Cấm La thiếu đất sản xuất và nước sinh hoạt: Ở bề thế, sống... loay hoay

01-06-2015 09:15 | Thời sự
google news

SKĐS - Được di dời từ khu dân cư Nà Lau từ năm 2003 để nhường đất cho Dự án bảo tồn thiên nhiên, hiện nay, những hộ dân thôn Cấm La (xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn, Quảng Nam) đã có nhà ở ổn định,

Được di dời từ khu dân cư Nà Lau từ năm 2003 để nhường đất cho Dự án bảo tồn thiên nhiên, hiện nay, những hộ dân thôn Cấm La (xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn, Quảng Nam) đã có nhà ở ổn định, có điện thắp sáng, đường giao thông nội vùng được bê tông xi măng, trường học được xây dựng kiên cố... Tuy nhiên, vấn đề đất sản xuất và nước sinh hoạt còn gặp khá nhiều khó khăn.

“Hết đất” dụng nghề

Ông Nguyễn Công (57 tuổi) cho biết: “Sau khi dời ra đây, dân chẳng biết làm gì để sống. Đất sản xuất nông nghiệp không có, đất rừng chung quanh thì nhiều nhưng đều đã có chủ. Cũng muốn khai hoang nhưng biết lấy gì để khai hoang bởi tiền không có, Nhà nước chẳng có chính sách hỗ trợ. Trước cũng có nghe xã hứa sẽ khai hoang phân bổ đất cho nhân dân, nhưng 3 năm rồi có thấy chi đâu. Thôn có 80 hộ thì  hầu hết thuộc diện nghèo. Chỉ số ít người tự khai hoang làm nông, còn đa phần sống dựa vào rừng núi bằng nghề bứt mây, đốn củi”.

Người dân trong thôn phải ra suối gánh nước về sinh hoạt.

Anh Nguyễn Văn Quang (27 tuổi) cho biết, cả thôn có hơn 100 thanh niên nam nữ nhưng chẳng ai có nghề nghiệp gì. Cũng có vài người đi xin việc làm nhưng đi được vài ngày lại trở về, không đâu chịu nhận vì trình độ quá thấp. Quang thổ lộ: “Chẳng lẽ cứ bó gối ngồi nhà, thế là rủ nhau 3 người thành một nhóm lên núi bứt mây nước. Mỗi chuyến đi thường khoảng  một tuần, trúng thì kiếm được vài trăm nghìn đến 1 triệu đồng. Như vậy, thấy người thoải mái hơn, thanh niên mà, cứ ngồi một chỗ, bức bối lắm”. Bà Tô Thị Tiến (72 tuổi) nói trong tiếng thở dài: “Không có đất sản xuất, từ đầu năm đến giờ, con trai và con dâu tôi phải sống nhờ vào việc lên núi đốn củi, bứt mây và đi làm thuê ngoài kia, giờ chỉ còn tôi giữ mấy đứa nhỏ ở nhà”.

Vẫn phải dùng nước “gánh”

Tình hình đất sản xuất ở thôn Cấm La là như vậy, vấn đề nước sinh hoạt còn khó khăn hơn, nhất là hiện nay mới bắt đầu mùa khô. Người dân mong ước là có nguồn nước sinh hoạt, thế nhưng nhiều năm qua, hình ảnh nhiều người trong thôn rủ nhau đi gánh nước đã quá quen thuộc. Trong thôn đã có hệ thống nước sạch nhưng đã bỏ hoang từ lâu. Ông Phạm Thuấn - một người dân trong thôn cho hay, công trình bể chứa nước sạch được đầu tư xây dựng năm 2003 hết 270 triệu đồng, đưa vào sử dụng được 3 tháng thì hỏng, chẳng thấy nước đâu cả, chỉ còn trơ cái bể. Dân phải gánh nước dưới khe về dùng, mùa này, nước khe Rong xanh rờn phân trâu, mùa khô thì đục đen do đầu nguồn người ta đãi vàng. Biết vậy nhưng đành chấp nhận.

Ông Trần Văn Sang - Chủ tịch xã Quế Lâm thừa nhận: “Người dân ở thôn Cấm La sau 12 năm di dời về nơi ở mới, cơ sở vật chất so với nơi cũ có khang trang hơn, tuy nhiên đang gặp khó khăn về đất sản xuất cũng như nguồn nước sinh hoạt. Sắp tới, UBND xã sẽ phân bổ 400ha đất rừng cho những hộ chưa có đất mà có nhu cầu nhận đất để sản xuất theo Quyết định 2462 chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng của UBND tỉnh Quảng Nam. Đồng thời, từ nguồn vốn của Chương trình 135 sẽ hỗ trợ giống, con vật nuôi cho bà con giúp người dân yên tâm sản xuất. Còn vấn đề về nguồn nước sinh hoạt, chúng tôi đã tiến hành khảo sát để khoan 2 giếng nước cho bà con sử dụng và đầu tư  khắc phục sửa chữa công trình nước tự chảy để người dân sớm có nước sinh hoạt, ổn định cuộc sống”.

Để an cư lạc nghiệp, ổn định cuộc sống lâu dài ở Cấm La, đề nghị chính quyền, ngành chức năng liên quan huyện Nông Sơn và xã Quế Lâm sớm triển khai kế hoạch cung cấp đất sản xuất cho người dân và xử lý, sửa chữa công trình bể chứa nước sạch cũng như khoan giếng mới để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Bài, ảnh: Bảo Ngọc - Thân Thiện

 

 

 


Ý kiến của bạn