Vừa qua, Bộ Y tế đã ký cam kết không nằm ghép với 16 bệnh viện (tính đến thời điểm này) nhằm mục đích đảm bảo giường bệnh trong vòng 24 giờ cho mỗi bệnh nhân điều trị nội trú. Đây là một hành động quyết liệt của Bộ Y tế trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Quá tải bệnh viện là một vấn đề nhức nhối của y tế trong nhiều năm gần đây. Hậu quả của vấn đề này là dịch vụ y tế không được đảm bảo về chất lượng cũng như làm ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh. Khi đã mang trong mình bệnh tật, một nhu cầu tối thiểu là có được không gian riêng để nghỉ ngơi đã không được đáp ứng tốt cho người bệnh trong thời gian vừa qua. Hệ lụy của quá tải bệnh viện không chỉ là vấn đề chất lượng điều trị mà còn là sự mất cân bằng về mặt quản lý vĩ mô đối với cả hệ thống.
Hiện nay, sự phân bố về số lượng bệnh nhân tăng dần từ tuyến xã đến tuyến Trung ương, điều này là không hợp lý. Nếu coi hệ thống y tế về mặt mô hình tổ chức giống như một hình kim tự tháp thì đáy của kim tự tháp là các trạm y tế xã, còn đỉnh là các bệnh viện Trung ương, tuy nhiên phân bố bệnh nhân đang đi ngược hoàn toàn với mô hình tổ chức này. Nói cách khác, y tế Việt Nam đang giống như hai kim tự tháp ngược chiều nhau giữa cung và cầu. Có nhiều nguyên nhân đã được đưa ra, nhưng hiểu một cách đơn giản nhất thì các nguyên nhân này xuất phát từ 3 chủ thể chính: người cung cấp, người sử dụng và người quản lý dịch vụ y tế.
Vấn đề của người cung cấp
Tất cả các đơn vị y tế từ tuyến xã đến tuyến Trung ương đều là người cung cấp dịch vụ y tế, tuy nhiên vai trò đối với quá tải bệnh viện có sự khác nhau. Y tế cơ sở là nơi vắng bóng người bệnh trong khi y tế Trung ương quá đông. Chất lượng chuyên môn của y tế cơ sở là một điểm mấu chốt dẫn đến việc mất niềm tin của người dân và từ đó hình thành suy nghĩ “chuộng Trung ương” trong họ. Mặc dù có một số ít các bệnh viện tuyến huyện hoạt động hiệu quả, nhưng nhiều bệnh viện tuyến huyện đang sống với cái bóng của chính mình mà không hiểu được rằng cái lỗi ở đây thuộc về mình. Bản thân họ đã không tạo được niềm tin cho người dân, đồng thời ngày càng lún sâu vào một cái vòng luẩn quẩn của câu chuyện: cầu càng ít, cung càng yếu.
Vì sao chất lượng chuyên môn của tuyến cơ sở không tốt? Có những lý do sau đây giải thích cho vấn đề này: Một là, nhiều chính sách về bảo hiểm và về giá đang trói chân các tuyến cơ sở. Bảo hiểm y tế giới hạn các đầu thuốc được duyệt ở các tuyến dưới là một biện pháp để chống vỡ quỹ. Tuy nhiên, biện pháp này cần phải được gỡ bỏ dần dần, song song với việc tăng cường bảo hiểm y tế toàn dân hiện nay. Có bệnh mà không có thuốc tốt, người dân buộc phải lên tuyến trên. Chính sách về giá chỉ cho phép tuyến cơ sở thu các dịch vụ y tế ở mức hạn hẹp. Điều này không những khiến nảy sinh các tiêu cực mà còn ngày càng triệt tiêu khả năng tự sinh tồn của mỗi bệnh viện tuyến huyện, chưa nói đến việc tái đầu tư để phát triển. Mặc dù đã có dự án nâng cao chất lượng bệnh viện tuyến huyện với tổng kinh phí đầu tư hàng ngàn tỉ đồng, nhưng tất cả mới chỉ giải quyết được cái áo khoác lên thân xác, trong khi phần hồn của nó còn chưa được quan tâm, như vậy không khác gì cuốn băng ướp xác mà thôi.
