Cảm động nữ bác sĩ quyết lấy chàng vận động viên khuyết tật làm chồng

31-12-2014 18:40 | Tin nóng y tế
google news

Bằng tình yêu chân thành, cả hai người đã vượt qua được những rào cản khó khăn để tạo dựng một mái ấm gia đình hạnh phúc...

Khi nghe con gái tỉ tê đang yêu một người đàn ông khuyết tật, người mẹ rất ngạc nhiên, rồi phản đối gay gắt. Nhưng bằng tình yêu chân thành, cả hai người đã vượt qua được những rào cản khó khăn để tạo dựng một mái ấm gia đình hạnh phúc...

Quyết lấy người mình yêu

Nhìn cặp vợ chồng chị Dương Thị Hồng Nhung (SN 1986) và vận động viên khuyết tật anh Trần Mai Anh (SN 1981) nhiều người không khỏi thán phục. Bởi không ai nghĩ, một cô gái xinh xắn, công việc ổn định và đang có nhiều người theo đuổi lại quyết định yêu rồi đi đến hôn nhân với một người đàn ông khuyết tật.

Khi những sóng gió đã qua đi, được sống hạnh phúc với người mình yêu, đến bây giờ, chị Nhung vẫn coi đó là sự lựa chọn táo bạo và đúng đắn nhất trong cuộc đời mình. “Cuộc đời không ai là hoàn hảo mọi thứ. Khiếm khuyết thứ này thì hoàn hảo những thứ khác. Anh Mai Anh tuy không đi lại được như người bình thường nhưng anh ấy có nghị lực sống và hơn hết là người sống tình cảm, chân thành. Với tôi, trong cuộc sống vợ chồng, chỉ cần một người đàn ông luôn bên mình như thế”, chị Nhung tâm sự.

Kể về mối tình của mình, chị Nhung cho biết, năm 2008, khi đang là sinh viên năm thứ ba của Học viện Y Dược cổ truyền, thông qua một người bạn, chị tham gia làm tình nguyện viên tại CLB Thể thao người khuyết tật Hà Nội. Từ khi mới tham gia, Nhung nghe mọi người nhắc nhiều đến chàng trai Trần Mai Anh bị khuyết tật vận động, nhưng là vận động viên có bề dày thành tích của CLB. Tuy nhiên, cô sinh viên lại chưa có cơ hội gặp mặt chàng trai đã gây ấn tượng qua những thông tin mà mình được nghe.

Cuộc sống hạnh phúc của chị Nhung và anh Mai Anh. Ảnh: P.B
Cuộc sống hạnh phúc của chị Nhung và anh Mai Anh. Ảnh: P.B

Đến đầu năm 2012, người mẹ qua đời đã trở thành cú sốc lớn đối với anh Mai Anh. Bởi đó không những là người mẹ mà còn là người bạn luôn động viên, an ủi để anh Mai Anh vượt lên tật nguyền dành những thành công trong cuộc sống. Mẹ mất chưa được bao lâu, anh Mai Anh phải sang Hàn Quốc để tham dự Đại hội Thể thao người khuyết tật châu Á. Nơi đất khách quê người, cùng với nỗi buồn mất mẹ, anh thường lên Facebook cập nhật thông tin về Đại hội cùng những cảm xúc vui, buồn của mình. Cô nữ sinh Hồng Nhung cảm nhận được tâm trạng lo lắng, bất an từ trong mỗi chia sẻ của Mai Anh nên thường xuyên bình luận, động viên anh cố gắng thi đấu tốt. Qua những cuộc nói chuyện, cả hai quyết định “bước ra” khỏi mạng xã hội để… hẹn hò.

Ngày gặp chị Hồng Nhung, anh Mai Anh không ngờ cô gái luôn có những lời chia sẻ chân thành, đầy tình cảm trên Facebook lại có gương mặt xinh xắn và nụ cười rất tươi. Còn chị Hồng Nhung lại càng ngưỡng mộ hơn khi thấy nghị lực phi thường của chàng trai khuyết tật. Lúc rảnh rỗi, chị Hồng Nhung đều lấy cớ để được gặp anh Mai Anh, khi thì cùng đi tập luyện, khi lại tham gia các hoạt động tình nguyện. Tình yêu lớn dần nhưng anh Mai Anh không dám ngỏ lời. “Tôi sợ cô ấy sẽ từ chối. Bởi Nhung xinh đẹp, thông minh, lại có công việc ổn định, Nhung đủ sức tìm một người chồng tốt hơn tôi rất nhiều”, anh Mai Anh nhớ lại.

