Tuy nhiên, trong bối cảnh đang có dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra, do vậy, cần phân biệt để có hướng xử trí phù hợp, tránh chủ quan hoặc lo lắng quá mức.
Cảm lạnh còn gọi là cảm thông thường với triệu chứng như viêm mũi họng, sổ mũi cấp... Đây là một bệnh gây ra ở đường hô hấp trên nhưng chủ yếu ảnh hưởng đến mũi. Nếu không điều trị, bệnh tự khỏi trong vòng 7 - 10 ngày nhưng một số trường hợp phải dùng thuốc chữa trị để chóng khỏi hoặc khi bệnh kéo dài.
Đặc điểm của cảm lạnh
Khi cảm lạnh, người bệnh bị ho, đau họng, sổ mũi, hắt hơi... Mặc dù các triệu chứng này tự hết trong một thời gian ngắn nhưng cũng có lúc kéo dài đến hết tuần thứ 3. Theo các nhà khoa học, nguyên nhân gây cảm lạnh có liên quan đến virus và khoảng hơn 200 virus có liên quan đến bệnh lý này, chủ yếu là Rhinovirus chiếm tỷ lệ 30 - 80%; ngoài ra, Coronavirus thường cũng có thể gây bệnh với tỷ lệ thấp hơn khoảng 10 - 15%. Hiện nay, bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây nên đang bùng phát dịch toàn cầu không phải là chủng coronavirus gây cảm lạnh thông thường.
Cảm lạnh làm tổn thương niêm mạc mũi, họng và các xoang. Triệu chứng bệnh gây nên do hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng lại với virus chứ không phải do virus gây ra. Vì vậy, có thể nói đây là một bệnh truyền nhiễm thường gặp, trung bình mỗi năm, người lớn có thể bị cảm lạnh từ 2 - 5 lần, còn trẻ em có thể bị từ 6 - 10 lần. Cảm lạnh có thể kéo dài và thường xảy ra nặng trong những ngày mưa lạnh do hệ thống hô hấp quá nhạy cảm, độ ẩm thấp tăng tỷ lệ nhiễm do không khí khô làm virus khuếch tán xa và tồn tại lâu. Hiện nay, chưa có thuốc đặc hiệu điều trị cảm lạnh, chủ yếu là dùng các loại thuốc điều trị triệu chứng.
Thời tiết mưa lạnh khiến nhiều người dễ mắc cảm lạnh.
Thuốc chữa trị cảm lạnh
Thuốc điều trị triệu chứng bao gồm:
Thuốc giảm đau hạ sốt: Dùng thuốc phổ biến không kê đơn như paracetamol (acetaminophen) với liều chung của người lớn 325 - 650mg/lần; cách 4 - 6 giờ hoặc 1.000mg/lần, cách 6 - 8 giờ bằng đường uống hay đặt hậu môn. Nếu dùng viên nén hàm lượng 500mg thì uống 1 - 2 viên cách 4 - 6 giờ; đối với trẻ em dùng liều 10 - 15mg/kg cân nặng, cách 4 - 6 giờ. Có thể dùng thuốc ibuprofen theo chỉ định của bác sĩ. Lưu ý không được sử dụng thuốc aspirin để điều trị giảm đau hạ sốt.
Thuốc giảm ho: Có thể sử dụng thuốc dextromethorphan để giảm ho nhất thời dưới nhiều dạng khác nhau như viên nang, viên nén, dung dịch, si-rô, viên ngậm... dùng nhiều lần trong ngày. Lưu ý không được dùng cho trẻ dưới 2 tuổi, người có nguy cơ suy hô hấp... và thời gian sử dụng không quá 7 ngày. Hiện nay, theo khuyến cáo của các nhà khoa học, thuốc nên sử dụng hạn chế vì lo ngại về tác dụng không mong muốn của chúng như mệt mỏi, chóng mặt, nhịp tim nhanh... và thuốc có thể gây nghiện.
Thuốc chống hắt hơi sổ mũi: Triệu chứng hắt hơi sổ mũi có thể điều trị bằng thuốc kháng histamin. Không được dùng thuốc kháng histamin cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, người có cơn hen phế quản cấp... Thuốc kháng histamin thế hệ 1 có tác dụng phụ gây buồn ngủ, mất tỉnh táo nên cần thận trọng khi sử dụng.
Thuốc làm thông mũi: Thuốc pseudoephedrine được xem là khá hiệu quả trong điều trị cảm lạnh để làm thông mũi do tác dụng giảm tạm thời các triệu chứng sung huyết mũi đi kèm với viêm mũi dị ứng, viêm mũi vận mạch hoặc viêm mũi cấp do cảm lạnh. Tuy nhiên, không được dùng pseudoephedrine cho trẻ em dưới 2 tuổi, người già trên 60 tuổi và người bị tắc mũi do viêm xoang. Việc lạm dụng thuốc trong thời gian dài có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhỏ, thậm chí đe dọa tính mạng, do đó, cần dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Thuốc kháng virus và kháng sinh: Trong những trường hợp cần thiết, việc dùng thuốc kháng virus phải thực hiện theo chỉ định của bác sĩ. Thuốc kháng sinh không có tác dụng ngăn chặn sự lây nhiễm của virus gây cảm lạnh thông thường, do đó chỉ dùng kháng sinh khi có nguy cơ bội nhiễm hay nhiễm trùng thứ phát ở họng, xoang, tai...
Ngoài các loại thuốc cơ bản đã nêu trên, những phương pháp điều trị thay thế như dùng mật ong, dung dịch rửa mũi; dùng chất kẽm, vitamin C, tỏi... và thực hiện chế độ nghỉ ngơi, uống đủ nước để duy trì độ ẩm, súc miệng bằng nước muối... cũng góp phần trong việc chữa trị bệnh cảm lạnh có hiệu quả.
Có thể nói, cảm lạnh là bệnh lý xảy ra khá phổ biến trong mùa mưa lạnh, khí hậu ẩm ướt. Đây là điều kiện thuận lợi để các loại virus gây bệnh cho nhiều người. Mỗi năm, người lớn và trẻ em có thể bị mắc bệnh cảm lạnh nhiều lần tùy theo cơ địa từng người nhưng thường gặp ở trẻ nhỏ, người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch... Với sức đề kháng tốt, bệnh cảm lạnh có thể tự khỏi sau khoảng thời gian 1 tuần; các trường hợp cần thiết có thể sử dụng thuốc điều trị nhưng phải có chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, hiện nay, do đang có diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona nên khi có các triệu chứng như đau họng, sổ mũi, ho..., người bệnh nên đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và sàng lọc kịp thời, chính xác.