Cái “hồn” của tuyến cơ sở bao gồm vấn đề nhân lực và một vai trò mới trong hệ thống. Hiện nay, các bệnh viện và trạm y tế không khác nhiều so với các lô cốt sau khi xây xong thì ít còn quan tâm đến sự phát triển. Tính trung bình một ngày có khoảng 30 nghiên cứu mới công bố trên thế giới về y khoa, như vậy chỉ cần 1 năm đã có đến hơn 10.000 phát hiện mới. Tốc độ phát triển lớn như vậy chắc chắn các tuyến cơ sở không thể theo kịp, nhưng ít nhất phải có kế hoạch đào tạo liên tục 1 lần/ 1 tháng. Có nhiều người nghĩ rằng đãi ngộ kém ở tuyến cơ sở đã không thu hút được nhân lực chất lượng cao, tuy nhiên chúng ta cần nhìn nhận lại chính xác hơn vai trò của y tế tuyến cơ sở. Nếu coi toàn bộ hệ thống y tế là một cái phễu lọc bệnh tật thì phía đáy phễu (tuyến cơ sở) phải là nơi có khả năng sàng lọc tốt nhất và phía đỉnh phễu (tuyến Trung ương) phải là nơi điều trị tốt nhất. Nói cách khác, năng lực chẩn đoán bệnh ở tuyến cơ sở cần phải được nâng cao, trong khi năng lực điều trị ở tuyến Trung ương phải đi đầu. Thực tế hiện tại, tuyến cơ sở vừa yếu kém về chẩn đoán, vừa mất định hướng trong vai trò điều trị dẫn đến tình trạng trì trệ và có thể nói giống như những lô cốt bị lãng quên. Tập trung vào nâng cao năng lực nhân sự cơ sở với mục tiêu nâng cao khả năng chẩn đoán bệnh sẽ giúp ích cho việc giảm tải tuyến trên. Bên cạnh đó, cởi trói về cơ chế tài chính và bảo hiểm cho tuyến dưới cũng giúp ích cho việc giảm tải.
Vấn đề của người sử dụng
Người ta cho rằng, quá tải bệnh viện là lỗi của hệ thống bệnh viên nhưng hoàn toàn không nghĩ đến vế thứ hai của loại dịch vụ này, đó là bên sử dụng. Quá tải do người sử dụng bắt nguồn từ vốn hiểu biết về y học thông thường còn hạn chế ở người dân, từ đó dẫn đến những hậu quả sau đây:
Một, hiểu biết không đầy đủ khiến cho người dân thiếu cảnh giác, thiếu ý thức phòng bệnh, ví dụ như câu chuyện về bỏ tiêm vaccin của một số ít trẻ và hệ lụy là hình thành dịch bệnh trong cả cộng đồng. Mặt khác, thiếu ý thức phòng bệnh khiến cho người dân không có thói quen đi khám bệnh sàng lọc định kỳ, do vậy, khi bệnh nặng mới đến cơ sở y tế. Trong khi dịch bệnh sẽ làm tăng đột biến số lượng bệnh nhân từ đó dẫn đến quá tải ảo thì các ca bệnh nặng làm tăng số ngày nằm viện và do vậy dẫn đến quá tải ở tuyến trên.
Hai, hiểu biết hạn chế còn khiến người dân vội vàng mất niềm tin vào cơ sở tuyến dưới, trong khi nếu bình tĩnh hơn họ có thể được cứu sống sớm hơn. Điều này đặc biệt đúng đối với các tình huống cấp cứu. Có hai trường hợp như sau: nam giới bị tai nạn giao thông tại Hưng Yên do lái xe máy ngủ gật đâm vào dải phân cách cứng dẫn đến đa chấn thương. Người nhà (làm ngành y tại Hà Nội) đã ngay lập tức đưa vào Bệnh viện Phố Nối gần đó mới để sơ cứu và cố định các chấn thương, sau đó mới vận chuyển ra Hà Nội. Kết quả là sau 1 năm điều trị, bệnh nhân này đã hồi phục hoàn toàn, mặc dù trước đó chân trái của anh ta có đến 3 vị trí gãy hở. Trường hợp thứ hai, nữ giới bị tai nạn giao thông tại Hà Nam do đâm vào giải phân cách cứng khi tránh một ôtô đi ngược chiều dẫn đến đa chấn thương. Người đi đường xung quanh vô cùng tốt bụng đã bế xốc cô bé lên xe máy chạy thẳng một mạch lên bệnh viện ở Hà Nội. Hậu quả là mạng sống thì cứu được nhưng tàn tật suốt đời do các tổn thương di lệch quá nhiều.
Sự hiểu biết hạn chế của người dân còn dẫn đến tâm lý: cứ có bệnh là kéo lên Trung ương. Hiện tượng này một phần do người dân thường chỉ nhìn vào một sự kiện mà ngoại suy ra rằng hệ thống y tế cơ sở kém cỏi không thể điều trị được cho họ. Ví dụ như ở một bệnh viện huyện nào đó xảy ra một trường hợp tử vong “đột ngột”,vì tất cả các sự “đột ngột” ra đi đều để lại cho người thân một cú sốc tâm lý và rơi vào trạng thái “dễ bị tổn thương”, cho nên thời điểm đó nếu cộng thêm sự thiếu hiểu biết sẽ dẫn đến một ác cảm mang tính ám thị rằng y tế cơ sở tất thảy đều không tốt. Tuy nhiên, họ cần phải hiểu có những ca bệnh hết sức khó và nằm ngoài khả năng tiên lượng của y học. Dồn về tuyến Trung ương còn dẫn đến hình thành một ổ dịch bệnh và tăng nguy cơ lây chéo cho các bệnh nhân khác, đồng thời làm giảm chất lượng điều trị do thời gian dành cho một bệnh nhân của bác sĩ bị rút ngắn đi.
