Trường học ở Hà Nội "cấm học sinh đi xe đạp đi học, giáo viên theo dõi ghi tên"
Mới đây, một số phụ huynh Trường Tiểu học Đại Kim (quận Hoàng Mai, Hà Nội) phản ánh về việc con không được đi xe đạp đi học và giáo viên chủ nhiệm đã gửi tin nhắn trong nhóm chat chung của phụ huynh lớp để thông báo vấn đề này.
Cụ thể, giáo viên chủ nhiệm cho biết thực hiện chỉ đạo của ban giám hiệu, học sinh tuyệt đối không đi xe đạp đến trường. Giáo viên chủ nhiệm cũng thông tin, giáo viên tổng phụ trách và giáo viên trực tuần sẽ theo dõi, ghi tên những học sinh không thực hiện đúng quy định của nhà trường. "Mới đây, các phụ huynh tiếp tục nhận được tin nhắn nhắc nhở từ giáo viên chủ nhiệm, vẫn còn một số học sinh đi xe đến và để ở sân ngoài cổng trường", một phụ huynh cho biết.
Lý giải về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Ký - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đại Kim, cho biết: "Học sinh của trường đa số đều sống ở gần trường nên có thể phụ huynh đưa đón hoặc các em đi bộ đi học. Việc đạp xe đạp cũng không an toàn. Hơn nữa khuôn viên trường rất chật, không có chỗ để xe của học sinh nên nhà trường đã có quy định này có từ nhiều năm nay".
Học sinh tiểu học có được đi xe đạp tới trường không?
Nếu biết đi xe đạp, trẻ có thể tự đi đến trường mà bố mẹ không phải mất thời gian đưa đón. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh băn khoăn không biết vì sao nhà trường lại cấm học sinh đi xe đạp tới trường và lứa tuổi nào thì học sinh được đi xe đạp?
Chị Bích Thìn (A5 Đại Kim) thắc mắc: "Tôi thấy quy định cấm học sinh không được đi xe đạp tới trường là chưa phù hợp. Với những em học sinh mà cha mẹ không đưa đón được, đi bộ phải đeo balo nặng thì các em đi xe đạp đến trường là rất thuận tiện. Chưa kể, lý do nhà trường đưa ra là "việc đạp xe đạp không an toàn", vậy sao lại chỉ cấm học sinh nhà gần trường còn học sinh nhà xa thì vẫn được sử dụng xe đạp bình thường?
Đúng là học sinh khi đi xe đạp hoặc xe đạp điện đều chưa ý thức được sự nguy hiểm nên rất chủ quan nhưng cũng nhờ có các phương tiện mà nhiều học sinh tới trường một cách thuận tiện. Theo tôi, nếu gia đình nào để con em mình tự chạy xe đạp, xe đạp điện đi học thì phụ huynh cần phải mỗi ngày căn dặn con em mình hết sức cẩn thận như luôn đi xe sát lề bên phải, cấm con không được chạy xe hàng hai, hàng ba trên đường. Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng cần thường xuyên kiểm tra và kịp thời sửa chữa xe cho con nếu thấy hỏng hóc bộ phận nào đó, trong đó đặc biệt chú ý tới hệ thống phanh xe, xăm lốp, dầu nhớt... để các em đi xe tới trường được an toàn, đảm bảo hơn", chị Thìn chia sẻ.
Là một giáo viên dạy cấp tiểu học ở Hà Nội và là một ông bố có hai con đang tuổi đi học, thầy Lê Văn Tám (ở Đông Anh, Hà Nội) cho rằng, hiện nay, vấn đề tai nạn giao thông và vi phạm Luật An toàn giao thông ở độ tuổi học sinh đang ở mức độ báo động. Trong đó, học sinh tiểu học đang rất cần quan tâm vì mức độ nhận thức và kỹ năng khi tham gia giao thông còn hạn chế nên dễ xảy ra tai nạn giao thông cũng như gây tai nạn cho người khác.
"Ngày nay, cuộc sống ngày càng bận rộn, nhiều phụ huynh không có thời gian đưa đón con đi học nên việc mua xe đạp cho con đi học là cách giải quyết tốt. Tuy nhiên, nếu cha mẹ đưa các con đi là tốt nhất, bởi việc trẻ ở lứa tuổi tiểu học đi xe đạp ra đường rất nguy hiểm.
Để yên tâm, cha mẹ nên chọn cho trẻ xe có kích với từng độ tuổi. Chiều cao xe đạp phù hợp sẽ giúp các con có thể điều khiển phương tiện dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần chú ý tới quãng đường từ nhà tới trường xa hay gần, trẻ có đủ sức khỏe cũng như tự tin hay không, trẻ có hiểu biết luật giao thông đường bộ cần thiết hay chưa… Nếu như trẻ đáp ứng được các yếu tố trên thì phụ huynh mới cho phép trẻ đi xe đạp đến trường. Việc này giúp trẻ luyện tập được sức khỏe tốt, có thể mạnh dạn và tự tin hơn trong cuộc sống", thầy Tám cho biết.
Về độ tuổi học sinh được đi xe đạp tới trường, trao đổi với PV báo Sức khỏe và Đời sống, luật sư Tạ Phương - Văn phòng luật sư Trung Hòa (Hà Nội) cho biết, chưa có quy định pháp luật nào quy định học sinh bao nhiêu tuổi thì được phép đạp xe đến trường.
Theo luật sư Tạ Phương, vấn đề này sẽ phụ thuộc vào chiều cao, sự trưởng thành của trẻ. "Tuy không có văn bản pháp luật nào cấm trẻ tiểu học không được đi xe đến trường nhưng ở độ tuổi này việc cho các em làm chủ phương tiện tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khôn lường. Về mặt kiến thức các em chưa đủ để hiểu hết những quy định về an toàn giao thông; về mặt thể trạng thì có nhiều em chưa ngồi đúng hoặc phù hợp với kích thước xe đạp; về mặt tâm lý thì còn nhiều em mang tính trẻ con hiếu động nên không kiểm soát hết hành vi của mình…
"Để hạn chế những tai nạn có thể xảy ra đối với các em học sinh, tốt nhất khi còn ở độ tuổi học sinh tiểu học nên hạn chế cho các em tự đạp xe, nếu thuận lợi thì phụ huynh nên đưa đón vừa dành tình yêu thương cho con mà lại quản lý được con em mình. Về phía nhà trường, nhà trường cần phải thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở và kiểm tra để các em chấp hành tốt Luật An toàn giao thông. Các thầy cô giáo ở bậc tiểu học cần trao đổi với phụ huynh học sinh để hạn chế hoặc cấm các em tự đi xe đạp khi còn quá nhỏ", luật sư Tạ Phương nêu quan điểm.