Chị Minh ở Hà Đông, Hà Nội kể lại hồi tháng 4 là mùa hoa loa kèn, chị mua về nhà cắm trang trí. Sau khi tuốt bớt lá, cắt bớt cành cho vào bình, chị thấy chóng mặt, cảm giác nôn nao và bị mệt mỏi kéo dài cả ngày hôm đó.
Cách đây vài ngày, một bà nội trợ khác cũng mua một bó hoa hồng to về nhà trang trí. Do không tìm thấy kéo cắt dây bó hoa, chị có ghé miệng vào cắn đứt dây. Không lâu sau, cảm giác chóng mặt đến dồn dập và chị bắt đầu nôn khan không rõ nguyên nhân đến tận sáng hôm sau.
Nhìn nhận những hiện tượng này, bà Nguyễn Thị Hòa-PGĐ Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững (SRD) cho biết là do người trồng hoa đã dùng quá nhiều hóa chất để thúc ép hoa phát triển và có màu bắt mắt.
Cúc họa mi đang vào mùa và các chị em cần lưu ý không nên dùng tay bẻ cành, tuốt lá khi cắm hoa. Ảnh: Thủy Nguyên
Đối với người trồng hoa, bà Hòa cho hay, trong từng thời điểm, họ sẽ dùng từng loại thuốc để bảo vệ cây hoa như: chống rệp, sâu bọ tấn công hoặc đơn giản là dùng các loại hóa chất để bảo quản hoa tươi lâu hơn. Ngay cả tại các cửa hàng bán hoa, người bán cũng dùng hóa chất để hoa tươi lâu. Tất cả việc làm này sẽ gây ngộ độc ra ngoài môi trường.
“Rõ ràng chúng ta chưa nhìn thấy ai chơi hoa mà chết ngay lập tức nên không ai sợ. Nếu người nông dân sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật mà tử vong ngay trên đồng ruộng chắc chắn không dùng nó nữa. Nhưng chúng ta phải nhớ rằng, có loại bệnh là nguyên nhân từ thuốc bảo vệ thực vật nhưng không phải phát tác ngay mà nó tích lũy, phá hủy, cộng thêm môi trường làm cho cơ thể con người suy kiệt dần”, chuyên gia nông nghiệp này cảnh báo.
Nói về sở thích cắm hoa thường xuyên của nhiều người, vị này khuyến cáo, đối với những loại hoa có mùi thơm như ly, hồng cũng vậy, mùi thơm của hoa chính là mùi thuốc sâu và việc để một bình hoa trong nhà không khác với việc đang để bình thuốc sâu tỏa mùi trong nhà, nhất là trong phòng kín. Người trồng, bán hoa nên cân nhắc giảm lạm dụng các hóa chất độc hại. Nếu muốn cắm hoa, tốt nhất là đặt bình hoa ở nơi thoáng khí, nhiều cửa sổ, không nên dùng tay trực tiếp bẻ cành, tuốt lá khi cắm hoa sẽ hạn chế thấp nhất chất độc hại ngấm qua da vào cơ thể.
“Ngày nay, việc lạm dụng nhiều hóa chất nên vô hình với nhiều loại hoa dù rất đẹp nhưng lại chứa nhiều độc tố. Chúng ta đi làm cả ngày, chỉ tối về ngửi hoa, còn cha mẹ già, con cái ở nhà là những người ngửi chính”, PGĐ Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững cảnh báo.
Nói thêm thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong hoa quả, bà Hòa cho hay, một số tiểu thương phun nước pha hóa chất để giữ quả tươi lâu và người tiêu dùng hầu như không nhận biết được và cũng bỏ qua vì không ai tử vong ngay sau khi ăn. Tuy nhiên, tỷ lệ ung thư ở Việt Nam ngày càng nhiều một phần do những hóa chất đó. Bởi vậy, bạn nên chọn mua thực phẩm ở những nơi có uy tín và đạt tiêu chuẩn an toàn.
Theo Zing