Cam Lộ - Như ngữ nghĩa sương ngọt của mình, là mảnh đất mà con người và thiên nhiên luôn chắt chiu để có được các cánh đồng Kim Ðâu, kho thóc Trương Xá, nghề làm bún làm bánh ở Cẩm Thạch, nghề vàng bạc mỹ nghệ ở An Xuân, nghề làm giấy ở Phổ Lại, nghề đúc đồng ở Phước Tuyền nổi tiếng cùng sự phồn thịnh của chợ Phiên và chợ Sòng,...
Cổng làng Cam Lộ. (Nguồn: Internet)
Tên gọi Cam Lộ được nhắc đến đầu tiên vào năm 1553 trong sách Ô châu cận lục của học giả Dương Văn An. Năm 1776, khi đang giữ chức quan Hiệp trấn xứ Thuận Hóa, nhà bác học Lê Quý Đôn có chuyến tuần du vùng Tây Dinh Cát ở Ái Tử của huyện Triệu Phong và đã ghé Cam Lộ như đã viết trong sách Phủ biên tạp lục: “...Thấy Cam Lộ là đường núi đi sang Ai Lao, sợ giặc trốn đi đường ấy, muốn sai hai cơ quan quân phô trương thanh thế, tiếp ứng với nhau ở xa mà đón ở phía tả, tôi liền đi từ chợ Sòng về phía Tây qua các xã An Bình, An Xuân, Phú Ngạn, Cam Đường, Lâm Lang, Khang Mỹ sang sông đến Cam Lộ, đường cũng bằng phẳng, dân cư liền nhau... Xã Cam Lộ, huyện Đăng Xương ở thượng lưu sông Hiếu, phía Đông thông với Cửa Việt, phía Tây giáp với các làng bản người đất Ai Lao, đường sá của dân Man đều quy tụ vào đây, xa thì có nước Vạn Tượng, phủ Trấn Ninh, châu Cung Hợp...”.
Sức âm vang của lịch sử vẫn vọng tới ngày nay niềm kiêu hãnh Cam Lộ từng hai lần là kinh đô của nước nhà với sơn phòng Tân Sở ở vùng Cùa đón vị vua yêu nước Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương và thành Vĩnh Ninh tại làng Cam Lộ được chọn làm trụ sở của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Và, trong hơn 43 năm qua, mỗi lần lên điểm cao 241-Carol, điểm cao 544-Fuler, đồi Không tên hoặc đến Đầu Mầu, Động Tròn, Ngã tư Sòng, Mai Lộc, Tân Tường, Hồ Khê, Tân Kim, Đá Mài, Đá Bạc,... lòng người lại dâng lên nỗi tự hào bi tráng về những chiến công và chiến thắng vang dội đã đập tan lá chắn thép, pháo đài bất khả xâm phạm, con mắt thần của hàng rào điện tử McNamara góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Thủy chung son sắt với những nghĩa tình sâu nặng, đất và người Cam Lộ bùi ngùi ghi nhớ biết bao hy sinh gian khổ trong kháng chiến của chiến sĩ du kích vùng Cùa, Cam Mỹ, Cam Giang, Cam Thanh, Ba Lòng, Hải Phúc, Cam Thủy kiên cường; những thanh niên xung phong và chiến sĩ giao liên dũng cảm nơi tuyến lửa. Những gia đình cơ sở vùng căn cứ lõm Cam Giang nuôi giấu cán bộ cách mạng trong hầm bí mật, người dân Cam Thanh với ngọn đèn tín hiệu, tấm lòng của các bà mẹ và em bé vùng Cùa, những phụ nữ Vân Kiều dành gạo nhịn muối để nuôi bộ đội; bà con tiểu thương, thợ thuyền, trí thức, học sinh, tăng ni phật tử hiên ngang trước lưỡi lê, họng súng của kẻ địch; đồng chí, đồng bào các dân tộc ở Ba Lòng, Hải Phúc, Mò Ó, Hướng Hiệp, Đông Thanh, Đông Giang, phường 3, Gio Linh - Gio Cam một thời cùng chung chiến hào đánh giặc; đồng bào, đồng chí ở Vĩnh Linh, Tân Kỳ - Nghệ An và Quảng Ninh, Lệ Thủy - Quảng Bình cưu mang đùm bọc cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Cam Lộ trong những tháng năm khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược; những tướng lĩnh, sĩ quan, chiến sĩ với những trận chiến oai hùng lưu danh cùng sông núi trên chiến trường Cam Lộ,...
Vun đắp tiếp phong hóa sương ngọt giữa non nước thái hòa, những nghĩa tình tạc dạ ghi lòng ấy theo người Cam Lộ làm hồi sinh một vùng bán sơn địa từng là phên dậu của quốc gia đã hứng chịu đến 200% sự hủy diệt của chiến tranh trên núi non, sông suối, đồng ruộng, làng mạc. Từ lúc sát nhập với thị xã Đông Hà năm 1981, được lập lại vào cuối năm 1991 rồi ở trong huyện Bến Hải trực thuộc tỉnh Bình Trị Thiên từ năm 1977 và lại nhập với thị xã Đông Hà vào năm 1981 đến trở lại là huyện Cam Lộ từ tháng 10/1991, huyện Cam Lộ không ngừng tiến về phía trước để ngày một thêm tươi thắm bản lai tốt đẹp của quê nhà. Để rồi hôm nay, khi đến các xã ở vùng đồng bằng hay thị trấn Cam Lộ ở trung tâm huyện lỵ và các xã miền núi Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Tuyền, Cam Thành là có thể hình dung khung cảnh và tâm hồn cuộc sống với cỏ cây tươi nhuận, lao xao sóng biếc như tiến sĩ Dương Văn An từng ghi trong sách Ô châu cận lục gần 500 năm trước.
