Cấm đường bộ, đường biển và hoàn tất di tản trước khi siêu bão Noru đổ bộ

25-09-2022 18:29 | Thời sự
google news

SKĐS - Căn cứ vào tình hình siêu bão Noru, các địa phương có thể cân nhắc phương án cấm đường biển, đường bộ và hoàn thành sơ tán trước khi bão đổ bộ vào đất liền.

Chiều 25/9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai chủ trì cuộc họp chỉ đạo ứng phó với siêu bão Noru.

Cấm đường bộ, đường biển và hoàn tất di tản trước khi siêu bão Noru đổ bộ - Ảnh 1.

Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp ứng phó với bão Noru chiều 25/9 (ảnh: Mỹ Hà).

Tại cuộc họp, ông Phạm Đức Luận, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết, bão Noru rất mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, dự báo sẽ đổ bộ vào đất liền khu vực Trung Bộ, có thể gây mưa rất lớn, kéo theo đó là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Dự báo đêm 27/9, rạng sáng 28/9, bão đổ bộ vào khu vực miền Trung, dự kiến từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi. Do ảnh hưởng của bão, từ chiều 25/9, ở vùng biển phía Đông khu vực Bắc và giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 9, sau tăng lên cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 13, giật cấp 16. Sóng biển cao từ 6-8m, vùng gần tâm bão sóng biển cao từ 8-10m, biển động dữ dội.

Cấm đường bộ, đường biển và hoàn tất di tản trước khi siêu bão Noru đổ bộ - Ảnh 3.

Nhiều địa phương bắn pháo hiệu yêu cầu ngư dân quay thuyền về bờ tránh bão Noru.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp cũng nhận định Noru là cơn bão lớn nhất trong khoảng 5 năm qua với cấp độ rủi ro thiên tai trên đất liền có thể đạt cấp 4.

Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng của bão cần lên phương án cụ thể sơ tán người dân ứng với kịch bản từng cấp bão, đảm bảo nhu cầu về lương thực, thực phẩm thiết yếu.

"Nếu bão mạnh đến cấp 13 trên đất liền, tập trung người dân ở trường học chưa chắc đã an toàn. Vì vậy, cấp cơ sở cần rà soát kỹ nơi tránh trú đảm bảo trên địa bàn", ông Hiệp khuyến cáo.

Bên cạnh việc cấm biển, ông Hiệp đề nghị địa phương xem xét cấm đường ở những khu vực bão đổ bộ. Vì những khu vực này khi có mưa lớn, đường quốc lộ, đường sắt gần như bị ngập lụt.

Cấm đường bộ, đường biển và hoàn tất di tản trước khi siêu bão Noru đổ bộ - Ảnh 4.

Tàu thuyền ngư dân vào bờ neo đậu tránh trú bão.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng cho rằng với cơn bão mạnh như Noru, nên cấm người dân ra đường trong thời gian bão chuẩn bị đổ bộ, để tránh gây thiệt hại về tính mạng người dân khi gió giật sập các biển quảng cáo, mái tôn...

Phó thủ tướng Lê Văn Thành quán triệt các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng của bão tạm dừng hoặc hoãn một số cuộc họp không thực sự cần thiết để tập trung chỉ đạo ứng phó. Trước mắt, lãnh đạo các tỉnh, thành phố liên quan cân nhắc thời gian cấm biển, không cho tàu thuyền ra khơi và thống nhất một khung thời gian cố định để áp dụng. Phó thủ tướng đề nghị thời gian cấm biển có thể vào 6h sáng 26/9.

Cấm đường bộ, đường biển và hoàn tất di tản trước khi siêu bão Noru đổ bộ - Ảnh 5.

Người dân miền trung hối hả ứng phó với bão Noru.

Chiều 25/9, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã ra thông báo nghiêm cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động (bao gồm cả phương tiện vận tải hành khách, vận tải hàng hóa) kể từ 19 giờ ngày 26/9.

Cấm đường bộ, đường biển và hoàn tất di tản trước khi siêu bão Noru đổ bộ - Ảnh 6.

Nhiều địa phương thông báo cấm biển, yêu cầu ngư dân đưa tàu về bờ trong sáng 26/9.

Tương tự, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cũng đề nghị Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng khẩn trương có thông báo nghiêm cấm các tàu thuyền ra khơi và kêu gọi các chủ tàu đang hành nghề tại vùng ảnh hưởng của bão Noru đưa tàu về nơi neo đậu an toàn. Đối với các tàu đang ngoài khơi phải khẩn trương lên bờ chậm nhất đến 18 giờ ngày 25/9.

Các địa phương được dự báo chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão Noru cũng đang tiến hành sơ tán người dân, nhất là tại các khu vực trũng, thấp, vùng ven biển, ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, nhà cửa không kiên cố…; phối hợp với các lực lượng quân đội, công an hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa, sơ tán đến nơi an toàn.

Ứng phó với bão số 4 theo phương châm "bốn tại chỗ", khẩn trương, quyết liệt nhấtỨng phó với bão số 4 theo phương châm 'bốn tại chỗ', khẩn trương, quyết liệt nhất

SKĐS - Ngày 25/9/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Công điện số 855/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan và các địa phương liên quan tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó bão số 4 theo phương châm "bốn tại chỗ" với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất.



Thành Long
Ý kiến của bạn