Đối với người có sức đề kháng tốt, bệnh dễ dàng bị đánh bại, thậm chí ngay cả khi không dùng thuốc. Tuy nhiên, đa phần phải sử dụng một số loại thuốc cần thiết để chống lại sự khó chịu của bệnh như chảy nước mũi, ngạt mũi, đau nhức mình mẩy...
Cảm lạnh và biến chứng viêm xoang
Bác sĩ tai-mũi-họng thường gặp phàn nàn của người bệnh về tình trạng nhiễm lạnh, sốt, hắt hơi, chảy nước mũi nhưng sử dụng thuốc cảm thì bệnh không khỏi mà các triệu chứng còn nặng lên sau 10 ngày với biểu hiện chảy nước mũi vàng xanh kèm theo đau nhức mặt, mắt. Đến lúc này, bệnh không chỉ đơn thuần là cảm lạnh mà đã chuyển sang giai đoạn biến chứng xoang của đợt viêm mũi họng do lạnh (cảm lạnh). Do đó, nếu sau cảm lạnh 2 ngày các triệu chứng không thuyên giảm, người bệnh phải đến khám tại các cơ sở y tế mà không nên tự ý mua thuốc tại các nhà thuốc. Vì nếu viêm mũi đơn thuần do lạnh hoặc thậm chí viêm mũi mủ do bội nhiễm sau cảm lạnh, việc điều trị chỉ cần 7-10 ngày. Tuy nhiên, nếu bệnh diễn biến thành viêm mũi xoang, người bệnh sẽ phải điều trị trong 1-3 tháng. Đồng thời viêm mũi xoang là một biến chứng từ viêm mũi họng thông thường nên khả năng phục hồi của niêm mạc mũi, xoang rất khó khăn và thường sau đó viêm xoang rất dễ xảy ra, diễn biến nhanh hơn.
Nên dùng thuốc phù hợp khi bị cảm lạnh.
Các thuốc điều trị cảm lạnh
Khi mắc cảm lạnh, bạn thường bị hắt hơi, dịch mũi trong như nước mưa kèm theo đau mình mẩy toàn thân. Để chữa trị các triệu chứng này, thuốc thường được dùng là:
Thuốc giảm đau, hạ sốt: Thuốc được dùng chủ yếu thường chứa thành phần paracetamol (acetaminophen) hay ibuprofen có công dụng hạ sốt, giảm đau. Tuy nhiên, cần lưu ý khi dùng các thuốc này thì không nên uống rượu và khi đã có bệnh gan do rượu sẽ làm tổn thương gan nhiều hơn. Trên thị trường hiện nay còn có loại thuốc kết hợp giữa thuốc giảm đau, hạ sốt với các dược chất khác như thuốc chống dị ứng chlorpheniramin maleat hoặc loratadin, fexofenadin. Do vậy, khi sử dụng, người bệnh cần kiểm tra nhãn thuốc để xem có chứa thành phần thuốc giảm đau hay không để có kế hoạch dùng thuốc hợp lý, tránh hiện tượng quá liều, làm trầm trọng thêm tác dụng không mong muốn.
Thuốc co mạch mũi: Đây là thuốc được dùng tại chỗ của mũi. Trên thị trường hiện nay có hai dạng bào chế chính, đó là dạng thuốc nhỏ mũi và thuốc xịt mũi với hoạt chất chính xylometazolin, naphazoline. Thuốc được các bác sĩ khuyến cáo không nên dùng quá 5 ngày vì nếu sử dụng trong thời gian dài sẽ dẫn đến hiện tượng khô niêm mạch mũi, ngạt mũi nhiều hơn, làm giảm tính đàn hồi của mạch máu trong niêm mạc mũi, làm hư hệ thống màng nhầy - lông chuyển. Do đó, việc đáp ứng của niêm mạc mũi đối với thuốc ngày càng giảm, tạo nên bệnh viêm mũi do thuốc ngạt mũi kéo dài. Argyrol 1% là loại thuốc có muối bạc (AgNO3) có tác dụng sát trùng nhẹ, làm săn niêm mạc mũi.
Thuốc kháng sinh: Có thể sử dụng kháng sinh nhóm beta lactam dự phòng bội nhiễm sau cảm lạnh (theo chỉ định của thầy thuốc sau khi đánh giá khả năng tự phục hồi của niêm mạc mũi bao gồm cả tình trạng viêm nhiễm tấn công vào xoang). Đây là nhóm thuốc có hoạt tính kháng cầu khuẩn Gram dương và Gram âm ưa khí và kỵ khí, kể cả hầu hết các chủng Staphylococcus bao gồm penicilin, cephalosporin và các beta-lactam khác. Tuy nhiên cần lưu ý, không sử dụng thuốc cho người dị ứng với bất kỳ thuốc nào thuộc nhóm beta-lactam hoặc nếu đã từng dùng thuốc nhưng men gan bị tăng trong thời gian dùng. Những trường hợp có tiền sử bệnh gan, bệnh thận, tăng bạch cầu đơn nhân hoặc đã từng bị dị ứng với kháng sinh, đang có thai, đang cho con bú... thì cần thông báo với bác sĩ điều trị khi khám bệnh. Ngoài ra, khi dùng nhóm thuốc này có thể xảy ra các tác dụng phụ nghiêm trọng về phản ứng da, lú lẫn, tiểu máu... thì cần đến khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
Lời khuyên dùng thuốc chữa cảm lạnh an toàn
Chọn thương hiệu thuốc tin cậy: Thông thường, các loại thuốc cảm thường được sản xuất dưới nhiều tên thương mại và nhà sản xuất khác nhau nên khi lựa chọn thuốc dùng, người bệnh nên chọn các thương hiệu nổi tiếng, có uy tín trên thị trường để đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng, quy trình sản xuất an toàn cao.
Lưu ý hạn sử dụng: Đây là thời hạn thuốc đạt chuẩn về chất lượng. Quá thời hạn này, thuốc có thể bị biến chất và không đảm bảo hiệu lực điều trị. Do đó, người bệnh cần kiểm soát thời hạn sử dụng của loại thuốc cần dùng để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.
Biết rõ thành phần thuốc: Để tiện sử dụng cho người bệnh, nhiều nhà sản xuất không chỉ bào chế thuốc với một loại hoạt chất đơn lẻ mà có khi kết hợp nhiều hoạt chất khác nhau. Chính vì vậy, người bệnh cần nắm rõ cả tên hoạt chất và hàm lượng của hoạt chất để tránh tình trạng dùng thuốc quá liều khi kết hợp cùng một hoạt chất trong các toa thuốc khác mà không biết.
Thời điểm uống thuốc hợp lý: Chỉ uống thuốc giảm đau, hạ sốt khi bị sốt cao (trên 38,5oC) để tránh hại gan. Ngoài ra, không nên dùng cùng một lúc một hoạt chất dưới dạng bào chế khác nhau vì sẽ gây quá liều. Ngoài ra, không sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt có kết hợp thành phần chống dị ứng như chlorpheniramin maleat và các biệt dược có chứa chất này cho người đang lên cơn hen, tắc cổ bàng quang, phì đại tuyến tiền liệt, thiên đầu thống (glaucom góc hẹp), tắc môn vị, tá tràng, loét dạ dày, trẻ sơ sinh, người mang thai 3 tháng cuối, người đang nuôi con bú...