Hiện thực hấp dẫn, lôi cuốn những người yêu mến Cam Lộ về thăm nhà tằm Tân Tường, hoài cảm dấu tích của kinh thành dự bị - kinh đô kháng chiến sơn phòng Tân Sở, tự hào đứng trong trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam từng đón tiếp đồng chí Fidel Castro - Chủ tịch Cuba cùng nhiều đoàn đại biểu quốc tế tới thăm và cổ vũ nhân dân miền Nam kháng chiến thắng lợi... Trên một dải quê nhà trải dài từ Tân Lâm ở phía Tây đến Trúc Kinh và Gia Độ ở phía Đông, Cam Lộ dựa lưng vào sông Hiếu hiền hòa mát dịu và phóng tầm nhìn tới nhấp nhô trùng điệp của dãy Trường Sơn hùng vĩ trước mặt đồng thời ngược xuôi với Quốc lộ 9 tấp nập người và xe qua lại, Cam Lộ vẫn luôn giữ cho mình cảnh sơn thủy hữu tình và tính cách thanh thoát, đôn hậu như câu ca dao: “Nước Cam Lộ vừa trong vừa mát/ Đường Cam Lộ nhỏ cát dễ đi”. Bởi trong mát, chất phác, thuần lương nên người Cam Lộ đã làm nên màu xanh của cuộc sống mới ở thôn Tân Phú của xã Cam Thành có rất nhiều bom mìn còn sót lại trong đất đai sau chiến tranh bằng bạt ngàn những vườn cao su tươi tốt, đưa làng Định Sơn ở xã Cam Nghĩa trở thành một ngôi làng thơm với mùi hương của cao lá vằng vừa dân dã vừa quý giá nay đã là đặc sản và cũng là “vàng đen” giúp làng vượt qua thời khổ cực với cảnh ăn sắn uống nước vằng, làm ra hạt tiêu Cùa nồng ấm và thơm ngon được thế giới vinh danh thông qua hạng Vàng của Giải thưởng Chất lượng Quốc tế thế kỷ do Tổ chức Business Initiative Directions (BID - Tây Ban Nha) trao tặng.

Lễ hội Cần Vương khơi dậy lòng tự hào dân tộc, đánh giá đúng lịch sử của thành Tân Sở với phong trào Cần Vương. (Nguồn: Internet)
Sương ngọt từ đầu nguồn sông núi đã thấm sâu trong đất đai, đồng bãi, tính nết và tình người Cam Lộ trong buổi thái hòa đã làm nên những mùa vàng no ấm từ miệt đồng bằng Cam An, Cam Thanh, Cam Hiếu, Cam Thủy đến vùng miền núi Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Tuyền, Cam Thành. Mang niềm vui ấy tới chợ Phiên - bến Đuồi, sẽ gặp một khung cảnh đông vui nhộn nhịp có thể lý giải vì sao ngôi chợ thường họp một tháng 6 phiên theo các ngày 3 và ngày 8 âm lịch hàng tháng là một trong những chợ lớn của vùng đất Thuận Hóa xưa đã được nhà bác học Lê Quý Đôn mô tả sự phồn thịnh trong sách Phủ biên tạp lục: “Người buôn các xã thường mang muối, mắm, cá khô, đồ sắt, nồi đồng, thoi bạc, hoa xuyến, các đồ lặt vặt đến đất người Man đổi lấy hàng hóa, thóc, gạo, trâu, bò, gai, sáp, mây, dó, vải Man, màn Man thuê voi chở về chợ Phiên Cam Lộ để bán. Người Man cũng lấy voi chở hàng về chợ Phiên Cam Lộ để bán, mỗi con voi chở được 30 gánh, mỗi gánh được 20 bát. Cũng có nhiều phiên chợ lùa trâu đến 300 con để bán, giá bán mỗi con trâu không quá 10 quan, giá một con voi chỉ 2 hốt bạc và 1 khẩu súng nhỏ...”. Qua rất nhiều thay đổi, chợ Phiên Cam Lộ ngày nay vẫn gợi nhớ câu thơ dân gian: “Cam Lộ là tiểu Trường An/ Thượng thành, hạ thị, thương gia, học đường” và vẫn là cội nguồn cảm xúc của một số nhà thơ đương thời: “...Chợ Phiên một tháng sáu ngày/ Có nhiều hàng bán đắm say lòng người/ Thảo thơm ngô, lạc bãi bồi/ Cá đồng, tôm suối đặm nồi canh me/ Cùa về - măng, mít, tiêu, chè/ Huế ra - áo, vải, khăn the đủ màu/ Hàng trầu xen lẫn hàng cau/ Tơ duyên hò hẹn cho nhau nhớ đời/ Đó đây tiếng khúc khích cười/ Dịu dàng, bẽn lẽn ngọt lời nhớ thương (Một thoáng Chợ Phiên - Nguyễn Đình Phú).
Đại lễ chánh húy Ngài Tiền khai khẩn tại đình làng đã tựu thành, viên mãn. Ngay tại đây, sự liên tưởng bất chợt về đình làng Cam Lộ với câu đối: “Ngoài cổng thuyền xe tấp nập lui tới. Trước mặt sông núi vĩnh viễn tôn nghiêm” mô tả, ca ngợi vị trí phong thổ của làng đưa các thế hệ con cháu tới một niềm tin hương hỏa rằng, đời sống vô giá trên quê nhà Cam Lộ hôm nay đã, đang và sẽ mãi là hành trình của sương ngọt.
NGUYỄN BỘI NHIÊN