PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ TW, Tổ trưởng Tổ công tác của Ban Chỉ đạo Quốc gia về dịch COVID-19 cắm chốt tại xã Sơn Lôi chia sẻ điều này tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2020 và phòng chống dịch bệnh COVID-19 diễn ra sáng 25/2/2020.
Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cũng cho hay, đã có nhiều câu hỏi đặt ra, thậm chí nhiều ý kiến băn khoăn rằng tại sao lại phải tiến hành cách ly y tế cả một xã và tại sao lại là Sơn Lôi, Vĩnh Phúc?
Lý giải điều này, PGS. Dương cho rằng, chúng ta đều biết để ngăn chặn được dịch bệnh không lây lan thì phải phát hiện được nguồn lây để cách ly, cô lập. Chính vì vậy quan trọng bậc nhất là phải giám sát phát hiện được những ca nghi ngờ mắc bệnh một cách sớm nhất trong vùng dịch để tổ chức cách ly.
Cách đây 2 tuần, Sơn Lôi chính là một tâm điểm dịch của Việt Nam vì chỉ trong một thời gian ngắn xã Sơn Lôi ghi nhận 6 trường hợp mắc mới và nguy hiểm hơn dịch đã có biểu hiện lây lan trong cộng đồng (đó là việc đầu tiên ghi nhận sự lây nhiễm trong hộ gia đình sau đó thì lây lan sang ho hàng và cuối cùng là lây lan sang hàng xóm).
Do đó, theo PGS. Dương: “Quyết định thực hiện khoanh vùng cách ly y tế toàn bộ xã Sơn Lôi là một quyết định rất đúng đắn, rất kịp thời và rất trách nhiệm”.
PGS.TS Trần Như Dương.
Giám sát chủ động, "rà từng ngõ, gõ từng nhà"
PGS. Dương cũng cho biết, ngành y tế đã tiến hành thiết lập ngay hệ thống giám sát chủ động trên toàn xã Sơn Lôi để phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh COVID-19 tại cộng đồng. Tổ công tác đã lập danh sách toàn bộ các hộ gia đình và các thành viên trong hộ gia đình của xã Sơn Lôi với 10.600 nhân khấu, 2.774 hộ gia đình.
Và để làm công việc này, toàn bộ người dân Sơn Lôi đã đồng lòng vào cuộc cùng chính quyền, ngành y tế.
Tổ công tác đã huy động 60 người gồm y tế thôn đội, trưởng thôn, hội viên hội phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn viên thanh niên tình nguyện trong toàn xã và chia làm 30 nhóm, mỗi nhóm 2 người vào cuộc.
Các nhóm này được phân công chịu trách nhiệm tới từng hộ gia đình, mỗi nhóm phụ trách từ 60-80 hộ dân (có danh sách phân công cụ thể).
Ngoài ra, để thuận lợi cho quá trình làm việc của các nhóm, Tổ công tác cũng đã thiết kế các biểu mẫu theo dõi sức khỏe hộ gia đình, biểu mẫu báo cáo, xây dựng hướng dẫn ngắn gọn mang tính cầm tay chỉ việc cụ thể cho những người tham gia.
Tổ chức tập huấn ngắn gọn, giao nhiệm vụ cho tất cả các thành viên.
Phát các biểu mẫu giám sát, nhiệt kế, khẩu trang và dung dịch sát khuẩn tay cho các nhóm giám sát.
Hàng ngày, nhóm cán bộ giám sát “rà từng ngõ, gõ từng nhà” thực hiện đo thân nhiệt, hỏi từng người về tình hình sức khoẻ để phát hiện ngay những người có dấu hiệu nghi ngờ đầu tiên tại hộ gia đình. Ghi chép kết quả vào biểu mẫu giám sát hộ gia đình và thực hiện tổng hợp báo cáo cuối ngày cho trạm y tế xã và cho tổ công tác.
Khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại hộ gia đình, nhóm giám sát sẽ cho bệnh nhân đeo khẩu trang ngay và lập tức báo cáo bằng điện thoại cho Trạm Trưởng trạm y tế xã để phối hợp đưa bệnh nhân đi cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm.
Bên cạnh đó tổ công tác cũng yêu cầu y tế tuyến huyện và xã rà soát lại và lập danh sách một lần nữa tất cả những người tiếp xúc gần với ca bệnh xác định và ca bệnh nghi ngờ trước đây để tổ chức cách ly.
Tại trạm y tế xã, tổ công tác phân công cán bộ của CDC tuyến tỉnh và huyện trực cắm chốt tại Trạm y tế xã 24/24h để nắm bắt thông tin dịch bệnh đồng thời bố trí sẵn 2 xe cứu thương (một xe để vận chuyển bệnh nhân cấp cứu những bệnh thông thường và một xe cứu thương chuyên để vận chuyển những ca nghi ngờ mắc bệnh lên các cơ sở cách ly).
Tất cả những công việc trên đều với mục đích cao nhất là để khoanh vùng, cô lập toàn bộ vùng dịch, dập dịch triệt để không để nguồn bệnh có thể thoát ra ngoài và không để lây lan sang các địa phương khác – PGS.TS Trần Như Dương nói.
Người dân Vĩnh Phúc không bị động, chủ quan nhưng cũng không quá hoang mang trước dịch bệnh. Việc cách ly triệt để và điều trị tích cực sẽ giúp Vĩnh Phúc khoanh vùng tốt, không để bệnh lây lan ra diện rộng.