Chị Phạm Thị Hằng và con trai Phạm Văn Minh Thương. Ảnh: T.G |
Đó là câu chuyện về chị Phạm Thị Hằng (39 tuổi, ngụ ấp Phú Hưng, xã Phú Quý, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) hay còn được gọi là Hằng “khùng” vì thần kinh không được bình thường. Chúng tôi tìm nhà chị không khó vì người dân trong xã ai cũng tường tận về chị. Bước vào ngôi nhà bé nhỏ bé, chưa tới tám mét vuông, chúng tôi cũng e ngại vì không đủ chỗ ngồi nói chuyện. Thấy người lạ đến thăm, chị Hằng cứ nhìn chăm chăm, co rúm người ngồi khép nép mé chân giường, hỏi gì cũng chẳng nói. Đỡ lời cô con gái nhút nhát, bà Đinh Thị Đương (62 tuổi, mẹ của chị Hằng) cho biết: “Nó (chị Hằng - PV) bị ngắn lưỡi nên nói chuyện khó nghe, câu được câu mất. Gia đình tôi nghèo quá nên cũng không đỡ đần nó được là bao. Trước toàn đi ở nhờ, người ta thương tình mới cất cho căn nhà nhỏ cạnh bờ sông thuộc khu đất quy hoạch của Nhà nước cho hai mẹ con nó ở tạm. Ngày ngày, mẹ con nó bán bó rau, vài con ốc đắng, cua đồng kiếm chút tiền lay lắt sống qua ngày. Số nó phải khổ nhiều bề lắm cô ơi (!)”.
Nhớ lại cuộc đời bất hạnh của đứa con gái dở dở điên điên, bà Đương đau đớn kể lại. Gia đình vốn dĩ đã nghèo từ trong trứng, vợ chồng bà cặm cụi làm thuê kiếm chỗ ở nhờ nuôi con bữa no bữa đói. Sinh được 8 người con, thì 3 người chết yểu, mấy người còn lại đều bỏ đi nơi khác làm thuê cuốc mướn rồi lập gia đình nhưng cảnh nghèo vẫn đeo bám riết không tha. Chỉ có mỗi chị Hằng, vì mắc bệnh thần kinh nên cứ ru rú ở nhà không đi đâu được. Số là lúc 3 tuổi, chị bị sốt nặng rồi bị chứng giật kinh phong hành hạ tưởng chết. Gia đình đưa bệnh viện Mỹ Tho cấp cứu, truyền nước biển cả tháng mới tỉnh lại. Chưa hết bệnh, vợ chồng bà Đương phải mang con về vì không có tiền trả viện phí. Kể từ đó trở đi, chị Hằng bỗng im bặt không nói câu nào như người câm, ngày ngày chỉ cười sặc sụa mãi không thôi.
Đến năm 16 tuổi, chị Hằng tự nhiên nói trở lại nhưng bị nói đớt, nói xàm, đôi lúc cười như điên như dại. Lúc ấy, ai trong xóm cũng xa lánh vì lí do chị bị khùng, cứ đi từ đầu xóm đến cuối xóm một mình nói huyên thuyên đủ thứ chuyện. Càng lớn, tính tình chị Hằng càng ngang bướng chẳng sợ ai. Cứ một, hai giờ sáng, chị lại cắp cái giỏ ra ngoài đồng hái rau lang về cho mẹ bán. Thương con lỡ có mệnh hệ gì, bà Đương không cho đi nhưng chị không nghe lời, cứ đòi đi bằng được. Đi riết, chị Hằng bị kẻ xấu hãm hiếp đến khi có thai gia đình mới hay.
“Ngày biết nó mang thai, tôi như chết lặng. Đau đớn, thương xót cho con mình vì ngây dại mà bị hại không nói cho ai biết, lại còn sinh con ra trong điều kiện bệnh tật và nghèo đói như vậy, liệu đứa nhỏ có phát triển bình thường được không. Gia đình có nhờ các cơ quan chức năng can thiệp để tìm cha đứa bé nhưng công cốc, vì nay nó chỉ người này, mai nó chỉ người kia. Từ lúc nó mang thai, bệnh của nó càng nặng hơn, sợ sệt mỗi khi đàn ông lạ lại gần, nói cười hò hét ầm ĩ cả ngày. Tôi lo lắm nhưng cũng đành để cái Hằng sinh con, chỉ mong sao hai mẹ con nó khỏe mạnh. Có thai rồi sinh con là vậy, nhưng nó cũng không biết chăm sóc con và bản thân nó. Thấy con khóc nhiều, Hằng chỉ biết bế thằng bé ra đặt ở bụi cỏ rồi nhét trái tắc chua vô miệng để cho con nín”, bà Đương tâm sự.
