Hà Nội

Cắm lại răng vĩnh viễn rơi ra khỏi ổ huyệt răng sau tai nạn

20-08-2020 14:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Các trường hợp chấn thương răng thường gặp là gãy thân răng, gãy thân - chân răng, gãy chân răng, và mức độ nặng nhất là răng rơi ra khỏi huyệt ổ răng. Vì răng có vai trò thẩm mỹ cũng như liên quan trực tiếp đến vấn đề ăn uống sinh tồn trong cuộc sống, nên khi răng bị rơi ra khỏi ổ huyệt cần có biện pháp xử lý đúng để tăng khả năng bảo tồn được răng cho người bệnh.

Nguyên nhân răng bị rơi ra khỏi huyệt ổ răng

Nguyên nhân thường gặp là do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt, va chạm vật cứng như ngã, chơi thể thao, đá bóng hoặc sang chấn khi nhai…

Răng vĩnh viễn bị rơi khỏi ổ răng chiếm tỉ lệ từ 0,5 - 3% tất cả các trường hợp chấn thương răng. Đây là một trong những loại chấn thương răng nghiêm trọng và tiên lượng phụ thuộc rất nhiều vào cách xử trí tức thì tại nơi xảy ra tai nạn và sau khi răng rơi ra khỏi ổ.

Sơ cứu răng rơi ra khỏi ổ răng sau tai nạn

Khi răng rơi ra ngoài, để có thể điều trị và phục hồi thành công thì răng phải được bảo quản tốt và cắm lại càng sớm càng tốt. Kết quả thành công cao khi răng được cắm lại 30 phút sau khi rơi ra. Thời gian răng ở ngoài càng lâu thì tỷ lệ thành công càng giảm. Trường hợp không thể cắm lại răng rơi ra khỏi ổ răng ngay nhưng nếu răng được bảo quản tốt, thì việc điều trị vẫn đem lại kết quả khả quan.

-  Trường hợp răng rơi ra được cắm lại ngay vào ổ răng

Cầm máu bằng cách cắn bông gạc trong 15 phút, tốt nhất là bông gạc tẩm nước muối sinh lý. Nhanh chóng tìm lại răng bị rơi ra, khi nhặt lên tránh cầm vào phần chân răng (phần nhỏ hơn) mà phải cầm vào phần thân răng để tránh làm tổn hại phần dây chằng nha chu giúp kết nối lại răng sau khi cắm.

Nếu răng bẩn, có thể rửa nhẹ nhàng với nước muối sinh lý hoặc rửa sơ dưới vòi nước chảy (tối đa 10 giây). Tuyệt đối không cố làm sạch bằng cách cạo rửa, chải bằng bàn chải hoặc chà bằng vải. Và không được dùng xà phòng hay bất kỳ hóa chất nào để làm sạch răng. Điều này không những không cần thiết mà còn làm tổn hại phần dây chằng nha chu xung quanh.

Sau đó, dùng lực của những ngón tay đẩy nhẹ nhàng răng vào sát xương ổ răng - cắm lại răng tức thì tại nơi xảy ra tai nạn là cách điều trị hiệu quả. Ngậm miệng lại từ từ và giữ nguyên vị trí của răng trong vòng 5 phút, rồi đưa người bệnh đến nha sĩ gần nhất.

- Trường hợp không cắm lại răng rơi ra khỏi ổ răng lại ngay được

Nếu vì một lý do nào đó không thể cắm lại răng rơi ra khỏi ổ được, thì phải nhanh chóng bảo quản răng bị rơi ra. Có những môi trường có thể bảo quản răng rơi ra khác nhau như: nước muối sinh lý, sữa tươi, dung dịch kính áp tròng hoặc thậm chí là nước bọt (ngậm trong miệng ở ngách hành lang má). Đối với trẻ nhỏ thì không nên để trẻ ngậm răng trong miệng mà nhả răng ra để vào môi trường bảo quản thích hợp. Lưu ý răng phải luôn được giữ ẩm ướt. Vì vậy, không được bọc răng vào giấy hay vải.

Thời gian răng nằm bên ngoài xương ổ răng sẽ ảnh hưởng đến tiên lượng của răng cắm ghép sau này. 30 phút là thời gian lý tưởng để cắm lại răng thành công từ lúc xảy ra tai nạn. Vì vậy nên mang đến nha sĩ càng nhanh càng tốt. Mỗi loại môi trường bảo quản sẽ giữ được tế bào dây chằng sống với thời gian khác nhau, khuyến khích giữ trong sữa tươi không đường vì dễ tìm và bảo quản được khoảng 2 tiếng.

Ảnh minh họa

- Trong một số trường hợp, nha sĩ có thể chỉ định kháng sinh để ngăn ngửa bộ nhiễm. Kháng sinh thường được sử dụng là Spiramycin và metronidazole kết hợp.

Theo dõi sau điều trị

Chụp phim X-Quang để xác định răng đã vào đúng vị trí chưa. Theo dõi mức độ vướng cộm ở các tư thế vận động hàm và điều chỉnh các điểm vướng cộm. Ngoài ra có thể tiếp tục điều trị các phần khác bao gồm: điều trị tủy răng do các mạch máu và thần kinh đi vào tủy đã bị đứt… Cuối cùng, sau khi tháo nẹp - phần cố định răng, cần theo dõi sự phục hồi của vết thương ít nhất một tháng.

Những lưu ý sau khi đã cắm lại răng rơi ra khỏi ổ răng sau tai nạn

Sau khi cắm lại răng xong về nhà người bệnh cần thực hiện những chú ý sau đây:

- Cần giữ vệ sinh răng miệng thật tốt.

- Không được nhai trên răng cắm ghép trong 1 tuần vì răng cần nghỉ ngơi để hồi phục.

- Không dùng ngón tay để kiểm tra răng có cứng hay không.

- Không được chải lên răng cắm ghép trong 3 – 4 ngày.

- Sau khi cắm ghép súc miệng bằng nước muối ấm 3 – 4 lần/ngày.

- Tái khám theo hẹn của nha sĩ để nha sĩ theo dõi tiến triển lành thương của răng được cắm ghép.

Cách phòng ngừa

Ảnh minh họa

- Đối với người lớn khi tham gia giao thông cũng cần phải đội mũ bảo hiểm trên xe gắn máy hoặc thắt dây an toàn khi ngồi trong xe ô tô.

- Khi lao động cần có những dụng cụ bảo hộ lao động theo quy định để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.

- Sử dụng các dụng cụ bảo hộ khi chơi thể thao, vận động mạnh.

- Tránh dùng răng để cắn các vật cứng như mía, nắp bia….

Sơ cứu kịp thời trong trường hợp răng rơi ra khỏi ổ rất quan trọng trong cho việc điều trị và phục hồi chức năng của hàm nhai sau này. Việc sơ cứu cần phải bình tĩnh và áp dụng đúng cách, không nên làm bừa. Cuối cùng, sau khi cắm lại răng rơi ra khỏi ổ răng sau tai nạn người bệnh nên theo dõi và nghiêm túc tuân thủ theo quy trình chăm sóc của nha sĩ.

PGS.TS Nguyễn Phú Thắng

Trưởng Bộ môn Phẫu thuật trong miệng, Viện đào tạo Răng Hàm Mặt, Đại học Y Hà Nội


Ý kiến của bạn