Hôm ấy, sau một ngày làm việc cật lực với người bệnh, như mọi khi đến giờ về, tôi ra xe. Sau khi mặc đủ thứ quần áo chống nắng, chống nóng, đeo khẩu trang, tôi bắt đầu khởi hành. Tiết trời thật khắc nghiệt, trời nóng dường như mọi thứ đều bắt nắng, toả nhiệt hầm hập. Đã gần 4 giờ chiều, nắng vẫn như đổ lửa xuống mặt đường. Chẳng nói chẳng rằng, tôi lầm lũi cho xe tăng tốc độ lên cao để gió làm xua bớt cái nóng. Nóng trên đường cộng thêm cái nắng chiếu xiên khoai làm cho không khí vô cùng oi bức, hơi nóng phả vào mặt khiến tôi có cảm giác tức ngực, khó thở.
Khi tôi về đến ngã ba Linh Đàm, trời tuy nắng nóng nhưng các dòng xe cộ vẫn nườm nượp, dường như xe nào cũng muốn chạy nhanh để tránh cái nóng. Đang muốn nhanh thì đèn đỏ bật sáng, tôi miễn cưỡng dừng xe chống chân xuống mặt đường. Chà nóng quá! Tôi có cảm giác hơi nóng trên mặt đường nhựa bốc lên như muốn làm da chân tôi tuột ra. Xe cộ nhiều thế này, khéo lại tắc đường mất. Linh Đàm là một ngã ba cửa ngõ ở phía Nam thành phố Hà Nội lúc nào xe cộ cũng đông đúc, việc di chuyển đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Vì vậy, hàng ngày tôi đi làm qua đây thường hay bị tắc. Liệu có tắc đường không đây? Tôi thở dài và tự hỏi, trời nóng nắng thế này, làm sao có thể có công an giao thông chỉ đường?
Nhưng tôi đã nhầm, các dòng xe cộ tuy đông nhưng vẫn qua lại khá quy củ, không có vẻ gì là tắc đường cả. Một tiếng còi chỉ đường vang lên ngắn gọn. Nhìn kĩ, tôi mới thấy bóng áo vàng của một chiến sĩ công an, có lẽ vì lúc nãy do chói nắng nên tôi không nhìn thấy. Dáng vẻ cao cao, nước da sạm nắng, âu có phải đó là đặc thù nghề nghiệp vất vả suốt ngày làm việc dưới nắng mưa không mà nét mặt anh thật khắc khổ và khó đoán tuổi? Trên đầu đội mũ cảnh phục cứng, trông anh thật là gần gũi, nó làm tôi cứ liên tưởng đến hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ khi xưa. Anh đang sải những bước chân trên mặt đường đầy nắng và nóng hầm hập, bộ cảnh phục ướt đẫm mồ hôi, anh cần mẫn dùng cây gậy chỉ đường, hướng dẫn cho mọi phương tiện di chuyển. Sống mũi chợt cảm thấy cay cay, tôi nhớ ngay đến cái điều hoà cà tàng của căn phòng giao ban khoa, tuy nó kém nhưng không khí phòng giao ban còn mát chán và dễ chịu gấp vạn lần cái không khí mặt đường anh phải đứng. Hình ảnh của anh làm cho tôi nhớ lại những hình ảnh đã gặp nhiều lần tại các ngã ba, ngã tư trên đường đi làm mà nhiều khi do vội lo đến công việc của mình mà tôi không để ý.
Tôi cũng đã từng nhiều năm khoác áo lính chiến đấu vào sinh ra tử, đã từng chịu đựng nhiều gian khổ và dẫu biết mỗi người một nhiệm vụ, nhưng từ trước đến nay, sự thiện cảm của tôi dành cho lực lượng các anh là không nhiều. Và trong thời đại ngày càng phát triển như ngày nay, khi mọi người đã quá quen sung sướng với sự phục vụ đầy đủ của các tiện nghi hiện đại thì hình ảnh người chiến sĩ công an giao thông lưng áo ướt đẫm mồ hôi hướng dẫn từng làn xe chạy dưới trời nóng nắng như đổ lửa ngày hôm ấy đã làm tôi thực sự xúc động và trong lòng tôi dâng lên một niềm cảm thông thật sâu sắc.
Vẫn biết ở đâu cũng có người tốt và còn người khiếm khuyết, vẫn còn đâu đó những hiện tượng con sâu làm rầu nồi canh, nhưng hình ảnh của người chiến sĩ công an giao thông ngày hôm ấy đã khắc sâu trong tâm trí tôi, làm cho tôi thật sự ấm lòng và càng cảm nhận thấy được sự sâu sắc, thiêng liêng của hai từ "đồng chí". BSCKII. Nguyễn Hoàng Điệp (Bệnh viện Tâm thần Trung ương I)
BSCKII. Nguyễn Hoàng Điệp(Bệnh viện Tâm thần Trung ương I)