Hà Nội

Cảm lạnh - Dùng thuốc không kê đơn sao cho an toàn?

14-01-2022 07:31 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Các triệu chứng của cảm lạnh thường gây khó chịu: Ngứa cổ họng hoặc ho, nghẹt mũi, mệt mỏi… Nhiều loại thuốc không kê đơn (OTC) có thể giúp bạn dễ chịu hơn khi mắc cảm lạnh. Tuy nhiên, đâu là cách sử dụng an toàn?

Cảm lạnh: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừaCảm lạnh: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa

SKĐS - Cảm lạnh là một trong những căn bệnh đường hô hấp hay gặp nhất ở miền Bắc nước ta, nhất là ở thời điểm chuyển mùa mưa nắng thất thường như hiện nay.

1. Vì sao bị cảm lạnh?

Cảm lạnh là một bệnh thuộc đường hô hấp, do virus thuộc chủng Rhinovirrus hoặc Entervirrus gây ra. Chúng xâm nhập vào cơ thể qua mắt, mũi, miệng hoặc qua các giọt bắn trong không khí khi người bệnh hắt hơi hoặc ho. Bệnh gây khó chịu, mệt mỏi, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.

Bệnh thường xảy ra vào mùa đông, khi trời lạnh, mưa hoặc thời tiết thay đổi đột ngột. Bất kỳ ai cũng có thể mắc cảm lạnh. Tuy nhiên, bệnh thường gặp ở mọi người nhất là trẻ em và người già.

photo-1641795514286

Bất kỳ ai cũng có thể mắc cảm lạnh.

2. Triệu chứng của cảm lạnh

Thông thường cảm lạnh bắt đầu với biểu hiện mệt mỏi, toàn thân nhức rã rời, lạnh, hắt hơi kèm theo đau đầu kéo dài trong vài ngày. Người bệnh có thể chảy nước mũi và ho. Các triệu chứng này có thể bắt đầu sau 16 giờ nhiễm bệnh, đỉnh điểm là 2 - 4 ngày sau khi khởi phát và thường chấm dứt sau 7 - 10 ngày. một số trường hợp, bệnh có thể kéo dài đến 3 tuần.

Có khoảng 35 - 40% các trường hợp cảm lạnh ở trẻ em ho kéo dài hơn 10 ngày. 

Cảm lạnh nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách có thể dẫn đến biến chứng: Bệnh viêm phổi, viêm xoang, viêm tai giữa và nhiều căn bệnh khác.

3. Dùng thuốc OTC điều trị cảm lạnh thế nào?

3.1. Điều trị nghẹt mũi và hắt hơi

Những loại thuốc này có thể giúp bạn thở dễ dàng hơn:

Thuốc kháng histamine: Các nghiên cứu cho thấy, thuốc kháng histamine không cải thiện nhiều triệu chứng cảm lạnh, nhưng chúng có thể hoạt động tốt hơn khi kết hợp với thuốc thông mũi. Một số loại thuốc kháng histamine có thể gây buồn ngủ hơn những loại khác, vì vậy hãy lưu ý các tác dụng phụ khi dùng thuốc. Không nên uống rượu khi đang sử dụng thuốc này. Thận trọng khi lái xe hoặc vận hành máy móc.

Thuốc kháng histamin thường dùng như chlorpheniramin, diphenhydramine...

Thuốc thông mũi: Làm co các mạch máu bị sưng trong mũi để giảm nghẹt mũi. Thuốc thông mũi có tác dụng phụ ngược lại với thuốc kháng histamine. Thuốc có thể khiến bạn bồn chồn. Tránh dùng thuốc trong vòng vài giờ trước khi đi ngủ, vì thuốc có thể gây khó ngủ. Nếu bị tăng huyết áp, nên trao đổi với bác sĩ xem liệu có thể sử dụng thuốc thông mũi hay không. Ngoài ra, không sử dụng thuốc xịt thông mũi trong hơn 3 ngày liên tiếp vì có thể làm cho mũi nghẹt trở lại.

Các thuốc thông mũi thường dùng là pseudoephedrine (dạng uống), phenylephrine, oxymetazolin (nhỏ, xịt mũi)...

photo-1641795517726

Nhiều loại thuốc không kê đơn có thể giúp bạn dễ chịu hơn khi bị cảm lạnh.