Để thay đổi sự hạn chế về hiểu biết của cộng đồng thì vai trò của mối liên kết giữa y tế và truyền thông là rất quan trọng.
Vấn đề của người quản lý
Người quản lý y tế được hiểu ngay là Bộ Y tế và các Sở Y tế, nhưng lớn hơn nữa là Chính phủ và Quốc hội.
Chúng ta không thể không nghe thấy nhiều câu chuyện như mơ về những trường hợp làm kỹ thuật viên phụ tá hàn sửa răng nhưng về tận làng quê xa xôi để mở cơ sở chữa răng thu tiền, hay những bác sĩ ở trên trời rơi xuống khi siêu âm ổ bụng liền kết luận là nhịp tim nhanh và kê digoxin cho người bệnh. Hệ thống quản lý y tế cơ sở có ba đầu sáu tay cũng không thể nào phát hiện được hết những trường hợp tiêu cực như vậy nếu như không có sự phản ánh của chính người sử dụng.
Cơ chế lắng nghe và xử lý quyết liệt tiêu cực lần đầu tiên đã được triển khai thực sự trong ngành y là một trong những bước đi đầu tiên để minh bạch hóa loại hình dịch vụ này, cũng như tăng thêm niềm tin của người dân vào y tế. Đường dây nóng của Bộ Y tế và của các bệnh viện hoạt động hiệu quả, kịp thời đã giải quyết nhiều bức xúc của người dân. Gần đây nhất, chính Bộ trưởng Bộ Y tế đã khẳng định: “Sẵn sàng lắng nghe dư luận xã hội trên mạng, bao gồm cả facebook”. Sự cởi mở theo hướng đối thoại là một hướng đi rất đúng nhằm giảm tải cho chính hệ thống quản lý y tế.
Một biện pháp hiệu quả được Bộ Y tế thúc đẩy nhanh trong vài năm qua là dự án “Bệnh viện vệ tinh” với mô hình làm việc “một mẹ chăm nhiều con”, nghĩa là một bệnh viện lớn tuyến Trung ương đào tạo tích cực cho nhiều bệnh viện vệ tinh. Muốn “mẹ” được giảm bớt áp lực công việc thì “con” phải giỏi hơn trong việc sàng lọc bệnh và điều trị các bệnh cơ bản. Để tránh làm giảm nguồn thu của “mẹ” do giảm số lượng bệnh nhân, các bệnh viện tuyến Trung ương cần được mở đường phát triển theo hướng đầu tư nhiều hơn cho đào tạo và nghiên cứu khoa học cũng như hợp tác quốc tế, khi mà gánh nặng khám chữa bệnh đã giảm.
Xa hơn nữa, đó là những quyết định của Chính phủ và Quốc hội liên quan đến đầu tư xây dựng mới để mở rộng các bệnh viện tuyến Trung ương như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viên Nhi Trung ương và Bệnh viện Nhi đồng 1,... Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi do Quốc hội thông qua được hiểu như một biện pháp tăng cường Bảo hiểm y tế toàn dân, đồng thời tạo ra một số rào cản chống vượt tuyến “ảo” nhằm mục đích giảm tải cho tuyến trên.
Sẽ là quá muộn, nếu...
Như vậy, vấn đề quá tải bệnh viện đúng là không thể một sớm một chiều xử lý ngay được, nhưng với những biện pháp rộng khắp từ Trung ương đến địa phương thì đã đến lúc phải có những cam kết cụ thể. Nếu không có cam kết sẽ không có hành động cụ thể. Chúng ta đều lo lắng về việc rập khuôn áp dụng cam kết này sẽ dẫn đến hậu quả là xoay vòng giường bệnh ở tuyến trên sẽ lớn hơn, do vậy không tránh khỏi sai sót của điều trị. Tuy nhiên, nếu nhìn vào một loạt các giải pháp đồng bộ từ trên xuống dưới thì có lẽ cái còn thiếu chính là một sự quyết tâm. Và đây là thời điểm tốt cho sự quyết tâm ấy.
Cam kết để thực hiện nghiêm túc và để hướng tới đích, đó là cái thiếu của nhiều người Việt. Chúng ta thường lập kế hoạch rất tốt nhưng cam kết thực hiện rất yếu kém và khi nghe đến một công việc nào đó đòi hỏi phải có sự cam kết thì thường lảng tránh hoặc nghĩ ra đủ thứ lý do để thoái thác.
Mặc dù chắc chắn còn nhiều khó khăn trong việc thực hiện cam kết này, nhưng nếu có sự ủng hộ của hệ thống quản lý, sự thực hiện nghiêm túc của các bệnh viện và niềm tin của người dân thì chúng ta có thể hy vọng vào một tương lai gần khi không còn quá tải bệnh viện nữa. Và nếu không cam kết ngay bây giờ, sẽ không bao giờ đến được cái đích đó.
BS. Thanh Huyền