Tuy nhiên, khi biết “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”, anh Mai Anh quyết định nói lời yêu. Sau giây phút bồi hồi, chờ đợi, anh Mai Anh như vỡ òa khi chị Hồng Nhung gật đầu đồng ý.

Vợ là tấm huy chương lớn nhất

Từ khi biết mình có tình cảm với anh Mai Anh và sau khi nhận lời yêu, chị Nhung vẫn chưa biết gia đình sẽ phản ứng như thế nào.

Trước khi đưa người yêu về ra mắt, chị Nhung đã thăm dò phản ứng của bố mẹ bằng cách lấy câu chuyện của một người khuyết tật trong xóm làm “tiền đề”. Nhưng khi biết chính con gái mình đang yêu một người khuyết tật, mẹ chị sốc và phản đối gay gắt. Chị Nhung vẫn kiên quyết: “Con cảm nhận anh ấy có thể chia sẻ và làm bờ vai vững chắc cho con dựa vào, bố mẹ hãy tin vào sự lựa chọn của con”.

Sáng thứ Bảy hàng tuần, anh Mai Anh đều đưa người yêu về quê ở Bắc Giang, cách Hà Nội 70km bằng xe máy tự chế rồi trở về Hà Nội ngay trong ngày. Anh cũng thường xuyên tham gia vào các cuộc vui của gia đình, sửa xe giúp bố mẹ Nhung, vào bếp cùng người yêu chuẩn bị bữa trưa… Cứ như thế suốt gần nửa năm, bằng lòng chân thành, tình yêu bền bỉ, bố mẹ cô Nhung cũng đồng ý.

Sau đám cưới, cả hai người về chung sống trong căn nhà ấm cúng ở khu tập thể Thanh Xuân Bắc (Hà Nội). Ngày ngày, anh Mai Anh vẫn tham gia luyện tập ở CLB Thể thao người khuyết tật Hà Nội, còn chị Hồng Nhung công tác tại Trung tâm Y tế dự phòng quận Long Biên. Dự định sang năm, vợ chồng anh chị sẽ đón thành viên mới.

Là một vận động viên đã dành được nhiều thành công ở nhiều kỳ thể dục, thể thao dành cho người khuyết tật, anh Mai Anh cho biết, do di chứng của cơn sốt bại liệt nên đôi chân anh bị teo nhỏ từ lúc 1 tuổi. Tuổi thơ của anh Mai Anh gắn với chiếc xe lăn, trong mặc cảm, sự kỳ thị của bạn bè và những người hàng xóm. “Họ nói rằng, người khuyết tật chỉ làm thợ đi sửa khóa thôi, không cần phải học nhiều làm gì. May thay, bố mẹ luôn giúp tôi lấy lại niềm tin. Bố tôi luôn khuyên, giá trị của một người nằm ở cách ứng xử, tri thức và những gì họ làm được cho xã hội nên tôi luôn nỗ lực để vượt qua chính mình”, anh Mai Anh tâm sự.

Vừa rèn luyện sức khỏe, anh Mai Anh vừa siêng năng học tập để vào đại học. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Công nghệ thông tin của Đại học Quốc gia Hà Nội, anh đầu quân cho một số công ty chuyên về lĩnh vực công nghệ thông tin, trong đó có tập đoàn FPT. Đến năm 2002, vì đam mê thể thao, anh Mai Anh nghỉ việc, chuyên tâm vào cầu lông để theo đuổi sự nghiệp thi đấu.

Trên chiếc tủ nhỏ đặt trang trọng, bộ sưu tập hơn 20 huy chương các loại ở các cuộc thi khác nhau là tài sản lớn nhất của anh. Mỗi huy chương đều là một kỷ niệm, dấu ấn đáng nhớ, là mồ hôi, nước mắt và cả tình yêu thương, chia sẻ của rất nhiều đồng đội. “Nhưng với tôi, Nhung luôn là tấm huy chương quan trọng nhất của cuộc đời này”, anh Mai Anh chia sẻ.

Theo Gia đình&Xã hội

 


Ý kiến của bạn