Kể cũng lạ, từ khi sinh được bé Phạm Văn Minh Thương, căn bệnh của chị Hằng ngày càng thuyên giảm, tinh thần tỉnh táo hơn, tính tình cũng bớt hung hăng, ít nói lảm nhảm. Đặc biệt, tấm lòng thương con của chị khiến ai cũng cảm phục, quý mến. Còn nhớ dạo chị Hằng mới sinh, có người thấy chị mắc bệnh tâm thần, gia đình lại thiếu ăn nên đến xin nuôi đứa bé và trả cho 5 chỉ vàng. Chị Hằng nhất quyết không cho còn quát nạt một trận. Chị còn sợ người ta bắt con nên mang thằng bé ra giấu ở bãi rác ngoài chợ. Đến bữa lại ra cho con bú rồi để con đó đi về. Cũng may, bà Đương biết được mới đi tìm ẵm thằng bé về nhà. Từ đó, hễ ai nhắc đến chuyện bắt con là chị Hằng lại chửi. Có lẽ thiên chức làm mẹ và tấm lòng thương con đã giúp chị Hằng nhận thức ngày một tốt hơn. Công việc giặt giũ, tắm rửa, chăm sóc con, nấu nướng được bà Đương truyền đạt, chị làm thành thục. Không chỉ vậy, ngày ngày chị vẫn dậy sớm ra đồng hái rau, mò cua bắt ốc rồi đi bộ hơn chục cây số ra ngoài chợ Nhị Quý bán. Người dân khắp xã vẫn quen thuộc hình ảnh người đàn bà miệng lẩm bẩm rao “rau bập bợ, cua ốc bán đây” còn tay khệ nệ xách giỏ rau, bưng thau ốc, cua đồng đi bán dọc con đường từ xã Nhị Quý đến xã Phú Quý. Kiếm được bao nhiêu, chị lại dành hết tiền mua đồ ăn ngon cho con. Hàng xóm láng giềng không còn xa lánh và coi thường chị Hằng “khùng” nữa mà rất cảm động với tấm lòng thương con của chị.
Hai mẹ con chị Hằng trong căn nhà lụp xụp. Ảnh: T.G |
Bên cạnh đó, phần lớn số tiền kiếm được, chị Hằng dồn hết vào việc mua sách vở, sắm sửa đồ dùng học tập cho thằng bé. Trong lúc chúng tôi đang nói chuyện với bà Đương, chị Hằng lôi trong bịch bóng một chồng sách rồi lẩm bẩm khoe: “Sách lớp ba cho Minh Thương (!) Còn thiếu, mua thêm… (!)”. Vừa nói, chị vừa móc mấy đồng bạc lẻ trong túi áo rồi nói câu ngắn ngủn chẳng đầu chẳng đuôi: “Dành tiền mua sách (!)”. Nói xong, chị cười khanh khách giòn tan. Để cắt nghĩa câu nói của chị, bà Đương tiếp lời: “Đó là sách giáo khoa lớp ba, nó mua cho Minh Thương, vẫn còn thiếu mấy quyển nên để dành tiền tiếp. Năm nay, thằng bé vừa lên lớp ba, mới bắt đầu học được vài bữa. Ngày nào cũng vậy, trời chưa kịp sáng, nó đã đưa thằng bé đến trường rồi nhờ người ta trông giùm để đi mò cua bắt ốc hái rau. Mới đây, Minh Thuơng lớn hơn một chút nên nó dắt bộ đi học, chứ mấy năm trước, nó toàn cõng thằng bé ngày hai buổi đến trường vì lo con mình bị người ta đánh.
Như hiểu được tấm lòng của mẹ, cậu bé tuy hơi bướng nhưng cũng thương chị Hằng lắm. Những ngày đi học thì cậu bé ở trên trường, còn cuối tuần lại rong ruổi theo mẹ đi hái rau, bắt ốc. Ngày nắng chang chang hay mưa xối xả cũng theo mẹ ngồi bán rau ngoài chợ. Hai mẹ con cứ như hình với bóng. “Thằng bé cũng phần nào bị ảnh hưởng đến thần kinh. Tính hơi bướng lại không tập trung học nên ở lại lớp hoài. Tuy vậy, nó cũng thương mẹ nó biết bao nhiêu. Nó bảo đi theo mẹ nó hái rau, bán ốc để bảo vệ, sợ người ta trêu ghẹo mẹ. Nó còn khuyên mẹ: “Con biết nhà mình nghèo lắm mẹ ơi (!) Nhưng mẹ ráng nuôi con học đến lớn, sau này con làm bác sĩ để nuôi và chữa bệnh cho mẹ”, bà Đương chia sẻ. Chúng tôi liền hỏi: “Thương mẹ vậy, muốn làm bác sĩ phải học giỏi, vậy Minh Thương đã học được những gì (?)”. Cậu bé không trả lời mà cứ dụi đầu vào người mẹ rồi hai mẹ con cứ rù rì với nhau điều gì đó khoái trí cười khúc khích. Chị Hằng còn rút ra tờ giấy trắng có dòng chữ nghuệch ngoạc ghi tên của chị khoe: “Minh Thương viết đấy!”. Ai chứng kiến mới thấy được, những câu nói ngây ngô hay những hành động ngờ nghệch của chị Hằng lại chứa đựng tình thương con sâu sắc. Tuy cuộc sống có vất vả, hai mẹ con chị vẫn bấu víu lấy nhau sống qua ngày trong niềm vui và hạnh phúc của tình mẫu tử.
5 năm ròng cõng con đi học Trao đổi cùng phóng viên, bà Đương bảo: “Cái Hằng thương con lắm nên không cho ai động đến cả. Có nhiều người thấy thằng bé học hoài đã hơn 5 năm mà mới chỉ học lớp 3 vì ở lại lớp 2 năm liên tiếp nên khuyên cho nghỉ học thì cái Hằng bực tức và quát: “Các bà không muốn cho con đi học thì kệ, chứ tôi phải cho Minh Thương đi học, đi học mới biết đọc để lỡ có đi lạc biết nhìn bảng chỉ đường mà đi về, biết số để sau này lỡ không học được nữa thì biết đếm tiền bán vé số nuôi tôi”. Bởi vậy, từ đó chẳng ai dám chọc cho Minh Thương nghỉ học nữa”. Có người cảm động khi thấy chị cõng con đi bộ đã mua hẳn cho chiếc xe đạp mới để chở thằng bé đi học cho đỡ cực. Vậy mà, chị cũng không đi sợ hư xe nên lấy cái màn mới nhất trùm kín bao bọc như châu báu. Rồi ngày ngày, hai mẹ con vẫn cuốc bộ đến trường trên đôi bàn chân trần. |
Theo GiadinhNet