu, thanh nhiệt trừ thấp, phát tán tà khí trong cơ thể.
Mời độc giả xem thêm video:
Trạm y tế lưu động hỗ trợ người dân ứng phó với dịch bệnh.