Nguyên nhân gây cảm lạnh và bệnh cúm mùa
- Cúm mùa gây ra bởi virus cúm, thường do hai chủng virus cúm A, B gây ra.
- Cảm lạnh gây ra do nhiều loại virus khác nhau, trong đó Rhinovirus chiếm phần lớn.
Hai bệnh này có thể xảy ra quanh năm, nhưng thường gặp hơn vào mùa khô lạnh như mùa đông, đầu xuân. Vì hai bệnh xảy ra cùng mùa, nên càng dễ nhầm lẫn.
Biểu hiện cảm lạnh và bệnh cúm mùa
Triệu chứng của cảm lạnh và cúm mùa khá giống nhau, gồm các triệu chứng sau: Sốt, viêm long hô hấp trên, sổ mũi, nhày mũi, biếng ăn…
Tuy nhiên, trong bệnh cúm mùa thì trẻ thường sốt cao đột ngột (từ 38.5 độ C trở lên). Cảm lạnh thì trẻ sốt nhẹ hơn hoặc không có sốt.
Một dấu hiệu nổi bật của bệnh cúm mùa, đó là hội chứng đau. Đây chính là biểu hiện rõ nhất giúp phân biệt giữa cảm lạnh và bệnh cúm mùa. Trẻ bị cúm nếu đã biết nói thì thường kêu đau đầu, đau cơ bắp, đau nhức khắp mình mẩy. Trẻ nhỏ chưa biết nói chuyện chỉ thể hiện ra là quấy khóc, kích thích nhiều.
Còn dấu hiệu đặc trưng của cảm lạnh là: Viêm kết mạc, sưng phù mí mắt, đỏ mắt, có gỉ mắt…
Dùng thuốc trị cảm lạnh và bệnh cúm mùa như thế nào?
Đây là bệnh do virus gây ra nên không có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị triệu chứng, nâng cao thể lực, sức đề kháng và chờ bệnh tự khỏi và điều trị biến chứng (nếu xảy ra).
- Cho trẻ uống đủ nước: Cung cấp nước cho trẻ thông qua nước uống trực tiếp, sữa, đồ ăn lỏng như cháo, soup...
- Dùng thuốc hạ sốt: Có thể dùng các thuốc như: Paracetamol, ibuprofen...
+ Paracetamol là thuốc hạ sốt khá an toàn cho trẻ. Sử dụng khi sốt trên 38.5 độ C, với liều dùng từ 10-15mg/kg/lần. Khoảng cách giữa các lần dùng thuốc từ 4-6 giờ.
Với trẻ sơ sinh hoặc trẻ có bệnh lý khác kèm theo (gan, thận) thì phải tuân thủ chặt chẽ liều lượng cũng như khoảng cách giữa 2 lần uống thuốc của bác sĩ. Trong quá trình dùng thuốc cần thường xuyên kết nối với bác sĩ để trao đổi về tình trạng của bé.
Thuốc paracetamol cho trẻ có nhiều dạng bào chế: Gói bột, siro, viên đạn... Với trẻ không bị nôn trớ, hợp tác uống thuốc thì nên sử dụng thuốc dạng uống. Viên đạn đặt hậu môn chỉ nên dùng cho trẻ sốt cao, nôn nhiều không uống được (hoặc uống vào lại nôn ra ngay); trẻ sốt cao co giật; trẻ đang ngủ, không muốn đánh thức trẻ.
+ Ibuprofen có tác dụng hạ sốt nhanh và kéo dài thời gian hạ sốt hơn paracetamol. Tuy nhiên, do thuốc khá nhiều tác dụng phụ (ảnh hưởng trên hệ tiêu hóa) nên việc dùng thuốc này cho trẻ phải có sự chỉ định và theo dõi chặt chẽ của bác sĩ.
Ngoài ra, Việt Nam là nước có tỉ lệ sốt xuất huyết cao, do đó thuốc lại càng hạn chế sử dụng thuốc này.
Lưu ý khi dùng thuốc hạ sốt cho trẻ:
- Không dùng thuốc hạ sốt cho trẻ dưới 3 tháng tuổi nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.
- Để đảm bảo an toàn và hiệu quả hạ sốt, liều lượng thuốc hạ sốt cần dùng đúng theo cân nặng của trẻ, không dùng theo độ tuổi.
- Cần tuân thủ khoảng cách giữa 2 lần uống thuốc. Khi trẻ không hạ được sốt như mong muốn cần dùng thêm biện pháp khác (chườm mát, nới lỏng quần áo…) hoặc báo ngay cho bác sĩ. Phụ huynh tuyệt đối không được tự ý tăng liều hoặc rút ngắn thời gian giữa 2 lần dùng thuốc. Bởi nếu quá liều thuốc hạ sốt có thể dẫn đến ngộ độc thuốc, nguy hiểm cho trẻ.
- Dùng thuốc giảm ho: Các thuốc ho cho trẻ cũng có nhiều nhóm: Nhóm thuốc tác dụng lên hệ thần kinh trung ương; nhóm thuốc có tác dụng loãng đờm, tan đờm; nhóm thuốc có tác dụng chống dị ứng, nhóm thuốc thảo dược… đều có tác dụng giảm ho cho trẻ. Tuy nhiên, ho là phản xạ có lợi, giúp tống đẩy đờm và virus, vi khuẩn ra khỏi họng, giúp trẻ mau khỏi bệnh. Chỉ nên dùng thuốc ho khi trẻ ho nhiều dẫn đến mệt mỏi, quấy khóc, nôn trớ, bỏ ăn, khó ngủ…
Phụ huynh có thể thực hiện một số bài thuốc dân gian: Quất chưng đường phèn/mật ong, chanh đào ngâm mật ong... cũng giúp giảm tình trạng ho của trẻ.
- Vệ sinh mũi: Rửa mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý (0.9 %), hoặc xịt vệ sinh mũi bằng nước muối biển sâu, có thể lấy mũi cho trẻ bằng khăn giấy sạch cuốn bấc sâu kèn.
Với cúm mùa ở trẻ em, việc sử dụng các thuốc kháng virus trong giai đoạn sớm chưa có khuyến cáo cụ thể, do đó phụ huynh không nên tự mua về sử dụng cho con. Chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ.
Cảm lạnh hoặc bệnh cúm mùa có thể khá lành tính và đa số tự khỏi trong vòng 1 tuần. Nhưng một số trẻ có thể gặp phải biến chứng: Viêm xoang cấp, viêm tai giữa cấp, viêm tiểu phế quản cấp (với trẻ dưới 2 tuổi); kịch phát cơn hen đối với trẻ có bệnh hen; viêm phổi; khởi phát các bệnh lý miễn dịch, bội nhiễm vi khuẩn. Lúc này cần phải điều trị bằng các thuốc đặc hiệu.
Mời độc giảm xem thêm video:
Người dân đến giao thương ở chợ cố định của Nha Trang vẫn còn thưa thớt