3.2. Điều trị ho khi cảm lạnh

Thông thường, không cần điều trị ho. Các cơn ho có thể tự biến mất sau vài ngày. Tuy nhiên, nếu ho gây khó chịu có thể dùng một số thuốc có thành phần ngăn chặn phản xạ ho. Những loại khác chứa tác nhân làm loãng chất nhầy. Thuốc ho thường không gây ra tác dụng phụ ở người lớn khỏe mạnh. Nhưng có thể khiến một số người cảm thấy chóng mặt hoặc buồn ngủ. Tuyệt đối dùng thuốc kéo dài mà không có sự đồng ý của bác sĩ.

Các thuốc trị cảm lạnh, giảm ho không kê đơn: dextromethorphan, guaifenesin...

3.3. Điều trị đau và sốt

Acetaminophen (paracetamol) làm giảm đau, hạ sốt, có trong nhiều sản phẩm trị ho và cảm lạnh. Đọc kỹ các nhãn thuốc và làm theo đúng hướng dẫn về liều lượng để tránh uống quá liều acetaminophen.

NSAID như ibuprofen và aspirin rất tốt cho chứng đau nhức. Tuy nhiên, nếu đang dùng thuốc làm loãng máu, cần trao đổi với bác sĩ trước khi dùng aspirin. Không cho trẻ em hoặc thanh thiếu niên uống aspirin. Thuốc có thể làm tăng nguy cơ mắc một căn bệnh hiếm gặp nhưng nghiêm trọng được gọi là Hội chứng Reye.

Các thuốc ibuprofen, acetaminophen và aspirin cũng có thể làm dịu cơn đau họng hoặc có thể dùng dạng viên ngậm hoặc dùng thuốc xịt họng có chứa chất giảm đau như benzocain.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc OTC

Hiện nay, việc mua thuốc OTC điều trị cảm lạnh khá dễ dàng. Mặc dù là thuốc không kê đơn, nhưng khi sử dụng cần lưu ý: 

- Tránh dùng 2 loại thuốc điều trị cảm vì có thể gây tương tác thuốc. Một số bệnh có thể tương tác với thuốc điều trị cảm lạnh (thuốc thông mũi). Vì vậy, nên trao đổi với bác sĩ về tình trạng sức khỏe (bệnh tăng nhãn áp, bệnh tim, tăng huyết áp hoặc nhịp tim không đều...) hoặc các thuốc đang sử dụng để tránh các tương tác có thể xảy ra.

Cảm lạnh nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách có thể dẫn đến biến chứng viêm phổi, viêm xoang, viêm tai giữa và nhiều căn bệnh khác.

- Khi mua thuốc cảm lạnh OTC, cần đọc kỹ nhãn thuốc, kiểm tra xem trong thành phần có chứa hoạt chất đã có trong các loại thuốc khác mà bạn dùng hay không, để tránh dùng nhiều sản phẩm có chứa cùng hoạt chất gây quá liều. Điều này rất hay gặp với các sản phẩm chứa paracetamol. Tuyệt đối không được uống nhiều hơn liều khuyến nghị. Đọc kỹ cảnh báo về các tác dụng phụ có thể xảy ra.

Thông thường, các triệu chứng cảm lạnh sẽ biến mất sau vài ngày. Tuy nhiên, nếu tình trạng khó thở, thở khò khè, ho, nghẹt mũi kéo dài hơn 2 tuần hoặc tái phát, đau họng kéo dài hơn 5 ngày, sốt cao hơn 38,5 độ C, đau ở mặt hoặc xoang…, nên trao đổi với bác sĩ hoặc đến khám tại cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

5. Phòng tránh cảm lạnh

Hiện tại chưa có vaccine phòng cảm lạnh. Do đó, để tránh mắc cảm lạnh, cần lưu ý:

- Giữ gìn vệ sinh: Rửa tay thường xuyên, giữ môi trường sống sạch sẽ. Vệ sinh đồ chơi của trẻ.

- Dùng khăn giấy khi hắt hơi, ho (hắt hơi hoặc ho vào khuỷu tay nếu không có khăn giấy).

- Không dùng chung đồ dùng cá nhân, đặt biệt khi có thành viên trong gia đình ốm.

- Không tiếp xúc với người bị cảm lạnh.

- Ăn uống đầy đủ, tập thể dục thường xuyên.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Khi tiêm mũi 3 vaccine phòng COVID-19 cần lưu ý điều gì?

DS. Thái Sơn
Ý kiến của bạn