Cấm lưu hành “Màu hoa đỏ” là vô lý

24-03-2017 14:53 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Đó là chia sẻ thẳng thắn của Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên với báo giới xung quanh sự việc Sở VH-TT&DL tỉnh Tiền Giang gần đây có văn bản cấm lưu hành, phổ biến ca khúc “Màu hoa đỏ” của nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc Nguyễn Đức Mậu khiến dư luận dậy sóng.

Theo đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang vừa qua đã ký 2 công văn gửi Sở TN&MT, UBND và Phòng Văn hóa Thông tin các huyện, thị, thành trong tỉnh, yêu cầu cấm hát bài “Màu hoa đỏ”. Công văn thứ nhất có số hiệu 120/SVHTTDL-TTr nêu rõ: đề nghị Phòng VHTT các huyện, thành thị thông báo cho các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn quản lý yêu cầu trong thời hạn 30 ngày phải gỡ bỏ ngay các bài hát chưa được cấp giấy phép phê duyệt nội dung….

Màu hoa đỏ là nhạc phẩm đã ăn sâu vào tâm trí người yêu nhạc kể từ khi ra đời từ năm 1991

Kèm theo công văn này là danh sách 354 bài hát “không được phép lưu hành, cấm phổ biến”, và ở số thứ tự từ 152 đến 154 là nhạc phẩm 'Màu hoa đỏ' của nhạc sĩ Thuận Yến sáng tác năm 1991 (phổ thơ Nguyễn Đức Mậu). Điều này khiến dư luận hết sức bất bình, khó hiểu bởi “Màu hoa đỏ” là  1 ca khúc nổi tiếng nói về thời chiến tranh bom đạn ác liệt và từng được trao giải ca khúc xuất sắc của Bộ Quốc phòng vào năm 1994. Kể từ khi ra đời, “Màu hoa đỏ” đã chiếm trọn tình cảm, sự trân trọng của công chúng; đồng thời nhạc phẩm này cũng xuất hiện trong rất nhiều chương trình ca nhạc lớn nhỏ, được nhiều nghệ sĩ thể hiện thành công như Thanh Lam, Thái Hòa, Tùng Dương, Trọng Tấn, Đàm Vĩnh Hưng…

Cố nhạc sĩ quân đội Thuận Yến là người đã thổi hồn cho "Màu hoa đỏ" của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu thành một nhạc phẩm nổi tiếng

Việc dư luận dậy sóng với lệnh cấm ban hành ca khúc “Màu hoa đỏ” của ngành văn hóa Tiền Giang là điều dễ hiểu, trước hết đây là một nhạc phẩm có nhạc điệu vừa bi hùng vừa thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa và niềm tự hào dân tộc. Khi biết thông tin khó hiểu trên, chia sẻ với báo giới, ca sĩ Trọng Tấn cho biết, “Màu hoa đỏ” là ca khúc không chỉ hay về mặt văn học mà rất hay về âm nhạc. Ca khúc được với với cảm xúc bi thương, tinh thần tha thiết, với hình ảnh vừa giản dị vừa xúc động về người lính. Mỗi khi thể hiện “Màu hoa đỏ”, tôi thấm thía sự mất mát để đổi lấy tự do, độc lập cho dân tộc. Trong khi đó, theo quan điểm của cá nhân ca sĩ Tùng Dương, “Màu hoa đỏ” là ca khúc bất hủ, là một trong những ca khúc hay nhất về đề tài người lính.

Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) đã có công văn hỏa tốc gửi đến Sở VH-TT&DL tỉnh Tiền Giang về việc cấm lưu hành ca khuc "Màu hoa đỏ"

Trước một sự việc đang gây xôn xao dư luận, ngay trong sáng 24/3, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) đã có công văn hỏa tốc gửi đến Sở VH-TT&DL tỉnh Tiền Giang. Theo đó, Cục Nghệ thuật biểu diễn đề nghị Sở VH-TT&DL tỉnh Tiền Giang khẩn trương báo cáo về việc này kèm theo các văn bản có liên quan về Cục Nghệ thuật biểu diễn trước ngày 26/ 3 để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL. Về phía tỉnh Tiền Giang, trao đổi với báo giới vào sáng nay, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND tỉnh Tiền Giang - ông Phạm Văn Trọng khẳng định việc Sở VH-TT&DL tỉnh Tiền Giang cấm hát ca khúc nổi tiếng “Màu hoa đỏ” là sai, UBND tỉnh cũng đã yêu cầu Sở VH-TT&DL Tiền Giang khẩn trương làm giải trình và có văn bản điều chỉnh.

Ngoài ra, theo đánh giá của ông Vương Duy Biên - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, nếu nói do hình ảnh trong băng đĩa karaoke không phù hợp với bài hát thì Sở VH-TT&DL tỉnh Tiền Giang phải yêu cầu sửa hình ảnh, chứ không thể cấm bài hát đó. “Tiền Giang cấm bài hát Màu hoa đỏ là sự vô lý. Đây là một bài hát hay, đi vào lòng người bao thế hệ như vậy mà bỗng dưng lại bị cấm. Không thể cứ cái gì không quản được là cấm. Cách làm của Tiền Giang như vậy là không ổn” – ông Vương Duy Biên nhấn mạnh.

NSƯT Thanh Lam - con gái cố nhạc sĩ Thuận Yến trình bày ca khúc "Màu hoa đỏ" trong chương trình Giai điệu tự hào. "Màu hoa đỏ" cũng là ca khúc làm nên tên tuổi Thanh Lam và ca khúc thành công nhất do chị thể hiện


Quỳnh Phạm
Ý kiến của bạn